Chuyên gia chia sẻ cách chăm sóc cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa

27-11-2018 09:12 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Rối loạn tiêu hóa là tình trạng phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng đặc biệt rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Trẻ bị rối loạn tiêu hóa có thể xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau. Do đó cha mẹ cũng cần có cách xử lý đúng đắn tùy trường hợp của bé.

Tại buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề: " Giải quyết chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ hiệu quả ",PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy _Trưởng bộ môn Nhi trường Đại học Y Hà Nội Phó trưởng khoa miễn dịch dị ứng Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Trẻ em rất dễ bị rối loạn tiêu hóa bởi những năm đầu đời của cuộc sống, trẻ chưa thích nghi với môi trường. Hệ tiêu hóa phát triển chưa hoàn chỉnh và cấu trúc của đường ruột chưa thực sự bền vững. Đặc biệt là hệ miễn dịch của trẻ chưa kịp đề kháng tốt với những yếu tố gây bệnh bên ngoài. Trẻ sẽ dễ mắc các bệnh tiêu hóa nếu không được chăm sóc kĩ.

Ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của bé

Các chuyên gia cho rằng, rối loạn tiêu hóa là sự thay đổi hoặc xuất hiện triệu chứng ở đường tiêu hóa. Những hiện tượng, như: ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, nôn, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón, đau bụng âm ỉ hoặc đau từng cơn... là những biểu hiện cơ bản của rối loạn tiêu hóa. Chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp trong một số bênh lý đường tiêu hóa hoặc bệnh lý ngoài đường tiêu hóa. Mọi lứa tuổi đều có thể xảy ra rối loạn tiêu hóa, nhưng tình trạng ở mỗi người không giống nhau. Đặc biệt chứng rối loạn tiêu hóa rất phổ biến ở trẻ nhỏ, gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển toàn diện của bé.

"Rối loạn tiêu hóa liên quan đến nhiều chế độ ăn uống, và trẻ em người lớn nó cũng có biểu hiện khá giống nhau: Đầy hơi, lúc thì đi ngoài phân sống, không phải hoàn toàn táo bón, không phải hoàn toàn tiêu chảy mà các biểu hiện xen kẽ". PGS. Thúy nhấn mạnh.

PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy _Trưởng bộ môn Nhi trường Đại học Y Hà Nội Phó trưởng khoa miễn dịch dị ứng Bệnh viện Nhi Trung ương.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS. Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng Khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho rằng, chúng ta thường hay dùng từ chung là rối loạn tiêu hóa, tuy nhiên từ này lại thể hiện những tình trạng bệnh lý khác nhau như tiêu chảy, viêm ruột, dị ứng, bất thường về nhu động ruột.... Thực trạng bệnh tùy theo bối cảnh, tùy theo tình trạng như tiêu chảy, đau bụng, nôn trớ, ợ hay táo bón.... Theo các nghiên cứu thế giới, các bệnh nhân mắc những bệnh lý này chiếm khoảng 5 - 7% tại các phòng khám đa khoa và khoảng 30% ở các phòng khám chuyên khoa với các vấn đề rối loạn tiêu hóa.

PGS.TS.  Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng Khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Các chuyên gia đều cho rằng rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe lâu dài của trẻ.  Với trẻ thường xuyên có biểu hiện bất thường tại đường tiêu hóa, khả năng hấp thu và cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể bị ảnh hưởng và diễn tiến lâu dài dẫn đến suy dinh dưỡng.

Tiêu hóa kém khiến trẻ nhỏ bị hạn chế khả năng hấp thu các dưỡng chất quan trọng như DHA, ARA… từ đó ảnh hưởng đến quá trình phát triển trí não toàn diện, chiều cao thể lực của bé sau này.

Ngoài ra, rối loạn tiêu hóa làm giảm tỷ lệ lợi khuẩn có trong đường ruột, giảm sức đề kháng và hệ miễn dịch tạo cơ hội cho một số vi khuẩn nguy hiểm xâm nhập và phát triển trong cơ thể trẻ gây ra các bệnh nguy hiểm như tả, lỵ, viêm đại tràng mạn tính…

Cách chăm sóc như thế nào?

TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám Tư vấn Trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, trong công tác khám tư vấn tại Trung tâm chị và các đồng nghiệp gặp đa phần trẻ đến khám có vấn đề về tiêu hoá và trong đó nguyên nhân lớn là sai lầm do chế độ ăn uống.


TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám Tư vấn Trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

TS. Nga nêu quan điểm, với nền kinh tế đang phát triển như hiện nay không có vấn đề thiếu ăn, nhưng cách thực hành thì các cha mẹ lại chưa có kiến thức đầy đủ, thậm chí loạn thông tin. Hiện nay, trên mạng Internet có nhiều luồng thông tin không chuẩn, nhiều mẹ chỉ tìm hiểu trên mạng mà không biết nguồn thông tin ấy đã được kiểm định chưa, nếu như gặp phải những luồng thông tin không chuẩn thì sẽ ảnh hưởng xấu cho sự phát triển của trẻ.

Cũng theo TS. Nga, thời điểm dễ gây rối loạn tiêu hóa nhất đối với trẻ là thời điểm trẻ ăn dặm. Nếu trước đó bé bú mẹ và mẹ ăn uống tốt, ngủ đủ thì sữa tốt. Nhưng khi trẻ đến tuổi ăn dặm mà bé chỉ bú mẹ thì ở sữa mẹ không đủ dinh dưỡng.  Hoặc có những trẻ lại bị suy dinh dưỡng do gia đình quá kiêng khem, nghĩ rằng con mình bé ăn nhiều quá không tốt, hoặc ăn không cân đối nhiều rau củ quả lại hạn chế chất béo, hoặc ăn nhiều chất béo nhưng lại lười ăn rau quả.

"Đáng lưu ý, nhiều mẹ đến phòng khám cho biết con ăn rất tốt vậy tại sao vẫn bị suy dinh dưỡng, hỏi ra mới biết các mẹ đi mua đồ ăn cháo, bột dinh dưỡng nẫu sẵn ở ngoài hàng. Các hàng ăn ở ngoài họ không thể chế biện một lượng đạm cần thiết cho trẻ, thậm chí khi ăn vào thấy ngọt  và ngon miệng nhưng đôi khi vị ngọt ngon đó là do gia vị và gia vị thì lại từ các chất hóa học. Ngoài ra lượng dầu mỡ cũng không cung cấp đủ cho như cầu của con. Thực sự  lúc đó các bác sĩ  chỉ biết ngạc nhiên". TS. Nga chia sẻ.

TS. Nga cũng nhấn mạnh, cùng với việc ăn uống không hợp lý, chúng ta lại lạm dụng kháng sinh , các bà mẹ cho con uống kháng sinh với tỷ lệ tăng vọt. Trước đây đời sống kinh tế kém thì rối loạn tiêu hóa gặp ít, nhưng kết quả nghiên cứu tại phòng khám dinh dưỡng nhận thấy tỷ lệ này lại tăng lên trong khi thực phẩm tốt kinh tế đi lên.

Vì vậy để con không mắc rối loạn tiêu hóa, các chuyên gia khuyến cáo cần cho trẻ ăn hợp lý cụ thể ở giai đoạn đầu cần cho trẻ bú mẹ 6 tháng đầu hoàn toàn sữa mẹ, đến giai đoạn trẻ ăn dặm cần bổ sung thịt, rau quả, dầu mỡ… theo khuyến cáo của Viện Dinh Dưỡng.

Thứ 2 cần giữ nguyên tắc ăn chín uống sôi, vệ sinh tay hằng ngày để tránh nhiễm khuẩn. Tránh hàng quán, thực phẩm không an toàn về chất lượng cũng như tiêu chuẩn vệ sinh…Ngoài ra, không nên cho trẻ ăn uống các thực phẩm ăn nhanh.

Cùng quan điểm này, PGS. Diệu Thúy lưu ý thêm với các bậc phụ huynh, cần theo dõi tiến triển của trẻ nếu trẻ không hấp thu tốt, có biểu hiện còi cọc, chậm lớn hoặc biểu hiện bất thường thì cần khám  y tế để các bác sĩ được đánh giá cụ thể, khi đó có thể tìm ra bệnh lý tiềm tàng… hoặc bổ sung vi chất, bổ sung men tiêu hóa, vi sinh cho hợp lý.


Lê Mai
Ý kiến của bạn