Dịp lễ Tết là thời gian nhu cầu tiêu thụ rượu, bia tăng vọt, đây là lý do khiến rất nhiều vụ ngộ độc rượu đáng tiếc xảy ra. Như mới đây, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc đã tiếp nhận 20 trường hợp ngộ độc rượu, trong số đó 2 bệnh nhân đã không may tử vong.
Trước đó vào tháng 12/2022, UBND xã Phú Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết có 6 người bị ngộ độc rượu trong đó có 2 nạn nhân tử vong sau bữa cơm trên rẫy cà phê;
Ngày 12/1, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam 61 tuổi (Bắc Ninh) nhập viện trong tình trạng ngừng tim, phổi do ngộ độc rượu. Bệnh nhân đã được thở máy, lọc máu liên tục, điều chỉnh toan kiềm, điện giải, định lượng độc chất, kết quả cho thấy bệnh nhân bị ngộ độc methanol cấp (cồn công nghiệp) mức độ nặng (nồng độ methanol 78,13 mg/dl)….
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), hiện nay việc ngộ độc rượu, đặc biệt là ngộ độc rượu chứa methanol đang rất báo động. Tại Trung tâm chống độc của bệnh viện thường xuyên ghi nhận các ca ngộ độc methanol, nhiều bệnh nhân nặng, tử vong.
Các trường hợp ngộ độc methanol chủ yếu xuất phát từ 2 nguyên nhân là uống rượu kém chất lượng có pha methanol và uống phải cồn y tế bị làm giả, với thành phần ethanol bị thay thế thành cồn công nghiệp.
"Methanol là dung môi được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp như pha sơn, lau kính xe, chất chống đóng băng cho ống dẫn xăng dầu, mực máy in… Người uống rượu có chứa methanol sau một vài giờ uống rượu, methanol đi vào cơ thể chuyển hóa nhanh thành các axit gây độc cho tất cả các tế bào, đặc biệt các tế bào não, gan và thị giác.
Không chỉ rượu methanol mà ngay cả rượu truyền thống ethanol nếu như lạm dụng cũng có thể gây ra ngộ độc, tử vong. Thành phần ethanol trong rượu trực tiếp gây hạ đường huyết. Đường huyết xuống thấp gây tổn thương lan tỏa ở cả hai bên bán cầu não. Nếu tình trạng này chậm được xử lý, tổn thương não sẽ lan rộng hơn, gây co giật, lờ đờ, hôn mê, thậm chí tử vong", TS.BS Nguyễn Trung Nguyên phân tích.
Cách phân biệt rượu pha methanol để tránh bị ngộ độc
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, khi uống rượu pha methanol sẽ thấy có vị hơi ngọt, không đắng như rượu thông thường. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu, nên dễ bị nhầm lẫn.
Khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu, co giật, hôn mê… Khi đến bệnh viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.
Giám đốc Trung tâm Chống độc cũng cho hay, người ngộ độc rượu sẽ có biểu hiện đau bụng dữ dội, đau đầu, chóng mặt, nôn, hạ thân nhiệt, khó thở, giảm hoặc mất thị lực. Nặng hơn có biểu hiện suy hô hấp, suy tuần hoàn rất nhanh, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng. Những trường hợp người bệnh được cấp cứu cũng có thể phải chịu di chứng nặng nề ở não, mắt, gan, thận…
Theo khuyến cáo của hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, chúng ta nên hạn chế lượng rượu tiêu thụ vào cơ thể, cụ thể. Mỗi ngày nam giới không nên uống quá 2 đơn vị rượu và nữ giới không uống quá 1 đơn vị rượu. Chú ý: 1 đơn vị chuẩn là 14 g rượu nguyên chất, tương đương với 1 cốc bia 5% (350 ml), 1 ly rượu vang 12% (150 ml) hoặc 1 ly rượu mạnh 40% (44 ml)
Một số nhóm người không nên sử dụng rượu bia, bao gồm: Trẻ em và thiếu niên; Những người không thể hạn chế uống rượu hoặc người đang trong giai đoạn hồi phục của chứng nghiện rượu; Phụ nữ có thai; Người phải lái xe hoặc vận hành máy móc; Những người tham gia vào các hoạt động đòi hỏi sự chú ý, cần kỹ năng hoặc phối hợp hoặc trong các tình huống mà khả năng phán đoán kém, có thể gây thương tích hoặc tử vong.
Ngoài ra, những người dùng thuốc điều trị có tương tác với rượu và người đang có bệnh lý mạn tính như bệnh gan, viêm tụy… không nên dùng rượu bia.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Vụ 8 Sinh Viên Ngộ Độc Rượu- Công An Điều Tra Và Lật Tẩy Những Điều Bất Thường - SKĐS