Chuyên gia chỉ cách ‘gỡ’ vòng xoắn bệnh lý giúp trẻ hay ăn, cao lớn

PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy

PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy

Trưởng bộ môn Nhi trường Đại học Y Hà nội.Phó trưởng khoa miễn dịch dị ứng, bv Nhi Trung ương.

27-12-2017 07:00 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Vòng xoắn bệnh lý ở trẻ là khái niệm vẫn còn khá mơ hồ với nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, đây chính là nguyên nhân khiến trẻ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi, suy giảm hệ miễn dịch khiến trẻ hay ốm đau.

Ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thuý - Trưởng Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, có thể hiểu nôm na vòng xoắn bệnh lý (VXBL) là một quá trình từ nguyên nhân dẫn đến kết quả, rồi hậu quả lại tác động ngược lại nguyên nhân. Ví dụ như trẻ ốm đau, bệnh tật thì hay chán ăn, lượng thức ăn giảm đi, dẫn đến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng so với bình thường. Vì cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng nên khả năng bảo vệ kém đi, trẻ ốm đau liên miên.

Một trẻ bị tiêu chảy, viêm phổi trẻ sẽ ăn kém, hấp thu chất, vitamin, muối khoáng kém không có khả năng sinh ra kháng thể để bảo bệ cơ thể, không sinh ra enzim để hấp thu tốt thức ăn. Một khi hệ thống miễn dịch kém thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn, tần suất nhiều hơn các trẻ khác. Thực tế là lúc trẻ ốm, cha mẹ nghĩ càng cho ăn nhiều càng tốt nhưng trẻ lại sợ ăn, cố đưa thức ăn vào không ăn được, trẻ mệt mỏi, suy dinh dưỡng, sút cân tạo thành vòng luẩn quẩn làm trẻ không phát triển được.

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thuý.


“VXBL có thể ngắn hạn, dài hạn, liên hệ nguyên nhân và hậu quả, các thể bệnh đều có liên quan, có mối liên hệ giữa bệnh – môi trường - dinh dưỡng. Ở góc độ Nhi khoa, các bệnh nhiễm trùng nhìn thấy trước mắt như trẻ bị tiêu chảy, mất nước, ăn uống kém, giảm cân, suy dinh dưỡng, khả năng chống đỡ kém thì dễ bị tiêu chảy trở lại. Với các bệnh mạn tính khác thì trẻ đó chiều cao cân nặng thấp hơn bình thường, trẻ luôn vào viện, dùng thuốc lâu dài, vòng xoắn xảy ra ở nhiều bệnh, trước mắt và lâu dài, ảnh hưởng đến cả vấn đề cải tạo giống nòi. Trẻ em tăng trưởng cân nặng nhanh, nhất là 2 năm đầu đời tác động nhanh, VXBL lúc nào cũng có thể xảy ra.

Với một trẻ bị các vấn đề mạn tính thiếu vi chất, vitamin sẽ chậm phát triển chiều cao, cân nặng; thiếu hụt DHA chậm thông minh, hoạt động không nhanh nhẹn. Đây là vấn đề ảnh hưởng về sau, lâu dài đến khi trưởng thành. Cần chú ý, cân nặng, chiều cao ở trẻ trong 2 năm đầu đời có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển thể chất lâu dài đến 18-20 tuổi sau này. Do đó, cần để ý vấn đề này từ khi mang thai đến trẻ 2 năm đầu đời, nuôi dưỡng tốt làm giảm nguy cơ bị bệnh, làm giảm VXBL” - PGS. Thuý nói.

Cân nặng, chiều cao ở trẻ trong 2 năm đầu đời có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển thể chất lâu dài.

Cách nào thoát khỏi vòng xoắn bệnh lý?

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, những trẻ suy dinh dưỡng, thiếu vi chất thiết yếu thường hay mắc bệnh hay ốm vặt, thậm chí cả bệnh nặng phải nhập viện. Đặc biệt những cháu suy dinh dưỡng từ nhỏ, từ trong bụng mẹ thì hậu quả đến cả trưởng thành, chiều cao trung bình thấp, thiếu hụt chiều cao, chiều cao suy giảm từ 5-10 cm so với tiềm năng di truyền; khi trưởng thành dễ mắc bệnh mạn tính không lây như tim mạch, đái tháo đường... Nghiên cứu cho thấy các bệnh này gia tăng ở những người mà hồi nhỏ bị suy dinh dưỡng.

“Cha mẹ cần có kiến thức lựa chọn thực phẩm và chế biến đủ dinh dưỡng theo yêu cầu khuyến nghị, đảm bảo hệ miễn dịch hoạt động tốt, ít nguy cơ mắc bệnh. Các cháu nhỏ cần ăn đủ 8 nhóm thực phẩm: bột đường (gạo, mỳ, bánh mỳ); Đạm (thịt, cá trứng sữa, đậu đỗ); rau xanh (2 nhóm: rau màu xanh thẫm, củ quả vàng và một số loại rau khác); Chất béo cũng là chất dinh dưỡng cần thiết mà các bà mẹ Việt Nam thường hay quên không đưa vào cho các cháu để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Hãy chú ý đến dinh dưỡng đủ từng nhóm thực phẩm, chế biến giúp các cháu ăn ngon miệng, phù hợp với độ tuổi của các cháu.”- PGS. Lâm khuyến cáo.

Cần đảm bảo 8 nhóm thực phẩm cho trẻ nhỏ. Ảnh minh hoạ.

Có rất nhiều vi chất dinh dưỡng liên quan tới khả năng miễn dịch của các cháu. Để phá vỡ VXBL ở các trẻ có nguy cơ cao, việc đảm bảo dinh dưỡng rất quan trọng. Các vi chất như vitamin D, kẽm tham gia vào miễn dịch cơ thể. Gần đây, các nhà khoa học quan tâm đến vi chất chiết tách từ nấm men kích thích miễn dịch trong nước bọt giúp tăng cường khả năng miễn dịch ở cả trẻ em và người già. Rồi sản phẩm từ sữa non cũng bao gồm yếu tố miễn dịch giúp cơ thể nâng cao khả năng miễn dịch. Gần đây, các nhà khoa học quan tâm đến lợi khuẩn prebiotic (probiotic kết hợp với chất xơ hòa tan) đảm bảo 80% hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Khi tới ruột, nó tồn tại trong đường ruột với số lượng đủ lớn, với một số kỹ thuật tiên tiến giúp các con vi khuẩn probiotic không bị tiêu diệt ở đường ruột. Nó giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh và giúp diệt virus, vi khuẩn có hại; giúp các cháu thoát ra khỏi vòng xoắn bệnh lý. Ít bệnh thì ăn lại tốt hơn và dự phòng bệnh tốt hơn.

Hiện nay, nhiều cha mẹ có thói quen bổ sung men vi sinh cho trẻ, tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo việc bổ sung cần theo sự tư vấn của bác sĩ mới có tác dụng, không nên sử dụng tuỳ tiện.

Dương Hải


Ý kiến của bạn