Lứa tuổi nào cũng có thể mắc bệnh tay chân miệng, thường gặp nhất là dưới 5 tuổi, đặc biệt là 3 tuổi, trẻ càng nhỏ bệnh càng dễ trở nặng. Khoảng 90-95% trẻ mắc tay chân miệng sẽ được điều trị ngoại trú tại nhà. Bệnh thường diễn tiến nhẹ và có thể sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên có rất nhiều phụ huynh vẫn đang bối rối không biết nên chăm sóc trẻ như thế nào là hợp lý để tránh tình trạng bệnh trở nặng.
BS.CK2 Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM mách rằng: "Khi trẻ mắc tay chân miệng và bị loét miệng quá nhiều thì bố mẹ cần phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ. Phụ huynh có thể dùng các dung dịch gel dạng nhũ tương chấm vào các vết loét trong khoang miệng cho trẻ để cho trẻ đỡ đau, giúp trẻ ăn uống dễ hơn. Nếu miệng loét nhiều thì cần phải đi khám bác sĩ để được chỉ định dùng kháng sinh để tránh bội nhiễm.
Trong trường hợp trẻ đau hoặc sốt, bác sĩ sẽ cân nhắc dùng giảm đau cho trẻ đỡ đau miệng. Nếu bé dị ứng với thuốc hạ sốt thì có thể chườm mát cho cơ thể bé bằng nước ấm, lau người và chườm khăm tại các vị trí có các mạch máu lớn đi qua như hai bên cổ, nách, bẹn, trán, ngực... cho trẻ uống nhiều nước, nới rộng quần áo... để giúp trẻ hạ sốt".
Trong thời gian này, phụ huynh nên cho trẻ ăn những thức ăn trẻ thích để khuyến khích trẻ ăn, nên cho trẻ ăn những thức ăn nguội, mát, dễ ăn. Không nên cho trẻ ăn những thức ăn cay, nóng, chua gây ảnh hưởng tới các vết loét miệng.
Nếu như trẻ nổi mụn nước quá nhiều thì phụ huynh cũng không cần quá lo lắng. "Thực tế trẻ nổi mụn nước càng nhiều thì bệnh càng nhẹ, nổi ít mụn nước có thể bệnh nặng hơn nổi nhiều. Do vậy, phụ huynh không cần lo lắng thái quá", bác sĩ Trương Hữu Khanh - Nguyên trưởng khoa Nhiễm- Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã từng chia sẻ.
Bác Khanh cũng khuyên rằng, phụ huynh không nên bôi thuốc xanh cho trẻ, vì thuốc không hỗ trợ điều trị cho trẻ bị chân tay miệng nhưng lại có thể khiến cho bác sĩ không thể chẩn đoán đúng bệnh. Không cần kiêng tắm, rửa cho bé, phụ huynh vẫn tắm rửa cho trẻ bình thường.
BS.CK2 Dư Tuấn Quy cũng khuyến cáo rằng: "Trẻ đã từng bị tay chân miệng vẫn có thể tái mắc tay chân miệng nhiều lần sau. Khi đã mắc tay chân miệng cơ thể trẻ đã có kháng thể chống lại virus tay chân miệng, tuy nhiên kháng thể này rất yếu và thường không chống lại được virus gây bệnh. Bên cạnh đó, có nhiều loại virus đường ruột gây bệnh tay chân miệng nên trẻ có thể mắc lại tay chân miệng với các loại virus khác nhau. Vậy nên phụ huynh không nên chủ quan".
Thường sau ngày thứ 4, trẻ bắt đầu hồi phục và tươi tỉnh trở lại, trẻ không còn tình trạng giật mình, sốt nghĩa là trẻ đang ổn dần. Trẻ mắc bệnh được 10 ngày (virus hết đào thải ra môi trường xung quanh, ngừng lây nhiễm và không còn trong cơ thể) sẽ hết sốt; các bóng nước trên lòng bàn tay, bàn chân mờ, nhạt màu và bay đi không để lại sẹo thì được coi là trẻ đã khỏi bệnh tay chân miệng.
Trường hợp trẻ có các dấu hiệu như sốt cao 39 độ trở lên trong vòng 2 ngày, sốt không hạ, đã cho uống thuốc hạ sốt nhưng vẫn sốt lại, giật mình chới với, nôn ói 3 lần/ngày, lừ đừ hoặc run tay, chân cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay vì trẻ có thể đang trở nặng.
Phụ huynh không nên chủ quan, cần theo dõi trẻ cẩn thận để phát hiện bệnh sớm, đưa ra hướng điều trị phù hợp tránh gặp các biến chứng nặng về sau.