Chuyên gia chỉ cách phân biệt sách giáo khoa thật với sách giả

20-08-2024 16:29 | Xã hội
google news

SKĐS - Thị trường sách giáo khoa ngày càng phức tạp bởi sách giả, sách in lậu được sản xuất ngày một tinh vi. Phụ huynh và học sinh cần thận trọng tránh mua phải sách giả.

Sách giáo khoa giả ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng

Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), kể từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng QLTT trên cả nước đã tiến hành kiểm tra, phát hiện, thu giữ hàng trăm nghìn xuất bản phẩm giả mạo bao bì, nhãn hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng như một số nhà xuất bản khác. 

Điển hình là vụ việc phát hiện gần 80.000 quyển sách giáo khoa giả mạo bao bì, nhãn hàng hóa Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam tại Hậu Giang, thu giữ 34.000 quyển sách giáo khoa giả mạo nhãn hàng hóa tại Đồng Nai, phát hiện, thu giữ 5.500 quyển sách giáo khoa vi phạm tại Tây Ninh.

Việc mua phải các sản phẩm sách kém chất lượng, người tiêu dùng đã vô tình làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân.

Chuyên gia chỉ cách phân biệt sách giáo khoa thật với sách giả- Ảnh 1.

Phụ huynh nên chọn địa chỉ uy tín để mua sách giáo khoa cho con. Ảnh: Đan Tâm.

Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết: "Phần lớn sách lậu và sách giả tập trung vào sách giáo khoa, những sản phẩm giả này làm ảnh hưởng rất nhiều đến thương hiệu, uy tín và quyền lợi chính đáng của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đồng thời gây tác hại rất lớn đến người tiêu dùng".

Những sản phẩm này thường có sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, hay bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin sẽ dẫn đến sai lệch về nội dung (đường nét biên giới, vấn đề biển đảo), ảnh hưởng đến kiến thức tiếp nhận của học sinh.

Chuyên gia chỉ cách phân biệt sách giáo khoa thật với sách giả- Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Đan Tâm.

Bên cạnh đó, các loại sách giả, sách in lậu thường có chất lượng giấy in thấp, in bị mờ không đảm bảo quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của học sinh, nhất là về thị lực. Sử dụng xuất bản phẩm giáo dục giả, học sinh sẽ không thể truy cập và sử dụng online được các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung, hỗ trợ cho học sinh.

Cách nhận biết sách thật, sách giả

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, sách giả ngày một tinh vi, thoạt nhìn hình thức tương tự với sách thật, tuy nhiên giá thành lại rẻ hơn nhiều lần.

Sách giả, sách in lậu thường cho ra các sản phẩm kém chất lượng như màu sắc không được tự nhiên, ám đen, khó xem vì sử dụng mực in kém chất lượng. Nội dung trên sách bị mờ, mực in không đều – chỗ đậm chỗ nhạt.

Chuyên gia chỉ cách phân biệt sách giáo khoa thật với sách giả- Ảnh 3.

Sử dụng sách giả, nguy hại khôn lường. Ảnh: Đan Tâm.

Ngoài ra, để cắt giảm tối đa chi phí in ấn, nhiều đơn vị làm sách lậu thường chỉ scan/photo, đánh máy lại nội dung từ trong sách thật mà không qua các khâu kiểm duyệt rồi in đại trà dẫn đến phần chữ bị vỡ, nét đậm nhưng không sắc, đôi lúc bị đứt. Phần hình ảnh không rõ ràng, bị nhòe, màu sắc không đồng đều.

Qua đó, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng khuyến cáo, phụ huynh và học sinh nên mua sách của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tại các cửa hàng và đơn vị thành viên, đối tác phát hành, cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Hiện nay, trên cổng thông tin của Nhà xuất bản cũng đăng tải danh sách các cửa hàng bán sách giáo khoa. Ngoài ra, người dân có thể gọi đến đường dây nóng của Nhà xuất bản để được giải đáp thắc mắc, hỗ trợ trong quá trình mua sách giáo khoa.

Xem thêm bài viết được quan tâm:

Tuyệt đối không để chậm, thiếu sách giáo khoa, tài liệu học tập khi năm học mới bắt đầuTuyệt đối không để chậm, thiếu sách giáo khoa, tài liệu học tập khi năm học mới bắt đầu

SKĐS - Bộ GD&ĐT vừa có đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức thực hiện việc cung ứng sách giáo khoa trên địa bàn, bảo đảm chất lượng.



Đan Tâm
Ý kiến của bạn