Không nên kỳ vọng hay lo lắng ChatGPT thay thế con người
PGS.TS. Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, sản phẩm ChatGPT có cái hay là nó đến thẳng với đại chúng, chính vì vậy mọi người khá bất ngờ vì thấy ChatGPT kỳ diệu đến như vậy.
"Tuy nhiên, trước "cơn sốt" ChatGPT, dân công nghệ và người làm khoa học đón nhận sản phẩm ChatGPT rất bình tĩnh. Trước đó, nhiều công nghệ AI tương tự từng xuất hiện và ChatGPT cũng là demo cho ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI. Chúng ta sẽ còn nhiều bất ngờ trong thời gian tới về những công nghệ trí tuệ nhân tạo này".
Ông Tùng cho rằng, không nên kỳ vọng hay lo lắng ChatGPT thay thế con người. ChatGPT có thể tổng hợp thông tin, nhưng không có tư duy, phản biện. Do vậy, đây chỉ là một trong số vô vàn công cụ để ngành giáo dục tốt hơn mỗi ngày.
Về lo lắng sinh viên sẽ lười hơn khi ChatGPT ra đời, PGS.TS. Tạ Hải Tùng cho biết, việc một số trường, giáo viên cấm sinh viên dùng ChatGPT là tư tưởng "bảo thủ". Thay vì tranh luận với sinh viên có sử dụng ChatGPT hay không thì giảng viên có thể thảo luận để cùng đồng hành hỗ trợ và hướng dẫn người học sử dụng ChatGPT theo hướng tích cực. Khi đó kết quả học tập của sinh viên sẽ được nâng lên.
"ChatGPT tốt hay xấu là do cách và mục đích sử dụng của người học. Chúng ta nên kỳ vọng đây là công cụ để sinh viên học tốt hơn, làm nền cho sự tiến bộ", PGS.TS. Tạ Hải Tùng chia sẻ.
Còn TS. Nguyễn Thành Nam - Nhà sáng lập FUNiX ví ChatGPT như nguồn nước mát, cơn mưa rào. Mục tiêu cuối cùng của giáo dục là tự học. Nếu khai thác tốt, ChatGPT có thể giúp chúng ta thực hiện mục tiêu này. Do đó, ChatGPT có thể làm cho giáo dục tốt lên nên không thể coi là đe dọa lĩnh vực này. "Chúng ta cần nhìn nhận vào công nghệ mới như ChatGPT theo hướng tích cực để ứng dụng này có thể phục vụ đắc lực cho công việc của mình".
Hơn 20 triệu học sinh hãy dùng, hãy cảm nhận, hãy trải nghiệm để hiểu hơn về ChatGPT
Tại buổi tọa đàm "ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ, với ngành giáo dục, chủ thể vẫn là người thầy. Tuy nhiên, không chỉ người thầy với những bài giảng, mà chúng ta còn có công nghệ. Công nghệ giáo dục nổi lên từ nhiều năm nay. Đó câu chuyện về dạy học trực tuyến và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đây là cơ hội lớn mà chúng ta cần có những chính sách kịp thời.
Theo ông Sơn, sẽ còn nhiều sự thay đổi và còn nhiều tiến bộ. Không có chính sách nào bắt kịp tương lai lâu dài. Tuy nhiên trước hết, chúng ta cần bắt đầu thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận những công nghệ này và tâm thế đón nhận nó. Chúng ta không quá hào hứng nhưng cũng không quá lo ngại, hay hoảng sợ.
"Cách tốt nhất để hiểu nó, chính là dùng nó. Công nghệ, công cụ này có sẵn và toàn thể hơn 20 triệu học sinh, 1 triệu rưỡi nhà giáo rồi các nhà quản lý giáo dục, chúng ta hãy dùng, hãy cảm nhận, hãy trải nghiệm để hiểu hơn. Và khi hiểu hơn, chúng ta cùng thảo luận".
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT mong rằng các nhà trường, các tổ chức sau khi đã dùng, đã trải nghiệm, sẽ thảo luận và làm rõ hơn lợi ích mà ChatGPT cũng như các công nghệ khác mang lại cho chúng ta. Từ đó có những chính sách lâu dài để cơ quan quản lý Nhà nước có những chính sách kịp thời.
Theo thống kê của ngân hàng đầu tư UBS, dựa trên dữ liệu từ Similar Web, ChatGPT, được OpenAI công bố cuối tháng 11/2022, thu hút 57 triệu người dùng sau một tháng ra mắt. Tính đến 31/1, siêu AI đã đạt 100 triệu người dùng. Trung bình mỗi ngày trong tháng 1, nó có 13 triệu người truy cập.
Theo dữ liệu từ Sensor Tower, TikTok đã mất khoảng 9 tháng sau khi ra mắt toàn cầu để đạt được 100 triệu người dùng và Instagram là 2,5 năm, dài hơn rất nhiều so với khoảng thời gian 2 tháng của ChatGPT.