Mưa lũ liên tiếp từ đầu tháng 5
Đầu tháng 5 không phải là giai đoạn cao điểm mùa mưa lũ ở Bắc bộ, nhưng năm nay đã xuất hiện nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm như mưa dông, lốc, sét, mưa đá... Đáng lưu ý, nhiều nơi ở Bắc bộ vừa qua ghi nhận những trận mưa cường suất lớn, mưa lớn cục bộ với lượng mưa phổ biến từ 100 - 200 mm, có nơi trên 300 mm. Mưa cường suất lớn là những cơn mưa diễn ra trong một vài giờ nhưng có lượng mưa lên tới 100 - 200 mm.
Những ngày vừa qua, các trạm đo mưa ở Bắc bộ liên tiếp ghi nhận những cơn mưa cường suất lớn. Cụ thể, tại xã Yến Dương (H.Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) xảy ra lũ quét, sạt lở đất sáng 18/5. Trước đó, từ 20 - 24 giờ đêm 17/5, lượng mưa đo được tại xã Yến Dương lên tới 195 mm; tại Na Hang (Tuyên Quang) từ 21 - 24 giờ ngày 17.5 có mưa 198 mm; tại Tân Lập (Hà Giang) từ 20 - 24 giờ ngày 17/5 có mưa 132 mm; Quảng Yên (Quảng Ninh) từ 18 - 21 giờ ngày 17/5 mưa 150 mm; tại Dân Tiến (Thái Nguyên) từ 16 - 19 giờ ngày 17/5 mưa 192 mm...

Miền Bắc mưa lũ phức tạp từ đầu tháng 5.
Dự báo tổng lượng mưa tháng 5 năm nay có thể cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 10 - 30% nhưng cũng chưa đáng kể so với tháng 5.2024, cao hơn trung bình nhiều năm 30 - 60% nhưng đáng chú ý là sự xuất hiện của mưa cường suất lớn trong khoảng thời gian ngắn.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai vừa có những phân tích chi tiết nguyên nhân của diễn biến thời tiết trên và dự báo một năm mưa nhiều ở Việt Nam
Theo đó, nguyên nhân chính là sự xuất hiện của front Meiyu, hay còn gọi là front Baiu (hệ thống thời tiết gây mưa chính ở Trung Quốc và khu vực Đông Á). Front Meiyu thường xuất hiện từ giữa mùa xuân đến giữa mùa hè, cụ thể là khoảng từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm. Tại Trung Quốc, mùa mưa Meiyu thường bắt đầu từ khoảng đầu tháng 5 đến cuối tháng 6, trong khi ở Nhật Bản, mùa Baiu thường kéo dài từ khoảng 16 tháng 6 đến 15 tháng 7. Thời gian này trùng với giai đoạn mùa mơ chín ở khu vực Giang Nam (Trung Quốc), do đó được gọi là "mưa mơ" (mai vũ).
Front Meiyu hình thành dọc theo một dải hội tụ ngăn cách khối không khí lạnh Bắc Cực ở phía bắc và khối không khí nóng ẩm nhiệt đới ở phía nam, kéo dài từ cao nguyên Tây Tạng đến Nhật Bản. Nó mang lại các đợt mưa lớn do sự hình thành các hệ thống đối lưu (MCS), phức hợp đối lưu (MCC) và dải hội tụ ở phía Nam của Trung Quốc và phía Bắc của Việt Nam.
Dải hội tụ này xuất hiện khi không khí lạnh từ phía Bắc dịch chuyển về phía Nam tới vùng biên giới của Việt Nam - Trung Quốc thì gặp gió Đông Nam nóng ẩm mang hơi ẩm từ biển Đông đi vào. Ở một góc nhìn khác, sự vận hành các dòng khí quyển ở vịnh Bengal cũng bổ sung lượng mây ẩm cho dải hội tụ này.
