Nguyên nhân gây ùn tắc giao thông ở Hà Nội
UBND TP Hà Nội vừa báo cáo Thường trực HĐND thành phố về công tác tổ chức giao thông, trông giữ phương tiện và quản lý lòng đường, hè phố, trong đó nêu 5 nguyên nhân cơ bản gây ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh nhưng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không theo kịp dẫn đến quá tải. Cụ thể, dân số của Hà Nội hiện trên 8 triệu người (chưa bao gồm khoảng 1,2 triệu người vãng lai thường xuyên sinh sống, làm việc và học tập tại thành phố). Số lượng phương tiện giao thông đường bộ tính đến tháng 10 trên 7,8 triệu, trong đó ôtô khoảng 1,1 triệu, môtô khoảng 6,8 triệu, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn.
Nguyên nhân thứ hai là đầu tư thiếu đồng bộ, các tuyến đường vành đai chưa hoàn chỉnh, cầu qua sông Hồng còn thiếu... Hà Nội quy hoạch 7 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài 285 km, trong đó 5 tuyến vành đai chính (1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (2,5 và 3,5). Tuy nhiên, vành đai 5 chưa triển khai; vành đai 4 đang triển khai và dự kiến hoàn thành năm 2027; vành đai 3,5 đang triển khai nhưng chưa làm được toàn tuyến do khó khăn giải phóng mặt bằng; vành đai 3 còn phía Bắc chưa thông đường; vành đai 2,5 cũng mới làm được một số đoạn; vành đai 2 còn chưa triển khai đường trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy; vành đai 1 vẫn chưa giải phóng được mặt bằng đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục.
Các loại hình vận tải công cộng và hành khách đi xe buýt hiện chỉ đạt 19,5%. Thống kê của Sở Giao thông Vận tải, thành phố hiện có 132 tuyến xe buýt trợ giá, do 3 năm bị dịch COVID-19 nên sản lượng vận tải hành khách công cộng giảm, năm 2022 là 334 triệu lượt, năm 2023 dự kiến đạt 400 triệu lượt nhưng chưa đạt ngưỡng của năm 2019 là 410 triệu lượt.
Nhiều công trình thi công gây thu hẹp mặt cắt các tuyến đường, dẫn đến ùn tắc giao thông. Các tuyến đường giao thông trục chính, cầu lớn có mật độ phương tiện tham gia giao thông vượt thiết kế, chỉ cần xảy ra một sự cố va chạm, tai nạn cũng dẫn đến ùn tắc giao thông. Theo Sở Giao thông Vận tải, lưu lượng mỗi ngày đêm qua nhiều cầu đều gấp nhiều lần so với thiết kế như Chương Dương khoảng 95.000 phương tiện, gấp 8 lần; Thanh Trì 120.000 phương tiện, gấp 4 lần; Nhật Tân 107.000 phương tiện, gấp 6 lần...
Ý thức của của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao, không tuân thủ nghiêm quy định của Luật Giao thông đường bộ. Sở Giao thông Vận tải cho rằng, ngoài tuyên truyền nâng cao ý thức tham gia giao thông, cần bổ sung camera để tăng cường phạt nguội. Dẫn chứng, TP HCM tăng từ 50 đến hơn 11.000 camera đã giúp giao thông trên địa bàn thành phố cải thiện rõ rệt.
Năm 2022, thành phố có 35 điểm ùn tắc, ngành giao thông xử lý được 8 điểm nhưng phát sinh 10 điểm, tồn tại 37 điểm ùn tắc; năm 2023 xử lý được 11/37 điểm và phấn đấu xử lý thêm 1-2 điểm từ nay đến cuối năm, tuy nhiên có thể phát sinh thêm 8 điểm ùn tắc mới.
"Đũa thần" giảm ùn tắc giao thông Thủ đô
Chuyên gia về giao thông đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB Giao thông Vận tải cho biết, TPHCM, Hà Nội vẫn chỉ có một vài tuyến đường sắt đô thị, metro và thiếu tính kết nối, trong khi xe buýt vẫn chưa đáp ứng đủ số lượng khi hạn chế phương tiện cá nhân.
