Hà Nội

Chuyên gia chỉ ra dấu hiệu trẻ bị bạo lực học đường và cách khắc phục

07-06-2022 14:34 | Sức khỏe tâm hồn
google news

SKĐS - Chuyên gia tâm lý chỉ ra nguyên nhân khiến trẻ có xu hướng bạo lực học đường và cách nhận biết con đang bị bạo lực học đường từ đó đưa ra hướng giải quyết tốt nhất cho trẻ.

Bạo lực học đường có thể bắt đầu từ căng thẳng, mâu thuẫn nào đó trong mối quan hệ học đường giữa các em học sinh với nhau hoặc giữa học sinh với các đối tượng khác trong trường. Có những mâu thuẫn rất nhỏ nhưng các em lại chọn cách giải quyết bằng bạo lực, tấn công đối tượng tạo ra căng thẳng cho mình. Có thể hiểu bạo lực là những hành vi tác động tới một người hoặc một nhóm người nhằm gây ra những tổn thất về thể chất, tinh thần và tâm lý.

Theo chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), nhiều nghiên cứu chỉ ra, các nạn nhân của bạo lực học đường sẽ bị ảnh hưởng tới sức khỏe tâm trí như rối loạn căng thẳng cấp, rối loạn lo âu. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới trầm cảm, một số em có thể dẫn tới hành vi tự sát.

Bạo lực học đường chỉ xảy ra trong một thời điểm nhưng các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng hậu quả mà bạo lực học đường để lại kéo dài suốt 40 năm sau đó. Theo đó, nhóm đối tượng bị bạo lực học đường sau khi trưởng thành sẽ có sức khỏe yếu hơn. Cùng với đó, trẻ có thể gặp vấn đề sức khỏe tinh thần như lo âu, trầm cảm, ý thức giá trị bản thân kém hơn, không tự tin vào khả năng, giá trị của mình. Chỉ số thông minh IQ cũng thấp hơn đáng kể so với những người trưởng thành bình thường khác.

Các tác nhân khiến trẻ có hành vi bạo lực học đường

Chuyên gia Vương Nguyễn Toàn Thiện cho biết, có 3 yếu tố chính có thể là mầm mống dẫn tới trẻ có tình trạng bạo lực học đường. Đó là tâm lý lứa tuổi, kỹ năng ứng phó với căng thẳng và cách quản lý cảm xúc.

Ở lứa tuổi vị thành niên tâm lý trẻ sẽ bị thay đổi, trẻ sẽ có xu hướng hướng ra bên ngoài, quan tâm tới những mối quan hệ xã hội với bạn bè, các em có nhu cầu khẳng định và thể hiện mình. Trẻ nào cũng muốn thể hiện nét riêng, khẳng định mình nhưng đôi khi nét riêng của trẻ này khác với nét riêng của trẻ khác nhưng các bạn lại không biết cách dung hòa cùng nhau và từ đó xảy ra các mâu thuẫn.

Chuyên gia chỉ ra dấu hiệu trẻ bị bạo lực học đường và cách khắc phục - Ảnh 1.

Bạo lực học đường gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý nạn nhân trong thời gian dài. Ảnh minh hoạ

Cách ứng phó trước căng thẳng của mỗi người là khác nhau. Theo cơ chế tâm lý thì bất kỳ ai khi đứng trước căng thẳng cũng sẽ có 3 cách phản ứng. Cách thứ nhất là chúng ta chống lại thứ gì đó đe dọa làm cho mình căng thẳng, khó chịu nhằm thể hiện sự tức giận của mình ra bên ngoài. Cách thứ hai là bỏ chạy, chạy trốn, lảng tránh căng thẳng đó. Cách thứ ba là đông cứng, có nghĩa là khi mình gặp căng thẳng thì mình không có bất cứ phản ứng gì hết, không biết nên phản hồi như thế nào. Tùy thuộc vào tính cách và phong cách ứng xử của mỗi người mà đưa ra cách giải quyết phù hợp.

