Hà Nội

Chuyên gia chỉ cách “giữ mình” trên mạng xã hội, tránh bị xử phạt

15-08-2022 15:53 | Xã hội
google news

SKĐS - Đăng tải hóa đơn nhà hàng không đúng sự thật, nói xấu người miền Trung, đứng ra đường băng sân bay để sống ảo… là những hành vi bị xử phạt đến hàng chục triệu đồng, dù chỉ đăng tải trên mạng xã hội.

Mạng ảo, nhưng bị xử phạt thật

Trong thời gian TP. Pleiku thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, hai công dân gồm V.V.T sinh năm 1987) và P.V.B (sinh năm 1975) không đeo khẩu trang, mang bàn ra đường ngồi uống trà và chụp ảnh đăng Facebook với nội dung "Xóm chợ lớn họp nhau uống trà". Ngày 6/9/2021, Chủ tịch UBND phường Diên Hồng (TP. Pleiku, Gia Lai) ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6 triệu đồng với 2 người trên.

Ngày 9/11/2021, Công an quận Hải Châu (TP. Đà Nẵng) ra quyết định xử phạt 13,5 triệu đồng đối với chủ Facebook N.T vì sử dụng trái phép trang phục công an nhân dân khi đăng tải hình ảnh "hot boy" mặc đồ công an, đeo hàm sĩ quan cấp tá cầm chai bia, ngồi quán bia vỉa hè.

Ngày 8/8/2022, Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Cà Mau đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị The (52 tuổi, ngụ ấp Cây Trâm, xã Định Bình, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau) 7,5 triệu đồng do đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân "Mai Vàng" cung cấp thông tin sự thật nội dung tố bị "chặt chém" khi ăn uống ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Tổng hóa đơn của bữa cơm trên chỉ 1.284.000 đồng, nhưng bà The đăng lên mạng với giá 2,5 triệu đồng.

Chuyên gia chỉ cách “giữ mình” trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Tổng hóa đơn của bữa cơm trên chỉ 1.284.000 đồng, nhưng bà The đăng lên mạng với giá 2,5 triệu đồng.

Ngày 11/8/2022, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh cô gái nhảy lên băng chuyền hành lý ở sân bay Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng). Sau khi clip được phát tán, phía sân bay đã kiểm tra camera an ninh và xác định được danh tính của hành khách và xem xét xử lý theo quy định.

Có thể thấy ngày càng nhiều người bị xử phạt vì những thông tin đăng tải không đúng trên mạng xã hội. PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam cho rằng, mạng xã hội là kiểu nhật ký mở, thể hiện tâm tư, quan điểm của mọi người, hoàn toàn mang tính cá nhân. Những chia sẻ này lan truyền rất nhanh đến hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn người, có sức lan tỏa rất lớn, tức thời nên nếu là tin sai, tin xấu, độc hại… thì hậu quả rất lớn. Do vậy, từ chỗ là quan điểm cá nhân, người đăng tin đã thành công cụ phát tán tin độc, tin có hại.

Mạng xã hội thì ai cũng có quyền được thể hiện quan điểm cá nhân. Quan điểm cá nhân nhưng phải làm sao cho lịch sử, đúng phép tắc, văn minh thì lại là chuyện khác. Nhiều người lầm tưởng điều này, cứ nghĩ Facebook của tôi, tôi thích làm gì thì làm, nói sai nói đúng gì cũng không sao. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người bị xử phạt, dù mục đích đăng tải thông tin chỉ là "câu like" chứ không có ý đồ gì xấu.

"Ứng xử trên mạng xã hội cũng giống hệt ngoài đời thực. Đừng nghĩ mạng ảo thì làm gì cũng được. Hiện các công cụ kiểm soát nội dung trên nền tảng mạng internet được thực hiện khá chặt chẽ, bất cứ thao tác nào của người dùng cũng được ghi nhận lại. Những nội dung không đúng sự thật hoàn toàn có thể bị đưa ra xử lý theo pháp luật, người dùng mạng xã hội phải cân nhắc rất kỹ trước khi thông tin", PGS.TS Đặng Ngọc Dinh chia sẻ.