Theo ông Thủy, hiện chỉ có trên10% người dân ở Hà Nội sử dụng phương tiện công cộng, còn gần 90% sử dụng phương tiện cá nhân (bao gồm ô tô, xe gắn máy…). Trong khi đó, mạng lưới đường sắt đô thị còn chưa hình thành, hiện chỉ có tuyến độc nhất là Cát Linh-Hà Đông; xe buýt di chuyển chậm, không đúng giờ (một phần do ùn tắc, một phần do hạ tầng giao thông chưa tốt)… Vì thế, xe máy, ô tô vẫn là phương tiện chính mà người lựa chọn làm phương tiện để đi lại.
Khi mạng lưới, hệ thống phương tiện công cộng phát triển tốt, người dân sẽ tự hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân và chuyển sang đi lại bằng phương tiện công cộng. Để tăng tính hấp dẫn của vận tải hành khách công cộng thì cần ưu tiên phương tiện vận tải công cộng có sức chứa lớn và hạn chế phương tiện cá nhân. Đây chính là giải pháp trọng tâm để giảm ùn tắc giao thông.
"Nếu vận tải công cộng phục vụ tốt nhu cầu của người dân thì họ sẽ tự từ bỏ xe cá nhân mà không cần thu phí phương tiện đi vào nội đô. Chỉ khi nào phương tiện công cộng phát triển tốt hơn, hạ tầng giao thông hiện đại lên thì người dân mới từ bỏ phương tiện cá nhân. Nhà nước và các doanh nghiệp phải tăng cường xây dựng hệ thống giao thông công cộng để phục vụ người dân", TS Nguyễn Xuân Thủy nói.
Chúng ta cần kết hợp thực hiện các giải pháp khác như thêm giao thông tĩnh, thêm đường, thêm cầu vượt, đường sắt trên cao, di chuyển nhiều cơ quan trường học ra xa trung tâm, phát triển đô thị vệ tinh hiện đại, hiện đại hóa công tác quản lý giao thông... Đặc biệt, trong lúc chờ giải pháp tối ưu để chống ùn tắc, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền để người tham gia giao thông tuân thủ luật hiện hành... Có như vậy thì mới có thể giải quyết tốt vấn nạn ùn tắc giao thông.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc cấp phép xây dựng quá nhiều chung cư, nhà cao tầng khiến mật độ cư dân tại đô thị bị nén chặt, càng khiến tình trạng ùn tắc thêm nghiêm trọng: "Những trụ sở các cơ quan trước đây, bây giờ di chuyển đi thì lại làm nhà, cho nên nhà cao vút lên, người tập trung đông lên, như vậy là tập trung đông dân".
Trong khi mật độ người và phương tiện gia tăng, số chuyến đi bình quân trong ngày cũng tăng càng làm cho mật độ ùn tắc dày thêm và kéo dài. Trong khi đó, hệ thống giao thông công cộng chậm được triển khai hoặc chưa thu hút được nhiều người sử dụng. Trước khi thực hiện các giải pháp điều chỉnh, tổ chức giao thông, cần nghiên cứu, phân tích được dòng giao thông trên tuyến để từ đó có giải pháp phù hợp.
Chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý nhu cầu đi lại của người dân để điều tiết nhu cầu đi lại một cách hợp lý. Đó có thể là bố trí tín hiệu giao thông theo chu kỳ pha đèn trên cơ sở nhu cầu giao thông, lắp cảm biến tốc độ dòng giao thông, đo lưu lượng phương tiện… để điều tiết giao thông một cách hợp lý. Khi nhu cầu đi lại được quản lý, những nguy cơ ùn tắc thường xuyên hay đột xuất được dự báo, cảnh báo sớm sẽ có thể can thiệp từ sớm, thay vì tập trung người giải quyết hậu quả.
Ngoài ra cần theo dõi và dự báo được nhu cầu đi lại của cư dân cũng giúp chính quyền đô thị có giải pháp để từng bước điều chỉnh, phân bổ lại nhu cầu giao thông bằng chiến lược phát triển đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng. Về lâu dài, giải pháp phát triển hệ thống giao thông công cộng dựa trên các quy hoạch khoa học vẫn là biện pháp căn cơ, cốt lõi để hạn chế phương tiện cá nhân, kéo giảm tình trạng ùn tắc.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin y tế 4/12: 3 người nhập viện vì đốt than củi sưởi ấm trong phòng ngủ | SKĐS