Chuyên gia chỉ cách lấy chất tăng sức đề kháng trong thực phẩm

05-05-2021 15:59 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Trước sự diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở nước ta cũng như trên thế giới, nhiều người đã trang bị cho mình những cách tăng sức đề kháng. Tuy nhiên tăng sức đề kháng như thế nào cho đúng, mời bạn cùng trò chuyện với ThS. BS. Phan Thị Bích Hạnh, Giảng viên Bộ môn Dinh dưỡng & an toàn thực phẩm Trường đại học Y Hà Nội.

Phóng viên: Thưa bác sĩ, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát trở lại ở nước ta, khiến nhiều người lo lắng. Bác sĩ có thể cho biết vai trò của sức đề kháng trong cuộc chiến chống lại bệnh tật nói chung và COVID-19 nói riêng?

ThS.BS. Phan Thị Bích HạnhThS.BS. Phan Thị Bích Hạnh.

ThS.BS. Phan Thị Bích Hạnh: Bệnh COVID-19 cũng như các bệnh lý do virus khác gây ra như bệnh tay chân miệng, sởi, quai bị, zona, thủy đậu, HIV/AIDS… đều không có thuốc đặc hiệu. Chính vì vậy việc tăng cường sức đề kháng được coi như một trong các biện pháp hữu hiệu chống lại COVID-19. Khi cơ thể có sức đề kháng tốt, SARS-CoV-2 sẽ ít có cơ hội xâm nhập, hoặc nếu có xâm nhập thì bệnh cũng nhẹ hơn.

Sức đề kháng chính là khả năng phòng vệ của cơ thể trước sự xâm nhập của các tác nhân gây hại như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng… Khi sức đề kháng càng yếu, hệ miễn dịch của cơ thể càng suy giảm, là nguyên nhân hàng đầu tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là COVID-19.

Phóng viên: Muốn có một cơ thể khỏe mạnh, dinh dưỡng rất quan trọng. Vậy, có thể lấy các chất giúp tăng sức đề kháng qua thực phẩm thế nào, thưa BS?

ThS.BS. Phan Thị Bích Hạnh: Khả năng miễn dịch của cơ thể bao gồm tổng hòa nhiều thứ: Các cơ quan, tế bào, protein…, trong đó có các chất dinh dưỡng bao gồm protein (chất đạm); lipid (chất béo); glucid (chất đường bột); vitamin, chất khoáng; nước và chất xơ.

Các chất dinh dưỡng được cung cấp cho con người thông qua thực phẩm chúng ta ăn và uống. Khi ăn vào, thức ăn được tiêu hóa, hấp thu và chuyển hóa để sinh năng lượng cho cơ thể hoạt động và tái tạo cũng như tạo ra các yếu tố miễn dịch giúp tăng cường sức đề kháng. Tuy nhiên sức đề kháng phải được xây dựng và bồi đắp trong một quá trình lâu dài, chứ không phải tức thời. Dinh dưỡng là nền tảng cho một cơ thể khoẻ mạnh với sức đề kháng cao và cần phải được xây dựng và bồi đắp theo thời gian.

Trong các chất dinh dưỡng có những chất đặc hiệu, có vai trò quan trọng hỗ trợ hoạt động của hệ thống miễn dịch tốt hơn. Đó là các vitamin D, A, C và kẽm. Các vitamin và khoáng chất này đã có bằng chứng khoa học giúp hỗ trợ miễn dịch, đặc biệt có vai trò hỗ trợ đối với các bệnh lý đường hô hấp.

Vitamin D giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp ở trẻ em cũng như người trưởng thành. Vitamin D cũng có trong thức ăn nhưng nhiều nhất vẫn là qua tắm nắng hoặc dùng sản phẩm bổ sung. Vì vậy để tổng hợp vitamin D chúng ta cần phải tắm nắng. Tuy nhiên thời điểm tắm nắng rất quan trọng, hiện còn nhiều ý kiến trái chiều, phơi sớm quá trước 9h thì không đủ tia UVB tạo vitamin D, phơi nắng sau 10h thì các tia cực tím lại rất nhiều, làm tăng nguy cơ ung thư da. Chính vì vậy khuyến cáo nên bổ sung vitamin D trực tiếp, đặc biệt là đối với trẻ là rất quan trọng.

Các thực phẩm giàu vitamin D chúng ta có thể chú ý bổ sung trong giai đoạn hiện nay như các loại cá (cá chép, cá hồi, cá thu, cá trích), trứng gà…

các loại cá béoCác loại cá béo rất giàu vitamin D.