Hệ thống đối lưu mesoscale ( MCS) dẫn đến ác tổ hợp mây dông lớn, thường gây mưa lớn, sấm sét và đôi khi lốc xoáy trong quãng thời gian ngắn. Phức hợp đối lưu mesoscale (MCC) là một dạng MCS lớn hơn, có cấu trúc thành dải trung bình, gây mưa lớn kéo dài. Dải hội tụ (Convergence zones) là nơi không khí ẩm nóng gặp không khí lạnh khô tạo ra mưa lớn.
TS Nguyễn Ngọc Huy cho biết, theo dõi quy luật hình thành front Meiyu trong nhiều năm có thể thấy front Meiyu thường sẽ xuất hiện khi năm trước đó có El-Nino. Ví dụ năm 2016 có El Nino mạnh thì năm 2017 xuất hiện nhiều dải hội tụ dạng front Meiyu gây mưa lụt rất nhiều ở cả Trung Quốc và Việt Nam. Năm 2019 có El Nino mạnh thì năm 2020 xuất hiện lụt lớn ở Trung Quốc và Việt Nam. Năm 2024 có El Nino thì dự báo năm 2025 sẽ xuất hiện nhiều dải hội tụ nhiệt đới.
Cũng theo TS Nguyễn Ngọc Huy, đợt mưa lớn sắp tới do sự hình thành front Meiyu sẽ vào khoảng ngày 23 và 24/5. Cụ thể, từ ngày 22 - 25/5, Bắc bộ và Thanh Hóa có khả năng xảy ra đợt mưa lớn diện rộng, lượng mưa phổ biến từ 100 - 250 mm, có nơi trên 350 mm. Trong đợt mưa này có thể xuất hiện mưa cục bộ với cường suất lớn (trên 100 mm trong 3 giờ).
Theo kịch bản mưa được dự báo hiện nay, người dân, các địa phương cần đề phòng nguy cơ từ ngày 22 - 25.5, trên thượng nguồn sông Thao, sông Lô và một số sông nhỏ ở Bắc bộ, Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên phổ biến từ 2 - 5m.
Nắng nóng gay gắt sẽ đi cùng với mưa cực đoan
Chia sẻ về điều này, TS Nguyễn Ngọc Huy cho hay, năm 2025 là một năm có khí hậu trung tính, là năm có sự biến động nhiều của hệ thống khí hậu khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Vì vậy, đồng thời với việc xuất hiện các đợt nắng nóng gay gắt trong tháng 6 và tháng 7 thì cũng sẽ xuất hiện nhiều trận mưa cực đoan xen kẽ. Sang tháng 8 - 11, front Meiyu ít xuất hiện nhưng lại sẽ hình thành các dải hội tụ mang hình thái của "dòng sông khí quyển" gây mưa nhiều hơn năm 2024.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Cục Khí tượng thủy văn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có văn bản thông tin cảnh báo một số nguy cơ thiên tai gửi các Bộ, ngành và địa phương, đặc biệt từ nay đến cuối tháng 5.
Trong đó, có một số điểm cần lưu ý như đang là thời điểm giao mùa nên hiện tượng mưa giông mạnh có thể xuất hiện kèm theo lốc xoáy, sét và mưa đá, gió giật mạnh. Các nguy cơ này không chỉ đối với các tỉnh Bắc bộ mà các địa phương ở Tây Nguyên và Nam bộ cũng cần lưu ý.
Tình trạng lũ quét, sạt lở đất là nguy cơ thường trực, đặc biệt là với các tỉnh miền Bắc vừa trải qua một đợt mưa lớn nên tại các vùng đồi núi như: Bắc Kạn, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang… Đất đá đã bão hòa nước nên nguy cơ trượt lở đất vẫn ở mức cao, người dân cần đề phòng với các hiện tượng trượt lở tránh gây thiệt hại về người và tài sản.
Ngoài ra, với kịch bản mưa được dự báo như trên, cần đề phòng nguy cơ từ ngày 22 - 25/5, trên thượng nguồn sông Thao, sông Lô và một số sông nhỏ ở Bắc Bộ, Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên phổ biến từ 2-5m.