Tại buổi tọa đàm khoa học "Tiêu hóa khỏe - Khỏe hơn mỗi ngày" trong chuỗi chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa thế giới 29/5 do Báo Sức khỏe & Đời sống phối hợp với Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức cùng sự đồng hành của Vinamilk sáng nay, GS.TS Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, đường tiêu hóa, cụ thể là đường ruột, nơi tập trung tới hơn 70% thành phần hệ miễn dịch cũng chính là địa điểm hệ miễn dịch và vi khuẩn gặp nhau.
Đường ruột khỏe mạnh khi có 85% là lợi khuẩn và 15% là hại khuẩn. Thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột của con người thay đổi theo thời gian, khi chế độ ăn uống thay đổi và khi sức khỏe tổng thể thay đổi.
"Vì vậy, chế độ ăn có vai trò rất quan trọng với sự phát triển và cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột"- Viện trưởng Lê Danh Tuyên nhấn mạnh.
Cũng về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng, Giảng viên cao cấp Đại học Y Hà Nội, nguyên Phó trưởng khoa Tiêu Hóa, BV Bạch Mai cho hay, vai trò của hệ tiêu hóa rất quan trọng. Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh không chỉ đảm bảo ăn ngon, hấp thu tốt dưỡng chất mà còn giúp cơ thể khỏe mạnh tăng cường sức đề kháng, tránh xa bệnh tật.
Tuy nhiên, trên thực tế, tại Việt Nam, có tới 10% dân số mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và đáng lo ngại hơn khi những trường hợp mắc bệnh này đang có sự gia tăng đáng báo động.
Từ thực tiễn điều trị, PGS.TS Vân Hồng cho biết, bệnh nhân đến thăm khám về các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa ngày càng gia tăng. Trong tháng 4/2022 đã có hơn 4.500 người đến thăm khám tại Khoa Tiêu hoá, trung bình mỗi ngày khám 229 ca với 6 phòng khám.
Cũng theo PGS.TS Vân Hồng: Sức khỏe đường ruột ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, hệ nội tiết, tình trạng da, sức khỏe tâm thần, các bệnh mạn tính, các bệnh ung thư… Do đó, một bộ phận nào đó của hệ tiêu hóa bị trục trặc sẽ ảnh hưởng xấu đến những phần khác của ống tiêu hóa và toàn cơ thể.
Vai trò của hệ tiêu hóa là biến thức ăn thành các chất dinh dưỡng hấp thu được để xây dựng cơ thể, loại bỏ các thành phần bã trong thức ăn.
PGS.TS Vân Hồng cho hay, nhận thức người dân về tầm quan trọng sức khỏe đường tiêu hóa hiện đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tốt lên. Tuy nhiên chỉ trong số lượng ít, không phải đa số người dân.
Ví dụ đã có khuyến cáo, sau 40 tuổi phải nội soi đường tiêu hóa để loại trừ các vấn đề về đường tiêu hóa tuy nhiên số người thực hiện nội soi tiêu hóa chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Do vậy có trường hợp phát hiện ung thư muộn. Nếu thực hiện theo khuyến cáo đã nêu có thể phát hiện bệnh giai đoạn sớm hơn.
"Lại có trường hợp phát hiện rồi nhưng lại không khám chữa tại cơ sở y tế mà dùng đơn thuốc người khác chữa cho mình, làm bệnh lý nặng hơn"- PGS.TS Vân Hồng chia sẻ
Cũng từ thực tiễn điều trị, PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng nêu thực trạng: Rối loạn vận động đường tiêu hóa có thể chỉ là rối loạn vận động, tuy nhiên 1 phần rối loạn vận động đường tiêu hóa liên quan bệnh khác không phải đường tiêu hóa. "Do đó nếu như phát hiện rối loạn đường tiêu hóa, cần xác định ngoài ra còn bệnh lý gì kèm theo"- chuyên gia khuyến cáo.
Vậy, cách chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe mạnh để phòng ngừa bệnh tật là gì? Đó là cần:
- Tiêm vaccine phòng bệnh
- Khám sức khỏe định kỳ
- Chế độ ăn và sinh hoạt sạch tránh thức ăn có nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm virus
- Tập luyện thể lực
- Uống đủ nước
- Chế độ ăn dinh dưỡng cân đối phù hợp theo lứa tuổi, theo chế độ sinh hoạt nhưng cầncân đối đủ các thành phần đường đạm, mỡ, vitamin, khoáng chất và các chất xơ
- Giảm Stress
- Bổ sung thêm lợi khuẩn
"Lắng nghe cơ thể nếu có bất thường cần khám bệnh sớm"- PGS.TS Vân Hồng lưu ý thêm.