Hãy sử dụng mạng xã hội thông minh

Theo TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển xã hội, công chức hay người dân bình thường khi tham gia mạng xã hội đều phải chịu trách nhiệm cá nhân với ứng xử trên mạng xã hội. Nếu ai phát ngôn thô tục sẽ bị cộng đồng mạng phản ứng; đưa thông tin nội bộ của cơ quan, bí mật công việc thì sẽ bị xử lý theo Luật Cán bộ - công chức, Luật Viên chức hay các quy định của cơ quan... Đưa thông tin kích động, phản động sẽ bị xử lý theo pháp luật. Đáng tiếc, có rất nhiều người đang ảo tưởng về mạng xã hội, chia sẻ, đăng tải thông tin theo cảm hứng mà không nhận thức được hậu quả.

Chuyên gia chỉ cách “giữ mình” trên mạng xã hội - Ảnh 2.

Một chủ tài khoản facebook bị xử phạt vì đăng thông tin sai sự thật.

Tài liệu hướng dẫn kỹ năng khai thác thông tin và ứng xử khi tham gia môi trường mạng nêu rõ, khi tiếp cận, like (thích), share (chia sẻ) thông tin trên mạng, người sử dụng trước hết phải kiểm chứng nội dung từ các nguồn tin có bảo đảm cao, như các trang, cổng thông tin chính thức của các cơ quan Đảng, Nhà nước; các báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã được cấp phép. 

Người dùng cũng cần kiểm tra sự đồng nhất giữa tiêu đề và nội dung, tránh các bài viết giật tít để câu view trong khi thông tin không liên quan, tránh trở thành nạn nhân của tin giả hay lừa đảo...

Theo chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Minh Đức, người dùng mạng xã hội cần nhớ rằng các trang mạng xã hội đều được sở hữu bởi các hãng thương mại tư nhân và họ kiếm tiền bằng cách thu thập thông tin dữ liệu về các cá nhân và bán các thông tin này cho các đơn vị quảng cáo.

Khi bạn gia nhập một mạng xã hội, bạn đang rời bỏ sự tự do của mạng Internet và bước vào mạng kết nối chịu sự chi phối và điều khiển bởi tổ chức sở hữu mạng này. Các thiết lập cài đặt bảo mật sự riêng tư chỉ có nghĩa là sự riêng tư của bạn được bảo về khỏi các thành viên khác trong mạng chứ không bảo vệ thông tin của bạn khỏi chính nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội này. Thực tế bạn đang tin tưởng trao toàn bộ thông tin dữ liệu bản thân của mình cho nhà cung cấp mạng xã hội.

Ông Vũ Bảo Thạch, chuyên gia tư vấn Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho rằng, muốn bảo vệ tốt thì chúng ta cần che giấu mình tối đa trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội. Nghĩa là, tất cả các thông tin liên quan đến đời tư, tài khoản ngân hàng, nhà cửa, xe cộ, con cái, học hành… nên hạn chế tối đa chia sẻ. Bởi có một điều chắc chắn rằng không có gì có thể che giấu được trên mạng. Hãy chú ý đề phóng về mức độ an toàn của nội dung thông tin của bạn trên một trang mạng xã hội. Không bao giờ tin tưởng dùng một trang mạng xã hội làm trang chủ chính đăng tải các nội dung thông tin của mình.

Theo khảo sát của chương trình Nghiên cứu internet và xã hội (VPIS), các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng MXH tại Việt Nam thể hiện tập trung: nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%). "Những nguồn năng lượng xấu này đang dần che mờ những mặt tích cực do internet và MXH mang lại" - báo cáo nghiên cứu đánh giá. Nguyên nhân là do nhận thức của người dùng cho rằng MXH là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, việc theo dõi, xử lý các thông tin vi phạm còn gặp khó khăn.
"Bóc phốt" trên mạng xã hội: Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự'Bóc phốt' trên mạng xã hội: Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Nếu 'bóc phốt' theo kiểu xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Chiều 15/8: Kẻ nhét bé trai vào tủ cấp đông ở Hà Nam có đối diện mức án kịch khung?| SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn