Chuyên gia chỉ những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc suy tĩnh mạch chi dưới

02-05-2019 15:00 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Suy tĩnh mạch chi dưới là bệnh mạn tính , diễn tiến theo thời gian và có xu hướng ngày càng trẻ hóa do một số yếu tố như ít vận động, chế độ ăn uống thiếu cân bằng,..

Biểu hiện của bệnh thường là tĩnh mạch chân giãn lớn, nổi trên mặt da; với một số người có thể không thấy bất thường gì ở chân nhưng đa phần  sẽ có biểu hiện: đau chân, nặng chân, tê bì hay chuột rút và khó chịu… ở chân. Chính vì điều này khiến nhiều người chủ quan không đi khám và kiểm tra, trong một số trường hợp, suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn: loét chân, hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch giãn hoặc vỡ mạch gây chảy máu, ... Vì vậy, việc phát hiện sớm để được điều trị là vô cùng quan trọng.

Theo ThS.BS. Trịnh Xuân Cường- Bệnh viện Đại Học Y, những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

Tuổi tác: nguy cơ bị suy tĩnh mạch tăng dần theo tuổi do các tĩnh mạch và van tĩnh mạch dần bị thoái hóa.

Giới tính: tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh cao hơn nam giới khoảng 3 - 4 lần, phụ nữ đã mang thai, điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế, dùng thuốc tránh thai hoặc sau khi mãn kinh nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Tiền sử gia đình: trong gia đình có người bị giãn tĩnh mạch.

Béo phì và thừa cân cũng làm tăng nguy cơ bị suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính.

Đứng hoặc ngồi nhiều trong thời gian dài làm tăng áp lực trong tĩnh mạch và theo thời gian có thể dẫn đến suy tĩnh mạch.

Tiếp xúc kéo dài trong môi trường nhiệt độ cao (công nhân nhà máy luyện gang thép, công nhân dưới hầm lò,...) có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa tĩnh mạch và van tĩnh mạch.

Chế độ ăn ít chất xơ sẽ gây táo bón từ đó làm tăng áp lực tĩnh mạch ở chân.

Suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính có thể dẫn đến vấn để nghiêm trọng như: loét chân, giãn hoặc vỡ mạch.

Để chẩn đoán bệnh suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính, bác sĩ cần hỏi tiền sử bệnh trước đây, khám chân ở các tư thế đồng thời khai thác các triệu chứng đau hay khó chịu ở chân.

Bác sĩ cũng sẽ chỉ định siêu âm tĩnh mạch chi dưới để đánh giá chức năng các van tĩnh mạch cũng như dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch chi dưới.

Trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm một số xét nghiệm chuyên sâu để đánh giá kỹ hơn tình trạng suy tĩnh mạch chi dưới mạn tính (Chụp tĩnh mạch - Venography; Phép ghi biến thiên tĩnh mạch - Plethysmography; Phân suất tống máu của cơ cẳng chân - Muscle Pump Ejection Fraction (MPEF)).

Đặc biệt lưu ý với một số bệnh khác có thể nhầm lẫn triệu chứng của suy tĩnh mạch như: Ung thư biểu mô tế bào đáy, viêm mô tế bào, viêm da dị ứng, các biểu hiện da của bệnh tim, bệnh thận, loét do chấn thương, giãn tĩnh mạch mạng nhện đơn thuần, đau dây thần kinh tọa.

Để cải thiện bệnh, theo các bác sĩ cần thay đổi lối sống, ăn uống, luyện tập. Đi tất áp lực phù hợp. Sử dụng các thuốc trợ tĩnh mạch. Điều trị can thiệp/phẫu thuật cho những trường hợp cần thiết. Khi thấy có những biểu hiện của suy tĩnh mạch, bạn nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị phù hợp.

Suy tĩnh mạch chi dưới có gây biến chứng?

Các biến chứng do suy tĩnh mạch chi dưới thường ít khi xảy ra, bao gồm:

- Loét da: loét do tĩnh mạch có thể rất đau, hình thành trên da gần vùng tĩnh mạch giãn, đặc biệt gần vùng mắt cá chân. Loét da do tụ dịch kéo dài ở vùng mô và do tăng áp lực máu trong tĩnh mạch bị suy. Màu sắc da thay đổi trước khi hình thành vết loét, do vậy khi nghi ngờ có một vết loét ở chân chúng ta nên đi khám bác sĩ ngay.

- Huyết khối tĩnh mạch: ít khi xảy ra, trong các trường hợp này, chân sẽ sưng to lên đáng kể. Nếu chân của bạn bị sưng lên đột ngột, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để xác định có tình trạng huyết khối tĩnh mạch hay không.

- Chảy máu: đôi khi xảy ra do vỡ những tĩnh mạch suy giãn sát da. Chảy máu thường nhẹ tuy nhiên có thể tái phát.


Lê Mai (ghi)
Ý kiến của bạn