- Xin ông cho biết có những hình thức ngộ độc nào? Người bị ngộ độc có những biểu hiện như thế nào? Trong vòng bao lâu kể từ khi sử dụng thực phẩm, thưa ông?
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên: Hiện có 3 nhóm nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm, gồm:
Thứ nhất, thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật và các độc tố của vi sinh vật. Trong nhóm này phổ biến nhất vẫn là vi sinh vật gây bệnh qua đường tiêu hóa như Ecoli, Salmonella, lị… Đây cũng là nhóm nguyên nhân gây ngộ độc nhiều nhất ở nước ta, do việc chế biến, sử dụng thực phẩm mất vệ sinh;
Thứ hai, thực phẩm bị nhiễm các hóa chất do nuôi trồng, bảo quản, chế biến (ví như hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, phụ gia thực phẩm…) hoặc do yếu tố chủ đích – chủ động cho hóa chất vào thực phẩm để đầu độc nhau như cho asen- thạch tín, xyanua, thuốc diệt chuột.
Thứ ba, bản thân thực phẩm có độc (chất độc tự nhiên), ví dụ cá nóc, nấm…
Những biểu hiện điển hình của ngộ độc thực phẩm, có thể: xuất hiện ngộ độc ngay khi đang ăn hoặc vừa ăn xong hoặc trong vòng vài giờ, vài ngày tùy theo yếu tố gây độc trong thực phẩm; có từ 2 người trở lên cùng có biểu hiện tương tự như nhau sau khi cùng ăn uống 1 loại thực phẩm nghi ngờ (người không cùng ăn uống sẽ không bị); thường có kết hợp các triệu chứng về đường tiêu hóa như đau bụng, nôn, đi ngoài.
- Làm thế nào để phân biệt được biểu hiện của ngộ độc thực phẩm với việc ngộ độc do nguyên nhân khác, thưa ông?
TS. BS Nguyễn Trung Nguyên: Ngộ độc thực phẩm chính là ngộ độc các chất, vi trùng, độc tố gây ra. Khi nói về ngộ độc thực phẩm thì thực phẩm đóng vai trò như vector – đường truyền gây ngộ độc trong cơ thể, còn các vi trùng, hóa chất có trong thực phẩm gây ra ngộ độc cấp tính, mãn tính… Ngộ độc thực phẩm là tất cả những biểu hiện xuất hiện sau khi sử dụng thức ăn như tôi đã kể trên.
Đối với các ngộ độc do vi khuẩn, vi trùng nói chung, các triệu chứng chủ yếu ở đường tiêu hoá, có thể thêm yếu tố mất nước, sốt, có biểu hiện nhiễm trùng, tuy nhiên tập trung khu trú chính vẫn ở đường tiêu hoá. Ngoài ra có một số gợi ý khác như vừa ăn xong hoặc trong vòng 6 giờ nôn luôn là do ngộ độc các độc tố có sẵn bên trong thực phẩm, nhẹ nhất là độc tố tụ cầu, vi trùng, vi khuẩn.
Nhưng nếu bệnh nhân có thêm các triệu chứng về tim mạch, thần kinh, tê bì, yếu cơ, mờ mắt, rối loạn nhịp tim và một số cơ quan khác mà các triệu chứng này không phải do nhiễm trùng, không do mất nước gây ra, không phải là bệnh đường tiêu hóa đơn thuần thì nghĩ đến ngộ độc do nhóm ngộ độc do yếu tố hóa chất hoặc độc tố tự nhiên trong thực phẩm.
Có thể nói trong đời ai cũng ít nhiều đều bị ngộ độc thực phẩm, đa phần là các trường hợp nhỏ lẻ, có thể vài người bị, thi thoảng xảy ra những vụ ngộ độc với số mắc nhiều.
Hầu hết ngộ độc thực phẩm nhẹ đều có thể nhanh chóng ổn định hoặc được giải quyết ngay tại tuyến y tế cơ sở, nhưng cũng có những trường hợp ngộ độc thực phẩm phải có sự vào cuộc của chuyên gia đầu ngành, phải chuyển lên tuyến cuối điều trị và phối hợp xác định nguyên nhân ngộ độc hoặc các bệnh khác.
Có nhiều tình trạng cấp cứu từ bệnh khác nhưng biểu hiện tương tự khiến dễ nhầm với ngộ độc thực phẩm như: nhồi máu cơ tim, viêm ruột thừa, viêm tụy cấp, chửa ngoài tử cung vỡ, nhồi máu mạc treo, thậm chí tai biến mạch não,... Đặc điểm của các bệnh này là các biểu hiện đau bụng, nôn,...dai dẳng, liên tục, nặng, và có các biểu hiện ở các cơ quan khác mà không phải ở đường tiêu hóa như yếu, liệt, tê bì, chóng mặt, đái ít…
Tuy nhiên những trường hợp này thường diễn biến chậm hơn. Do đó phải luôn luôn cảnh giác với ngộ độc thực phẩm. Nếu có tình trạng nặng hoặc rầm rộ hoặc dai dẳng, liên tục không đỡ, cần đến cơ sở y tế để thăm khám ngay.
- Vậy ông có thể cho biết khi gặp trường hợp bị ngộ độc, người thân/ người chứng kiến cần xử trí như thế nào?
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên: Điều đầu tiên khi thấy các trường hợp ngộ độc thực phẩm cần phải xác định ngay xem có nguy cơ cao rủi ro hay không biểu hiện qua triệu chứng rầm rộ, dai dẳng (đau liên tục không hết, không đỡ); mức độ đau, nôn, mệt mỏi, đi ngoài, biểu hiện thần kinh, đau ngực, lơ mơ, chếnh choáng…; Hoặc ngộ độc thực phẩm xảy ra trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch, trẻ em, người có thể trạng yếu, người có bệnh nền…
Khi bệnh nhân đau bụng, nôn, tiêu chảy… cách xử lý tại nhà dễ nhất là bù nước bằng oresol, uống nước canh cho muối, nước gạo cho thêm muối, uống theo nhu cầu. Đồng thời theo dõi nhiệt độ xem có sốt không. Trong trường hợp uống bù nước không đủ, uống xong lại nôn liên tục, cần đến ngay cơ sở y tế.
Đối với ngộ độc có nhiều người mắc, hoặc ngộ độc đơn lẻ nhưng nặng, có thể do yếu tố hóa chất, độc tố tự nhiên, cần báo cơ quan y tế dự phòng hoặc cơ quan an toàn thực phẩm địa phương để có phương án xử lý kịp thời.
Cùng đó, gia đình, người chứng kiến cần giữ lại các mẫu thực phẩm nghi ngờ nhiễm độc để các bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân ngộ độc, có cách xử trí kip thời. Giữ lại chất nôn, chất thải để phục vụ nhu cầu kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc.
-Xin trân trọng cảm ơn TS.BS Nguyễn Trung Nguyên!