Hà Nội

Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân khó ngờ khiến Hà Nội ô nhiễm không khí kéo dài

26-01-2025 15:19 | Xã hội
google news

SKĐS - Tình trạng hạn hán khiến hầu hết các cánh đồng, các con đường, các công trường khô khốc. Một cơn gió nhẹ cũng khiến bụi bay lên và nhóm bụi siêu nhỏ PM2.5 cứ lơ lửng trong không khí...

Hà Nội chìm trong chuỗi ngày ô nhiễm không khí kéo dàiHà Nội chìm trong chuỗi ngày ô nhiễm không khí kéo dài

SKĐS - Chất lượng không khí nhiều khu vực trong nội thành và ngoại thành Hà Nội ở ngưỡng xấu và rất xấu. Khi tham gia các hoạt động ngoài trời, người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh để bảo vệ sức khỏe.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội kéo dài kỷ lục

Liên tục những ngày gần đây, ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số chất lượng môi trường không khí (giá trị AQI) ở ngưỡng cao như ngày 7/1 là 272 - mức tím, ngày 8/1 là 219 - mức tím, rất có hại cho sức khỏe con người. Nhiều ngày qua, Hồ Tây (Hà Nội) vẫn là khu vực xếp đầu về ô nhiễm. Đây đều là những chỉ số ô nhiễm ở ngưỡng nâu - mức nguy hại cho sức khỏe con người.

Từ 10-12/1, do ảnh hưởng của một đợt gió mùa đông bắc, chất lượng không khí được cải thiện ở ngưỡng vàng (ngưỡng trung bình). Tuy nhiên, ngay sau đó lại là một đợt ô nhiễm không khí kéo dài gần 10 ngày.  Không chỉ Hà Nội mà nhiều tỉnh miền Bắc cũng đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí. 

Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân khó ngờ khiến Hà Nội ô nhiễm không khí kéo dài- Ảnh 2.

Hà Nội mù mịt do ô nhiễm không khí kéo dài nhiều ngày.

Từ tháng 11/2024 đến nay, tại thành phố Hà Nội trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng và kéo dài. Theo thống kê, quý IV-2024 tại trạm quan trắc cố định và liên tục trên địa bàn thành phố, chỉ số ô nhiễm không khí ở mức kém là 48,91%, mức xấu là 44,37%.

Báo cáo diễn biến chất lượng môi trường không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (giá trị AQI) đã lên đến mức xấu. Ô nhiễm không khí xảy ra có quy luật theo mùa và bị ảnh hưởng từ điều kiện khí hậu, thời tiết.

Theo Cục Kiểm soát Ô nhiễm Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong khu vực miền Bắc, mức độ bụi PM2.5 thường tăng cao từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Ô nhiễm không khí thường xảy ra trước và sau các đợt không khí lạnh tràn về, với mức độ gia tăng đột biến vào ban đêm và sáng sớm. Đến cuối tháng 10 năm 2024, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 4 đợt ô nhiễm không khí nặng, trong đó có 3 đợt từ tháng 1 đến tháng 4 và 1 đợt vào đầu tháng 10.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội diễn ra hàng năm, tuy nhiên năm 2024 các đợt ô nhiễm diễn ra thời gian dài hơn, mức độ nghiêm trọng hơn.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã được nhiều chuyên gia phân tích, chia sẻ ở các hội thảo và trên báo chí. Theo đó, các nguồn gây phát thải chính bao gồm:xây dựng; giao thông vận tải; sản xuất công nghiệp; và đốt rác. Một nguyên nhân nữa khiến tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn là điều kiện khí tượng thì chưa được phân tích và đo lường kỹ.

Để giảm tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội phải tìm đúng nguyên nhân, đo lường kỹ và áp dụng các giải pháp phù hợp. Để có giải pháp, phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân. Ngoài yếu tố nêu trên thì điều kiện khí tượng và đốt rác (bao gồm phế phụ phẩm nông nghiệp, sinh khối trong khu dân cư và vùng ven đô) góp phần lớn vào tình trạng ô nhiễm không khí.

