Dấu hiệu ban đầu dễ nhận biết nhất cảnh báo ung thư đại trực tràng
Dấu hiệu ung thư đại trực tràng giai đoạn đầu thường có các biểu hiện tương đồng với các bệnh lý đường tiêu hoá khác, nên người bệnh thường chủ quan, không khám chuyên sâu.
TS.BS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho hay, bệnh ung thư đại trực tràng có biểu hiện ở mọi bộ phận liên quan đến đường tiêu hóa. Một số dấu hiệu thường gặp như hơi thở hôi, hay ợ hơi, ợ chua, đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn. Đau quặn bụng, đau râm ran là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn. Song một vài trường hợp, nó báo hiệu sự tồn tại của các khối u ở dạ dày - ruột.
Chán ăn, khó tiêu, đầy trướng bụng trên vùng rốn, ăn không ngon là tình trạng thường thấy ở người bệnh ung thư đại tràng. Tình trạng này kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, sút cân. Người bị ung thư đại trực tràng bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần trong ngày rất giống với triệu chứng bệnh lị.
Tuy nhiên, người mắc bệnh lị có thể điều trị bằng cách dùng kháng sinh, còn loại thuốc này không có tác dụng với bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Khi có dấu hiệu đau quặn bụng, mót rặn, khó chịu khi đi ngoài... rất có thể đó là dấu hiệu ung thư đại tràng.
Ngoài ra chuyên gia Bệnh viện K cho hay, giảm cân bất thường mà không phải do tập luyện hay ăn kiêng giảm cân thì rất có thể đó là dấu hiệu của ung thư, nhất là ung thư đại tràng, dạ dày hoặc các bộ phận khác liên quan đến đường tiêu hóa.
Ung thư trực tràng thường bắt đầu lành tính (gọi là polyp). Polyp không phải là u nhưng là một tổn thương có hình dạng giống như một khối u, có cuống hoặc không, do niêm mạc trực tràng và tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh tạo thành. Polyp không phải là ung thư nhưng chúng có thể phát triển thành ung thư sau một thời gian dài.
Cách nào để phòng chống ung thư đại trực tràng?
Kiểm tra trực tràng thường xuyên là một trong những cách tốt nhất để phòng tránh ung thư. Polyp tiền ung thư thường không biểu hiện triệu chứng, có thể được tìm thấy qua nội soi trực tràng vài năm trước khi ung thư xâm lấn phát triển. Kiểm tra sàng lọc cũng tìm thấy được polyp tiền ung thư và cắt bỏ trước khi nó trở thành ung thư. Đây được xem là cách phòng bệnh cụ thể nhất.
Ung thư đại trực tràng là bệnh lý ung thư xảy ra ở đại tràng và trực tràng. Ung thư đại tràng di căn là giai đoạn bệnh đã tiến triển, xảy ra khi tế bào ung thư đã lây lan đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc đến các cơ quan khác như gan, phổi, não, xương, hạch bạch huyết,… Sau khi ung thư di căn đến cơ quan khác sẽ hình thành khối u thứ phát.
Ung thư đại trực tràng có nhiều khả năng gây ra triệu chứng ở giai đoạn di căn xa, khi ung thư đã phát triển hoặc lan rộng, điển hình nhất là các biểu hiện dưới đây:
- Thay đổi thói quen đi đại tiện như tiêu chảy, táo bón, phân dẹt kéo dài trong nhiều ngày.
- Mệt mỏi do thiếu máu, sút cân nhanh không rõ nguyên nhân.
- Phân có lẫn máu hoặc sẫm màu.
- Cảm giác co thắt ở bụng hoặc đau bụng kéo dài, đầy hơi, khó tiêu, bụng chướng.
Ngoài ra, triệu chứng ung thư đại trực tràng di căn còn phụ thuộc vào nơi các cơ quan ung thư đã di căn tới và kích thước của khối u di căn. Một số triệu chứng có thể kể đến như: Vàng da, kết mạc mắt vàng; hoặc bụng to, chướng (di căn đến gan); Đau và dễ gãy xương (di căn đến xương); Khó thở (di căn đến phổi); Nhức đầu, chóng mặt hoặc co giật (di căn lên não); Chẩn đoán ung thư đại trực tràng di căn.
Trong trường hợp nghi ngờ có khối u ác tính xuất hiện ở đại trực tràng, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng theo mức độ ưu tiên từ không xâm lấn đến xâm lấn, để chẩn đoán bệnh được chính xác hơn.
Để phòng ngừa ung thư đường tiêu hóa nói chung, ung thư đại trực tràng nói riêng, chuyên gia Bệnh viện K khuyến cáo nên hạn chế ăn nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật; bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, và A …và duy trì chế độ sinh hoạt năng động, luyện tập thể dục thường xuyên.
Với những nguời có tiền sử viêm đại tràng, polyp đại trực tràng, trong gia đình có người thân từng mắc ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại trực tràng), hoặc khi có triệu chứng rất thông thường như táo bón, đầy bụng, … nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện K, ung thư đại tràng có thể phòng tránh được thông qua thói quen ăn uống lành mạnh. Có nhiều yếu tố nguy cơ mà mọi người có thể phòng tránh được như:
- Hạn chế ăn các loại thịt đỏ;
- Bổ sung các thức ăn chứa nhiều chất xơ (rau xanh, trái cây);
- Hạn chế các loại nước uống chứa cồn, rượu bia, thuốc lá để giảm nguy cơ ung thư đại tràng;
- Hoạt động thể lực, vận động hay luyện tập thể dục sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.