Nghệ An là khu vực thường có 'hố tử thần'
Sáng 17/5, ông Trần Đức Lợi, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, cho biết trên địa bàn bản Công, xã Châu Hồng vừa xuất hiện một hố sâu lớn sau tiếng động phát ra từ lòng đất.
PGS.TS Trần Tân Văn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, Quỳ Hợp là vùng núi đá vôi, có nhiều của các hang karst ngầm. Khi gặp điều kiện thời tiết đặc thù như mưa lớn kéo dài hoặc thời tiết hanh khô, mực nước hạ thấp sẽ gây ra sụt lún. Nước ngầm, nước sông hạ thấp xuống nhanh làm tăng tải trọng lên trần hang tăng dẫn đến sụt lún. Nước ngầm ở đây được coi như "bệ đỡ" của các khu vực có hang karst ngầm. Khi không còn nước, các hang này sập sụt, gây ra 'hố tử thần'.
Khu vực Quỳ Hợp (Nghệ An) thường xuyên xuất hiện 'hố tử thần' những năm gần đây. Ở các vùng đá vôi có những chỗ mà đá vôi chìm dưới lớp đất phủ. Tính chất đặc biệt của đá vôi (và một số loại đá có thành phần vôi, hoặc các loại đá muối) là dễ bị dòng nước hòa tan, rửa lũa, tạo nên hang hốc. Quá trình hòa tan, rửa lũa, sau kết hợp với sập đổ cơ học tạo thành hang hốc, gọi chung là quá trình karst. Các hố sụt karst có vô số ở những vùng đá vôi, đặc biệt hay tạo thành dải những hố sụt tròn, đường kính và độ sâu thay đổi từ một vài mét cho đến một vài chục, thậm chí một vài trăm mét, bên trên các dòng chảy ngầm.
PGS.TS Trần Tân Văn cảnh báo, những vùng đã từng xuất hiện 'hố tử thần', khả năng rất cao trong tương lai sẽ tiếp tục có các hố sụt tiếp theo. Do vậy, ở các khu vực này, người dân nên đề xuất chính quyền địa phương tạo điều kiện để di dời đi nơi khác.
Nhận diện dấu hiệu sắp xảy ra 'hố tử thần'
Việc sập sụt này không có dấu hiệu báo trước, do vậy không có cách nào đề phòng. Theo PGS.TS Trần Tân Văn, giải pháp duy nhất là phải điều tra khảo sát, khoanh vùng lại để cảnh báo. Việt Nam hầu như chưa thực hiện điều tra khảo sát sập sụt hang động. Hiện Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đang triển khai dự án điều tra khảo sát ở vùng một số tỉnh như Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang... Nhưng để có một bản đồ cảnh báo hoàn thiện thì phải được thực hiện ở tất cả các vùng núi đá vôi. Khu vực vùng núi đá vôi, hàng ngầm… chiếm khoảng 40% diện tích toàn miền Bắc.
Ở các đồng bằng châu thổ Sông Hồng hay Sông Mê Công thường có nhiều dấu tích của các dòng chảy, ao hồ cổ đã bị bồi lấp bởi lũ lụt hay các hoạt động san lấp nhân sinh khác. Nền đất ở những nơi đó thường yếu hơn so với các khu vực xung quanh, đặc biệt rất nhiều bùn hữu cơ, dễ hình thành các túi khí mê tan có khả năng gây cháy, nổ. Người ta thường nói về sự tồn tại của các túi bùn, túi khí chính là ở những vị trí như thế.
Các công trình, tuyến cống thi công qua đó dễ xảy ra hiện tượng lún lệch, gây hư hại, sập đổ công trình, gây rò rỉ nước ngầm. Cuối cùng thì các hố sụt đôi khi còn xảy ra bên trên các khu vực khai thác mỏ hầm lò, tạo nên những khoảng trống lớn trong lòng đất.
TS. Trần Tân Văn cho biết, 'hố tử thần' thường xảy ra bất chợt, khó ngờ. Nhưng trước đó có một số dấu hiệu như từ những sụt nhỏ có dấu hiệu loang ra lớn dần. Tường nhà bị nứt vỡ, mái nhà bị cong vênh. Lúc sắp xảy ra sập sụt thì hay có tiếng động ở trong lòng đất… Nếu trường hợp buộc phải sinh sống trên khu vực đó thì cần đặc biệt để tâm đến các dấu hiệu này. Khi xuất hiện thì phải chuẩn bị sơ tán trước khi sập sụt xảy ra.
Việc lấp 'hố tử thần' từ trước đến nay chỉ được một thời gian ngắn, ở các vùng caster có các hố sụt như vậy đều có diễn tiến giống nhau. Chính quyền cần thực hiện ngay điều tra khảo sát, đánh giá quy mô hố sụt lớn hay nhỏ, nông hay sâu, từ đó có biện pháp phòng tránh. Còn nếu lấp lại rồi lại tiếp tục sinh sống trên 'hố tử thần' là không ổn vì nguy cơ vẫn còn. Hiện có nhiều công nghệ có thể biết được quy mô của hố sụt như thế nào như đo địa vật lý hay dùng rada xuyên đất. Qua đó biết cấu trúc lượng đất bên dưới thế nào. Khảo sát địa chất xem xung quanh có chỗ nào có điểm lộ hang đá vôi hay không. Các cơ quan địa chất sẽ có phương pháp nghiên cứu cho từng địa điểm cụ thể.
Trước đó, khoảng 15h ngày 16/5, trong lúc làm ruộng, một số người dân giật mình khi nghe một tiếng động lớn. Lại gần khu vực phát ra tiếng động, nhiều người dân hoang mang khi phát hiện một hố rộng trên 3 m, sâu khoảng 15-20 m. Sau khi nhận được thông báo, huyện yêu cầu UBND xã Châu Hồng lập ngay biển cảnh báo, giăng dây, cấm người dân hiếu kỳ kéo đến xem để đảm bảo an toàn. Sáng nay 17/5, đoàn công tác của huyện sẽ trực tiếp vào hiện trường kiểm tra.
Tình trạng sụt lún tại xã Châu Hồng bắt đầu từ năm 2021, các hố sụt sâu 2-4 m, đường kính 3-7 m. Tới nay, hơn 200 giếng nước ở 4 bản Na Hiêng, Ná Noong, Công và bản Poong bị cạn nước; hơn 100 hộ có nền nhà, tường, sân và vườn bị nứt khiến người dân lo lắng. Nhiều đoàn công tác tại Nghệ An đã tới kiểm tra, song không chỉ ra nguyên nhân. Đầu tháng 5, UBND Quỳ Hợp thuê Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ về địa phương để khảo sát, đánh giá hiện trạng và tìm nguyên nhân.
Để phục vụ việc xác định nguyên nhân, chính quyền huyện Quỳ Hợp cũng tạm dừng việc hút nước ngầm đối với người dân và một số doanh nghiệp trên địa bàn cho đến khi có thông báo mới.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Nghiên cứu mới: Tế bào bị nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể “phát nổ” như thế nào? | SKĐS