Cây xanh gãy đổ, làm mất đi "bộ lọc không khí tự nhiên"

TS Nguyễn Ngọc Huy nhận định, kể từ khi bão Yagi chấm dứt vào khoảng tuần thứ 2 tháng 9 đến bây giờ đã gần 5 tháng nhưng toàn bộ miền Bắc không có hạt mưa nào. Tình trạng hạn hán khiến hầu hết các cánh đồng, các con đường, các công trường khô khốc. Một cơn gió nhẹ cũng khiến bụi bay lên và nhóm bụi siêu nhỏ PM2.5 cứ lơ lửng trong không khí.

"Không chỉ bụi, hầu hết các thảm thực vật cũng trở khô khốc một màu úa vàng. Chỉ cần một mồi lửa không được kiểm soát cũng khiến các đám cháy lan rộng và gia tăng ô nhiễm", TS Nguyễn Ngọc Huy chỉ rõ.

 Nguồn thải mỗi ngày hầu như ít thay đổi bởi ngày nào cũng có chừng đó phương tiện giao thông, công trường, nhà máy hoạt động, ... nhưng tại sao có ngày ít ô nhiễm hơn ngày khác? Điều kiện khí tượng là vấn đề cốt lõi. Trong những ngày mù sương hoặc có mây dày, tầng mây dày kín ở độ cao 1500m - 2000m ngăn cản ánh sáng chiếu xuống bề mặt trái đất khiến nền nhiệt bề mặt không được làm nóng lên, trong khi đó ở tầng mây trên cao như một tấm gương lớn bức xạ mặt trời bề mặt mây khiến nhiệt độ bề mặt các đám mây ấm hơn so với tầng dưới. Chính điều này hạn chế sự trao đổi không khí theo trục đứng và bụi được tích lũy ngày này qua ngay khác, không thoát lên cao được. 

Tình trạng ô nhiễm nặng nhất vào khung giờ gần sáng (5h-6h sáng). Đây là thời điểm bề mặt có nền nhiệt thấp nhất trong ngày nên hầu như không có trao đổi không khí theo trục đứng. Chất ô nhiễm lắng xuống tầng bề mặt. Gần trưa bề mặt được đốt nóng thì chất ô nhiễm lại được khuếch tán lên trên.

Điều kiện này chỉ thay đổi khi có gió mùa về thổi mạnh xua đi tầng mây ẩm dày này và làm chênh lệch nhiệt độ giữa bề mặt đất với tầng không khí trên cao tạo ra trao đổi không khí theo trục đứng, khuếch tán bụi lên cao và được gió đưa đi. 

"Bão Yagi đã làm thiệt hại lớn về cây xanh đô thị ở Hà Nội và vùng lân cận. Cây xanh vốn đã ít, bão lại lấy mất đi 50% cây xanh và những cây còn lại không có tán rộng. Việc mất đi các tán cây khiến bụi tha hồ lơ lửng trong không khí hoặc được đưa từ nơi này sang nơi khác mà không có một lớp chắn nào", ông Huy nhận định.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là tình trạng đốt rác và phế liệu ven đô. Nếu đi dọc đường Quốc Lộ 5 kéo dài lên đường Trường Sa hướng đi sân bay sẽ thấy bên đường nham nhở các đám tro tàn. Họ đốt rác dưới gốc cây và lửa cháy luôn cả các cây ven đường. Việc để người dân đốt rác tự phát mà thiếu các chế tài nghiêm khắc đã khiến tình trạng ô nhiễm không khí trở nên trầm trọng hơn.

Do vậy, TS Nguyễn Ngọc Huy nhận định, nếu "vùng xanh" được thiết lập trên phạm vi toàn thành phố và các tỉnh thành lân cận thì mới có ý nghĩa. Vùng xanh chỉ trong phạm vi 2 quận nội thành thì không cải thiện được bao nhiêu vì chúng ta không nhốt được không khí. Các đám đốt rác, phế phụ phẩm nông nghiệp ở bãi giữa Sông Hồng hay bãi bồi chân đê Long Biên, gặp cơn gió Bắc thì nội đô nhận đủ khói bụi...

Hà Nội tồn tại nhiều điểm ô nhiễm không khí dai dẳngHà Nội tồn tại nhiều điểm ô nhiễm không khí dai dẳng

SKĐS - Trưa nay, tại khu vực số 556 Nguyễn Văn Cừ, Đại học Bách khoa (đường Giải Phóng) và khu vực công viên Nhân Chính (quận Thanh Xuân), chất lượng không khí ở mức xấu, chỉ số AQI dao động từ 168 đến 196.


Tô Hội
Ý kiến của bạn