Kỹ năng ứng phó của trẻ em trước những cảm xúc tức giận, khó chịu chưa tốt. Khi ai đó xúc phạm tới trẻ, xâm phạm tới quyền lợi của chúng thì trẻ tức giận và có thể mất kiểm soát cảm xúc.

Học sinh cần được trang bị kỹ năng quản lý cảm xúc, làm sao để giải tỏa được sự tức giận, khó chịu của mình nhưng đồng thời giải quyết được khó khăn đang xảy ra trước mắt.

Nhận biết trẻ bị bạo lực học đường sớm

Việc phát hiện và ngăn ngừa bạo lực học đường là rất cần thiết để trẻ có được môi trường học tập an toàn, hiệu quả. Việc nhận biết trẻ bị bạo lực học đường không phải là chuyện dễ dàng. Đặc biệt là đối với các gia đình bận rộn, không có thời gian chăm lo và quan tâm tới con trẻ.

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện chia sẻ: "Phát hiện và phòng ngừa bạo lực học đường là cả một quá trình. Có 4 yếu tố có thể phát hiện trẻ đang bị bạo lực học đường. Thứ nhất, đó là cảm xúc, nếu phát hiện con buồn, lo lắng, sợ hãi, tức giận trong thời gian dài, kéo dài từ ngày này sang ngày khác, lúc nào đi học về cũng thấy ủ rũ, hung hăng tức giận. Thứ hai là suy nghĩ, thông qua lời nói như con sợ không muốn đến trường, sợ gặp bạn bè, con nghĩ không ai yêu thương, con bị bỏ rơi, con nghĩ con luôn thua kém mọi người, con không có giá trị gì hết....

Yếu tố thứ ba đó là hành vi, trẻ có hành vi thu rút, khó tiếp cận, trẻ gây hấn biểu hiện ra bên ngoài như đánh nhau, chửi bới với mọi người. Yếu tố thứ tư là các biểu hiện trên cơ thể. Trẻ thường xuyên xuất hiện các cơn đau bụng, đau đầu bất thường, các vết trầy, vết xước".

Cần làm gì khi biết con bị bạo lực học đường?

"Khi phát hiện ra con mình đang bị bạo lực học đường thì điều đầu tiên phụ huynh cần làm đó là bình tĩnh để lắng nghe, phân định để biết điều gì đang diễn ra. Phụ huynh cần lắng nghe con, khuyến khích con nói lên tiếng nói của mình, cảm xúc và suy nghĩ của con. Giúp con cải thiện được những khó khăn, căng thẳng trong mối tương quan đối với thầy cô và bạn bè. Đưa ra bài học kinh nghiệm cho con, để trong tương lai nếu như vô tình con lại là nạn nhân của bạo lực học đường thì con sẽ biết nên trao đổi với ai, ứng xử như thế nào", chuyên gia tâm lý Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đưa ra lời khuyên.

Cũng theo chuyên gia Toàn Thiện, nếu cha mẹ phát hiện ra con có các tổn thương về mặt tâm lý và thể chất thì nên đưa con tới bệnh viện để được bác sĩ hỗ trợ. Tránh làm lớn chuyện, những sự bàn tán rầm rộ không những không giúp ích gì cho trẻ mà ngược lại có thể khiến trẻ bị tổn thương thêm.

Bạo lực học đường: Hệ lụy khôn lường với sức khỏe tinh thầnBạo lực học đường: Hệ lụy khôn lường với sức khỏe tinh thần

SKĐS - Gần đây dư luận xôn xao về vụ bạo lực học đường ở một trường quốc tế. Bạo lực học đường là một tảng băng mà mọi người đa phần mới chỉ nhìn thấy phần nổi. Còn phần chìm của tảng băng là gì?


P. Thương
Ý kiến của bạn