Thời gian gần đây, dư luận lại có nhiều ồn ào xung quanh việc chữa ung thư bằng thực dưỡng. Nguyên tắc chính của chế độ ăn thực dưỡng là giảm các sản phẩm từ động vật, chủ yếu ăn chay "bỏ đói tế bào ung thư".
Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc BV K Trung ương bày tỏ lo ngại khi người dân chữa ung thư bằng thực dưỡng. GS. Thuấn cho rằng, phương pháp thực dưỡng - trong đó có thực dưỡng Ohsawa mà mọi người lan truyền cũng như một hình thức ăn chay. Nhìn tổng thể những người ăn chay do không ăn thịt nên sẽ ăn nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc hơn những người ăn bình thường. Nếu đảm bảo đầy đủ năng lượng đây cũng là chế độ ăn tốt vì ăn nhiều rau, hoa quả, từ lâu đã được khoa học y học thừa nhận dự phòng một số một số loại ung thư, đặc biệt ung thư đại trực tràng.
Tuy nhiên, chế độ ăn chưa bao giờ được thiết kế nghiên cứu như một phương pháp điều trị đặc hiệu ung thư. Do vậy lựa chọn chế độ ăn nào đó và coi là phương pháp điều trị ung thư là chưa đủ cơ sở khoa học và dĩ nhiên sẽ khó mang lại hiệu quả.
"Không ăn thịt, đường, sữa để không nuôi tế bào ung thư phát triển - Điều này không có cơ sở khoa học. Với bệnh nhân ung thư các bác sĩ thường khuyên ăn chế độ đầy đủ chất dinh dưỡng bao gồm vitamin, nước, khoáng chất, đường, đạm, chất béo. Ngoài ra cần giữ cân năng hợp lý, hạn chế uống rượu, không hút thuốc lá và tập thể dục đều đặn.
Một số khuyến cáo hướng dẫn nên ăn chủ yếu các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chứ không phải hoàn toàn kiêng thịt, cắt bỏ hoàn toàn thịt trong khẩu phần ăn hàng ngày. Nếu người bệnh muốn chọn chế độ ăn chay, phải đảm bảo đấy là một chế độ ăn chay lành mạnh, đa dạng, phong phú và cung cấp đầy đủ năng lượng. Nếu không sẽ phản tác dụng, dẫn đến gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khoẻ để chống chọi với bệnh tật cũng như chịu đựng, dung nạp được các phương thức điều trị ung thư đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị"- GS. Thuấn chỉ rõ.
GS.TS Trần Văn Thuấn.
GS.TS. Mai Trọng Khoa - Nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân & Ung bướu, Nguyên Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, ông không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh một số người bệnh sau khi nhận được thông báo kết quả của bệnh viện thì bỏ mọi phác đồ điều trị do bác sĩ tư vấn, bỏ bệnh viện để về ăn theo chế độ “bỏ đói tế bào ung thư”, rồi tu luyện theo 1 pháp môn nào đó.
Kết quả, khi trở lại bệnh viện, người bệnh đó rơi vào tình trạng suy kiệt nặng, nhiều bệnh nhân lúc phát hiện mới ở giai đoạn rất sớm có nhiều cơ hội điều trị thì giờ đã vào giai đoạn 3, giai đoạn 4, thậm chí giai đoạn cuối trên một thân thể suy kiệt. Thay vì áp dụng phác đồ điều trị, thì các bác sĩ lại phải chống suy kiệt bằng việc truyền đạm, đường, các chất dinh dưỡng… để nâng cao thể trạng. Và không ít trong số những người bệnh đó đã đi về thế giới bên kia do suy kiệt trước khi bị chết vì ung thư.
GS.TS. Mai Trọng Khoa.
Người dân nên tỉnh táo
GS. Khoa nhấn mạnh: “Mọi việc cần dựa trên thực chứng và được kiểm chứng rõ ràng. Trong Y học hiện đại, dinh dưỡng lâm sàng được coi là một phương pháp điều trị phối hợp cùng với thuốc và các phương pháp điều trị khác. Còn quan điểm “bỏ đói tế bào ung thư” để dẫn đến người bệnh bị suy kiệt là nhận thức không đúng. Chúng ta cần hiểu rõ bản chất của vấn đề: Đó là cần có một cơ thể khỏe mạnh, thì mới tạo ra hệ thống miễn dịch tốt, khỏe mạnh thì mới có các tế bào miễn dịch khỏe mạnh đủ khả năng phát hiện, ức chế, tiêu diệt các tác nhân gây bệnh - trong đó có tế bào ung thư.
Bản thân tế bào ung thư cũng cần dinh dưỡng và chúng sẽ lấy dinh dưỡng từ chính người bệnh. Nếu người mắc ung thư không được cung cấp đủ năng lượng, người bệnh sẽ gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh tật cũng như không đáp ứng được với các phương pháp điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị…. Vì vậy, người bệnh và gia đình người bệnh không nên cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian để rồi đánh mất cơ hội điều trị chính thống ngay từ giai đoạn vàng”.
Hiện nay, bên cạnh các phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, điều trị nội tiết, điều trị đích, gần đây có thêm một phương pháp mới là điều trị miễn dịch. Nếu trước kia chúng ta tác động và tiêu diệt trực tiếp các tế bào ác tính bằng phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, điều trị đích… thì bây giờ, bằng phương pháp điều trị miễn dịch tức là giúp các tế bào miễn dịch (tế bào T…) của hệ thống miễn dịch nhận diện và tiêu diệt tế bào khối u. Đây là phương pháp điều trị gián tiếp. Để có một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh thì cần một cơ thể đủ khỏe. Muốn vậy người bệnh cần một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học đủ chất…
Hình ảnh bệnh nhân ung thư vú phát hiện ở giai đoạn 2, hạch di căn tại chỗ bỏ điều trị đi ăn thực dưỡng muối vừng gạo lứt. Sau gần 2 năm sau quay lại cấp cứu vì khó thở. Các bác sĩ chọc hút ra gần 1000ml dịch màng ngoài tim. Xuất hiện ngay ổ di căn nhìn thấy được. Ảnh: BS Ngô Hùng.
Do đó, bên cạnh việc dùng thuốc và các phương pháp điều trị đặc hiệu thì dinh dưỡng là một phần không thể thiếu trong liệu trình điều trị bệnh nói chung và đặc biệt đối với người bệnh ung thư. Cần phải coi ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, khoa học là một phần không thể thiếu trong việc phòng và chống ung thư.
Trước những luồng dư luận nhiều chiều, GS.TS Trần Văn Thuấn khuyến cáo người dân cũng như bệnh nhân ung thư cần tìm hiểu và tham khảo các nguồn thông tin, tài liệu chính thống về phòng chống căn bệnh này từ các bác sĩ chuyên khoa và các cơ sở y tế khám chữa, các hiệp hội ung thư uy tín. Đặc biệt bệnh nhân ung thư cần hỏi bác sĩ chẩn đoán, điều trị của mình thật nhiều để hiểu rõ về bệnh tình, các phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng và tiên lượng.
Điều trị ung thư là vấn đề rất lớn, rất phức tạp và đòi hỏi chuyên môn sâu, kết hợp đa mô thức, đa chuyên khoa mới có thể hiệu quả. Không nên dễ dàng cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian, đánh mất cơ hội điều trị chính thống vì lựa chọn các phương pháp không chính thống, chưa có cơ sở khoa học.