Vitamin A cũng được chứng minh là tăng khả năng đáp ứng của tế bào miễn dịch. Cần bổ sung vitamin A theo nhu cầu khuyến nghị, nhất là trẻ em. Các nguồn thực phẩm giàu vitamin A như dầu cá, gan, trứng, cà rốt, các loại rau cải, rau bina, đu đủ, bí ngô, xoài…

Vitamin C có vai trò tăng cường miễn dịch, giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian mắc đối với các loại bệnh cảm cúm. Vitamin C thường có nhiều trong các loại thực phẩm nhiều múi như cam, bưởi, quýt, chanh, kiwi, súp lơ xanh, đu đủ…

Thiếu kẽm gây rối loạn miễn dịch, kể cả miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích nghi với môi trường. Bổ sung kẽm qua các loại nhuyễn thể như sò, hàu… kẽm cũng có nhiều trong các loại hạt như vừng, đậu tương, hạt điều…

Bên cạnh đó tập luyện có vai trò hết sức quan trọng trong nâng cao sức khỏe, đây cũng là yếu tố giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên trong thời điểm dịch bệnh bùng phát như hiện nay khuyến cáo tập luyện các bài tập trong nhà như aerobic, yoga… Nếu ra ngoài tập luyện cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách. Mỗi người trưởng thành cần luyện tập thể lực 30 – 45 phút mỗi ngày, và ít nhất 5 ngày mỗi tuần.

Phóng viên: Hiện nay trên mạng xã hội mọi người chia sẻ rất nhiều thông tin về dinh dưỡng như cứ 15 phút  phải uống nước một lần, ăn nhiều tỏi hay ăn chay... để tăng cường sức đề kháng, chống COVID-19. Ý kiến của bác sĩ về vấn đề này như thế nào?

ThS.BS. Phan Thị Bích Hạnh: Về uống nước, nếu cơ thể được cung cấp đủ nước sẽ hoạt động tốt và đương nhiên hệ miễn dịch cũng hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên quan trọng là uống nước như thế nào, nếu cứ 15 phút uống một lần thì không nên, cơ thể sẽ quá tải nước. Một ngày trung bình một người trưởng thành cần uống từ 2 – 2,5 lít nước tùy thuộc vào hoạt động thể lực. Uống các loại nước như nước lọc, nước khoáng, nước ép hoa quả, sữa… Lưu ý là tỷ lệ 2/3 lượng nước do đồ uống cung cấp, phần còn lại do thực phẩm khác cung cấp.

uống nướcCần uống nước một cách khoa học mới tăng sức đề kháng.

Không phải ăn thật nhiều tỏi sẽ tăng cường sức đề kháng. Tỏi là một loại thực phẩm rất hữu ích cho sức đề kháng vì trong tỏi có thành phần allium sativum và các dẫn xuất trong tỏi có vai trò trong việc cân bằng hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta ra sức ăn thật nhiều tỏi, mỗi ngày chỉ nên ăn 1 – 2 nhánh và không nên ăn lúc đói vì sẽ ảnh hưởng đến dạ dày.

Có người cho rằng chế độ ăn chay hay chỉ ăn thực phẩm nguồn gốc thực vật sẽ tốt cho cơ thể, nâng cao sức đề kháng… Theo quan điểm khoa học thì hệ thống miễn dịch của cơ thể chúng ta vẫn cần tất cả các chất dinh dưỡng từ thực vật và động vật. Các loại protein từ động vật (thịt cá, trứng, sữa) có giá trị dinh dưỡng cao giúp cung cấp acid amin cần thiết cho cơ thể. Vì vậy ăn cân đối tất cả các loại thực phẩm nguồn gốc động vật và thực vật vẫn là tốt nhất.

Phóng viên: Là một chuyên gia dinh dưỡng bác sĩ có lời khuyên gì cho người dân trong việc nâng cao sức đề kháng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, trước các biến chủng của SARS-CoV-2 hiện nay?

ThS.BS. Phan Thị Bích Hạnh: Chúng ta cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể, nhất là trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay. Việc xây dựng khả năng miễn dịch cho cơ thể như tôi đã nói ở trên là một quá trình lâu dài, phải xây dựng từ trước như vậy mới có sức đề kháng bền vững. Xây dựng thông qua lối sống lành mạnh như dinh dưỡng cân đối, ăn đủ và đa dạng, kết hợp tập luyện thể lực thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý. Duy trì giấc ngủ, vì giấc ngủ cũng rất quan trọng đối với khả năng miễn dịch. Giảm stress, nếu bạn căng thẳng nhiều thì khả năng miễn dịch của cơ thể sẽ giảm. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, ăn chín, uống sôi… Loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây hại cho hệ miễn dịch như hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn quá mặn, ăn nhiều đạm, nhiều chất béo bão hòa, nhiều thực phẩm chế biến sẵn, nhiều chất đường ngọt…

Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện này!

xem thêm: Chuyên gia mách bạn chế độ dinh dưỡng tăng cường đề kháng, chống chọi với đại dịch

Ăn gì để tăng sức đề kháng để đối phó với nắng nóng


Mai Hương (thực hiện)
Ý kiến của bạn