Thời gian qua, trên mạng xã hội lan truyền nhiều video clip ghi lại hành vi giết người rùng rợn ở một số địa phương. Đơn cử như vụ giết người xảy ra tại Bắc Ninh tối 24/10, nạn nhân là một cô gái bị hung thủ vốn là bạn trai cũ đâm tử vong tại chỗ.
Hay những vụ bạo lực học đường gây "rúng động" liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương từ ngày khai giảng đến nay được chia sẻ khắp các mạng xã hội. Cứ vụ này chưa qua thì vụ khác lại đến. Tính chất của các vụ bạo lực ngày càng phức tạp. Chỉ cần một mâu thuẫn rất nhỏ, các em cũng lao vào đánh nhau không thương tiếc, xung quanh là tiếng reo hò, cổ vũ của những học sinh khác. Trước đó, mạng xã hội cũng lan truyền nhiều vụ việc như đánh ghen, tai nạn giao thông, nhóm thanh niên cầm hung khí đánh nhau giữa phố…
"Em đã trót xem video clip giết người kinh hoàng ở Bắc Ninh vừa rồi. Sau khi xem xong em hãi hùng, ám ảnh, cứ nằm xuống giường là những hình ảnh đó hiện lên trong đầu, đêm không tài nào ngủ được", H.G.K - học sinh một trường THCS chia sẻ.
Xem những video rùng rợn có thể làm thui chột sức khỏe tinh thần của trẻ
Đối với trẻ đã xem những video clip đó thì hệ lụy thế nào? Trao đổi với PV báo Sức khỏe&Đời sống, PGS.TS. Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung Tâm Dư luận xã hội, Viện Xã hội học Việt Nam cho biết, giới trẻ, đặc biệt là trẻ vị thành niên, vỏ bọc tâm lý nhân cách chưa đủ vững, sự trải nghiệm cuộc sống chưa nhiều nên khi trẻ tiếp nhận những video ám ảnh đó một cách không tự giác thì môi trường sống của trẻ sẽ bị đe dọa, làm trẻ sống trong sự hoang mang và hoảng sợ.
Trẻ có thể nhìn nhận bất cứ một người nào khác trong gia đình hoặc xã hội cũng có dáng vẻ và màu sắc của kẻ phạm tội ấy và tưởng tượng mình cũng có thể trở thành nạn nhân bất cứ lúc nào. Điều đó làm cho trẻ sợ hãi xen lẫn nghi ngờ, mất lòng tin, làm thui chột sức khỏe tinh thần của trẻ.
Nguy hại hơn, trẻ cũng có thể làm theo một cách vô thức. Chúng ta có thể thấy, học theo là một trong những hành động phổ biến của con người trong đời sống hằng ngày. Do đó, sau khi trẻ xem những video rùng rợn, những hình ảnh, cách thức chém giết được "nạp" vào như vậy đôi khi lại trở thành một kho quỹ gợi ý, trở thành những cú hích để con trẻ có thể hành xử trong những tình huống gặp phải một cách tương tự khi chưa lựa chọn được giải pháp.
Cần tránh xa clip độc hại như những "cọc tiêu báo hiệu mìn, báo hiệu thủy lôi"
Để ngăn chặn trẻ không xem những video clip độc hại trên mạng xã hội, theo PGS.TS. Trịnh Hòa Bình, điều này rất khó nên phải thông qua giáo dục hằng ngày. "Đây là câu chuyện đặt ra cho mỗi gia đình cần phải quan tâm tới trẻ đầy đủ hơn, cần có sự kiểm soát của các bậc cha mẹ khi trẻ tiếp cận với các video clip xấu độc.
Trẻ có năng lực tự khám phá, tìm tòi, do đó khi có một phương tiện mới như điện thoại thông minh hoặc ipad mà không tính thời gian, không dặn dò trước các vùng cấm thì chúng cứ tự do khai thác thôi".
Theo PGS.TS. Trịnh Hòa Bình, cha mẹ không nên cho con sử dụng internet liên tục, chỉ nên cho phép con truy cập internet trong thời gian nhất định và giới hạn hằng ngày. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể thống nhất với con về khoảng thời gian cả gia đình sẽ không sử dụng mạng internet để tập trung vào những tương tác thực. Đưa ra những nguyên tắc sử dụng và trang bị cho con kiến thức để những "vùng" đó, những "miền" đó cần tránh xa như những cọc tiêu báo hiệu mìn, báo hiệu thủy lôi…
Với những cái mới lạ, chưa được kiểm chứng thì dặn con trẻ không được đụng đến, không được xem… Thống nhất với con sẽ không tự tìm kiếm các thông tin mang tính tiêu cực, không phù hợp với tuổi… "Cần phòng ngừa cho con từ xa thay vì khi xảy ra chuyện rồi mới nhắc nhở, cấm đoán".
Đối với các trường học, theo PGS.TS. Trịnh Hòa Bình, nhà trường cũng nên giảng dạy cân bằng giữa lý thuyết và thực tiễn. Hiện nay, trường học có xu hướng dạy về khái niệm nhiều hơn kỹ năng. Mặc dù chúng ta quan niệm đạo đức quan trọng như vậy nhưng vẫn còn tư tưởng môn phụ, do đó việc đầu tư công sức, tìm tòi để lựa chọn hình thức giảng sinh động vẫn còn là một hạn chế.
"Về lâu dài, cần đổi mới phương pháp giáo dục, đề cao giáo dục đạo đức, xây dựng những chuẩn mực đạo đức xã hội để con người giàu lòng nhân ái, biết yêu thương đồng loại, biết sẻ chia, hy sinh và giảm bớt cái tôi ích kỷ cá nhân.
Ngoài ra, cần tuyên truyền, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của mọi công dân. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi nóng nảy, mất bình tĩnh, sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn. Đối với giới trẻ, cần hướng các em đến việc yêu và sống tích cực, lạc quan, muốn vậy môi trường xã hội cần tốt hơn, giảm bớt những rủi ro và ức chế cá nhân".