Chuyên gia chỉ cách vượt qua căng thẳng trước kỳ thi

02-05-2023 06:45 | Sức khỏe tâm hồn
google news

SKĐS - Mùa thi cận kề cũng là lúc các sĩ tử “căng mình” để tập trung ôn luyện. Nhiều học sinh gặp phải tình trạng mất ngủ, mất tập trung… vậy các em học sinh nên làm gì để giải quyết nỗi lo này?

Trước các kỳ thi, không chỉ có học sinh mà cha mẹ cũng cảm thấy áp lực, đặc biệt là đối với các học sinh cấp 3, cuối các cấp áp lực lớn hơn. Và đôi khi chính người lớn cũng đang tạo ra áp lực cho học sinh trước các kỳ thi.

Học sinh cần làm gì để giảm bớt áp lực

Căng thẳng, stress quá mức trước kỳ thi nếu không được kiểm soát sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng cho học sinh. Không chỉ kết quả học tập bị giảm sút, học sinh có thể gặp khó khăn về tâm lý trong cuộc sống và có thể gây ảnh hưởng đến cả tương lai sau này.

Để giảm căng thẳng trước kỳ thi, học sinh cần lưu ý những vấn đề sau:

- Cần có phương pháp học tập khoa học, có chiến thuật học tập phù hợp với bản thân. Nhiều học sinh càng gần ngày thi càng cố ôm đồm, nhồi nhét kiến thức cả ngày lẫn đêm. Lúc này, cơ thể do không được nghỉ ngơi hợp lý sẽ vô cùng mệt mỏi không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm giảm khả năng tiếp thu.

PGS.TS Dương Hải Hưng chia sẻ về cách giúp học sinh vượt qua căng thẳng trước kỳ thi.

- Ngoài ra, học sinh cần ăn, ngủ đúng giờ để có một cơ thể khỏe mạnh thì mới có tinh thần minh mẫn. Hơn nữa cần tránh lạm dụng các chất kích thích như trà, cafe, thuốc lá. Học tập kết hợp nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp học sinh không quá căng thẳng, mệt mỏi trong lúc ôn tập.

- Quan trọng hơn cả, mỗi học sinh cần được đánh giá đúng năng lực của bản thân để lựa chọn trường vừa sức. Lúc này, kỳ thi sẽ trở nên bớt áp lực và đôi khi trở thành một thử thách đối với bản thân.

Cha mẹ nên làm gì để giúp đỡ học sinh trước kỳ thi?

Cha mẹ luôn cần đồng hành để giảm áp lực cho trẻ khi kỳ thì đến gần. Bên cạnh việc cần chuẩn bị tâm thế cho các kỳ thi để không tạo áp lực quá nặng lên trẻ.

Thứ nhất, cha mẹ cần hướng dẫn, định hướng cho trẻ phát hiện ra phương pháp tự học của bản thân và tích lũy kiến thức trong quá trình học để chuẩn bị cho kỳ thi thay vì đến lúc thi mới học.

Tiếp đến cần định hướng cho trẻ chọn trường “vừa sức”, không nên đặt con ở những vị trí quá sức khiến con áp lực. Nhiều cha mẹ đặt kỳ vọng vượt quá khả năng của con, không chấp nhận năng lực thực sự và tìm mọi cách ép buộc con phải đạt được mong muốn của cha mẹ.

Chuyên gia mách cách đối phó với căng thẳng trước kỳ thi  - Ảnh 2.

Cha mẹ nên đồng hành và giúp đỡ học sinh trước kỳ thi để bớt áp lực lên trẻ.

Luôn cần động viên, chia sẻ với con hoặc có thể đưa ra những phần thưởng, món quà giúp con có động lực phấn đấu. Động viên con bằng những lời nói yêu thương. Tuyệt đối cha mẹ không nên dùng những lời lẽ nặng nề để chỉ trích hay ép buộc con.

Cha mẹ cũng cần chú ý đến chế độ sinh hoạt, ăn ngủ và dinh dưỡng cho con trong kỳ thi. Đảm bảo trẻ ăn đủ chất, vận động thể lực, học tập và ngủ nghỉ hợp lý. Cha mẹ tuyệt đối không nên dùng các loại thuốc, thực phẩm chức năng bổ não cho con mà không có tư vấn của bác sĩ. Tránh tình trạng trẻ bị lạm dụng thuốc.

Trong suốt quá trình ôn luyện cũng như quá trình học tập xuyên suốt của con, cha mẹ cần chia sẻ, đồng hành và ít tạo áp lực cho con. Khi thấy con có những dấu hiệu bất thường về tâm lý hay sinh hoạt, cần đưa con tới gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được tư vấn.

Cách giúp trẻ vượt qua stress trước kỳ thi chuyển cấp, đại họcCách giúp trẻ vượt qua stress trước kỳ thi chuyển cấp, đại học

SKĐS - Thời điểm này, các em học sinh đang phải "chạy nước rút" để tiến dần đến các kỳ thi quan trọng như thi chuyển cấp, thi vào đại học. Trước áp lực của các kỳ thi đang cận kề, nhiều học sinh đã rơi vào tình trạng lo âu, căng thẳng, nhiều em đã phải nhập viện điều trị.


PGS.TS Dương Hải Hưng
Khoa Quản lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Ý kiến của bạn