Chuyên gia đề xuất giảm thuế xăng dầu theo thời hạn 1 tháng hoặc 3 tháng

24-06-2022 11:27 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo các chuyên gia, có thể cân nhắc giảm thuế, phí, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu… để giảm giá xăng dầu. Trước mắt có thể giảm thuế trong một khoảng thời gian cố định như 1 tháng, 3 tháng.

Bộ Công Thương ủng hộ giảm thuế để giảm giá xăng dầuBộ Công Thương ủng hộ giảm thuế để giảm giá xăng dầu

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải vừa cho biết, Bộ Công Thương ủng hộ việc giảm thuế cũng như áp dụng các biện pháp để hỗ trợ kinh tế, ổn định an sinh xã hội.

Mong giảm thuế tiêu thụ đặc biệt

Từ 15h chiều 21/6, giá 2 loại xăng E5 RON 92 và RON 95 tiếp tục tăng lần lượt lên 31.302 đồng/lít và 32.873 đồng/lít. Thực tế, sau kỳ điều chỉnh lần này, giá bán lẻ nhiều mặt hàng xăng đã vượt 34.000 đồng/lít. Đơn cử, ở vùng II (địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu) xăng RON 95 lên mức 33.520 đồng/lít; xăng RON 95 V (xăng cao cấp) lên mức 34.130 đồng/lít; E5 RON 92 lên 31.920 đồng/lít...

Trong hơn nửa đầu năm 2022, giá xăng trong nước tăng tổng cộng 13 lần và chỉ trong 2 tháng, mặt hàng này có tới 5 lần lập đỉnh liên tiếp. So với mức điều chỉnh đầu tiên vào ngày 11/1, giá xăng hiện nay đã nâng thêm 37%.

Chuyên gia đề xuất giảm thuế xăng dầu theo thời hạn 1 tháng hoặc 3 tháng - Ảnh 2.

Chuyên gia đề xuất giảm thuế, phí xăng dầu theo thời hạn.

Hiện tại, trong công thức tính giá cơ sở, các loại thuế phí vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong việc cấu thành giá xăng. Cơ cấu giá xăng RON 95 phải "cõng" 4 sắc thuế gồm thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, VAT 10% theo giá bán và thuế bảo vệ môi trường giảm 50% còn 2.000 đồng/lít. Mỗi lít xăng cũng phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức (300 đồng/lít), mức trích lập quỹ bình ổn (300 đồng/lít) và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Xăng RON 95 có giá bán lẻ trên thị trường tối đa 32.873 đồng/lít. Vậy tổng chi cho các khoản thuế, phí chiếm tới 35%, còn tính riêng tổng chi từ thuế thì chiếm hơn 30% giá thành bán ra của một lít xăng RON 95.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, để hạ nhiệt giá xăng không thể trông chờ vào quỹ bình ổn xăng dầu, mà phải tính toán các biện pháp cao hơn như giảm 10-30% các loại thuế phí cấu thành vào giá xăng.

Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp vận tải đang rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn bởi tác động từ giá xăng dầu.  Các doanh nghiệp vận tải đã đình trệ hoạt động 2 năm qua vì dịch Covid-19 nay giá xăng tăng cao kỷ lục. Trong bối cảnh này, Chính phủ và các bộ ngành cần mạnh dạn miễn, ngừng thay vì giảm, hoãn. Cơ quan chức năng cần xem xét lại thuế tiêu thụ đặc biệt. Hiện nay, chúng ta đang định danh các loại mặt hàng không khuyến khích sử dụng và mặt hàng thiết yếu. Song, xăng là mặt hàng rất thiết yếu tại sao lại đưa vào danh sách không khuyến khích sử dụng?

"Đây là loại thuế không phù hợp khi đánh vào mặt hàng xăng dầu, hoàn toàn có thể giảm được để hạ giá mặt hàng này. Tôi mong phương án giảm thuế, phí được quyết định sớm bởi các doanh nghiệp vận tải đang quá khó khăn vì giá xăng dầu. Giá cả leo thang, người lao động cũng lao đao", ông Liên nói.

Có thể giảm thuế theo tháng

Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành phân tích, việc tính toán mức giảm các loại thuế, phí có mấy vế cần chú ý. Một là trong giai đoạn có những cú sốc thì việc hỗ trợ là có thời hạn, không quá kéo dài dù có thể cần ít nhiều sự linh hoạt. Ví dụ như có thể cân nhắc giảm các loại thuế phí trong 1 tháng hay 3 tháng, tùy theo tính toán cụt hể.

Hai là hỗ trợ cần phải hướng tới bảo đảm bền vững ngân sách trong bối cảnh vẫn cần dành nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Nguyên tắc ở đây là tính đến những kịch bản lạm phát để từ đó có mức giảm vừa đủ. Như ở Thái Lan vừa qua giảm một nửa thuế tiêu dùng đặc biệt nhưng cho 3 tháng. Thêm nữa là vừa qua có nguồn thu do chênh lệnh giữa giá dự toán (trong đó có xăng dầu) và giá xăng dầu thực thế giới tăng, có thể dùng để hỗ trợ.

"Cái cần nhất ở đây là vừa uyển chuyển, vừa linh hoạt, bám sát thị trường, vừa cần có thời hạn, trước mắt có thể hết năm nay. Vấn đề là giải pháp đưa ra cần phải được nhanh chóng thực thi", TS Võ Trí Thành nói.

Trong bối cảnh hiện nay, áp lực lạm phát là rất cao, cả thế giới đều vậy và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Để hạn chế được tác động tiêu cực của việc leo thang giá cả cũng như giá xăng dầu, phải có những can thiệp điều chỉnh dưới góc độ chính sách để kiềm chế giá xăng dầu cũng như lạm phát leo thang.

Vấn đề hiện nay là cân nhắc giảm các loại thuế phí ở mức độ nào. Và mặc dù giá xăng dầu có phần hạ nhiệt nhưng vẫn có thể là cao với nhóm người yếu thế, vậy có cần có chính sách hỗ trợ họ hay không?

Theo TS Võ Trí Thành, trong tình hình thế giới bất định hiện nay, nguy cơ giá xăng dầu neo ở mức cao, tiếp tục tăng vẫn còn. Áp lực lạm phát của Việt Nam còn lớn. Chúng ta cần hạ nhiệt giá xăng dầu và tình toán việc cân đối ngân sách, tác động lạm phát để có mức giảm phù hợp.

Trước đó, trong văn bản góp ý với Bộ Tài Chính ngày 21/6, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá ưu điểm của việc cắt giảm thuế bảo vệ môi trường là có thể thực hiện được ngay trong tháng 7 do thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, cơ quan này đặt câu hỏi vì sao Bộ Tài chính không chọn phương án giảm thuế nhập khẩu bởi vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và hoàn toàn có thể làm ngay trong tháng 7.

Ngoài ra, VCCI cũng cho rằng về lâu dài, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của việc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và có văn bản báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới.

Giá xăng dầu sẽ còn thiết lập nhiều kỷ lục mớiGiá xăng dầu sẽ còn thiết lập nhiều kỷ lục mới

SKĐS - Với diễn biến phức tạp của tình hình chính trị thế giới, theo các chuyên gia, chưa có cơ sở để khẳng định giá xăng sẽ ngừng tăng. Chiều 21/6, giá xăng trong nước có thể sẽ tăng 250-400 đồng/lít.


Tô Hội
Ý kiến của bạn