Hà Nội

Chuyên gia chỉ cách giảm cận thị ở trẻ

12-10-2024 15:00 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Trẻ em cần được đi khám mắt trước khi vào lớp 1 để phát hiện sớm các bệnh lý về mắt, cận thị và các tật khúc xạ khác.

Giảm tình trạng cận thị ở trẻ bằng cách nào?

Tật khúc xạ bao gồm các tình trạng cận thị, viễn thị và loạn thị. Tật khúc xạ xảy ra khi ánh sáng đi qua giác mạc và thủy tinh thể nhưng không hội tụ ở một điểm trên võng mạc từ đó khiến hình ảnh mắt quan sát được bị nhòe, mờ. Tật khúc xạ ở trẻ em trong đó có cận thị là một vấn đề rất phổ biến hiện nay. Để hạn chế tình trạng trẻ bị cận thị cũng như tật khúc xạ khác cần có sự quan tâm đặc biệt từ gia đình và xã hội.

Để phòng tránh cận thị và tật khúc xạ khác ở học đường, toàn xã hội cần tích cực truyền thông giáo dục sức khỏe cho bố mẹ, thầy cô giáo và chính các bạn học sinh cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng, tránh bệnh bằng cách:

- Học sinh cần được hướng dẫn ngồi học đúng tư thế

Chuyên gia chỉ cách giảm cận thị ở trẻ- Ảnh 1.

Cha mẹ cần đưa trẻ đi khám mắt định kỳ, đặc biệt là trước khi trẻ vào lớp 1.

- Giữ khoảng cách phù hợp khi đọc sách, không để sách quá gần. Khoảng cách được khuyến cáo là từ 25-30cm.

- Phải đọc sách nơi có đủ ánh sáng.

- Nếu trẻ bị cận thị hoặc các tật khúc xạ khác thì cần được khám bởi bác sĩ chuyên khoa mắt, đeo kính đúng số, đúng cách và đi khám mắt định kỳ. Bởi cận thị và các tật khúc xạ sẽ thay đổi theo thời gian, sau một thời gian nhất định trẻ cần được đi khám để đeo kính cho phù hợp.

- Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, xem tivi… Hiện nay việc dạy và học qua mạng khá phổ biến, trẻ em phải sử dụng các thiết bị điện tử để học bài và có thói quen sử dụng chúng để giải trí (xem phim, chơi game…). Cha mẹ cũng như thầy cô cần nhắc nhở trẻ sử dụng thiết bị điện tử với thời gian hợp lý.

- Dành thời gian cho mắt nghỉ ngơi. Sau mỗi một tiết học trẻ thường có thời gian nghỉ giải lao, thầy cô cần khuyến khích trẻ ra ngoài sân vui chơi. Đây là thời điểm để trẻ mở rộng, giải phóng tầm nhìn của mắt, nhìn xa ra, tránh nhìn gần. Riêng với cận thị, khi trẻ càng nhìn gần thì càng dễ bị cận thị. Đặc biệt khi thời tiết không nắng quá mức, trẻ chơi dưới ánh sáng cường độ vừa phải trong khung giờ đầu buổi sáng sẽ rất tốt cho sức khỏe nói chung và sức khỏe thị giác nói riêng nhất là hạn chế tình trạng tăng cận thị.

Chuyên gia chỉ cách giảm cận thị ở trẻ- Ảnh 2.

Trẻ cần được khám mắt định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa mắt để phát hiện sớm cận thị, tật khúc xạ và đeo kính đúng số, đúng cách.

Khi nào nên cho trẻ đi khám mắt?

Cho đến thời điểm này, khi thăm khám về tật khúc xạ ở trẻ chưa được bảo hiểm. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã có đề xuất mở rộng độ tuổi được hưởng BHYT khi điều trị tật về mắt, cận thị và tật khúc xạ về mắt khác đối với người dưới 18 tuổi. Khuyến cáo đầu tiên dành cho các bậc phụ huynh: Tất cả các trẻ trước khi đến trường cần phải được khám mắt để phát hiện các trường hợp có bệnh lý về mắt đặc biệt là cận thị và các tật khúc xạ khác.

Bởi vì tật khúc xạ thường không có biểu hiện gì, nhưng nếu phát hiện ra các vấn đề viễn thị cao, loạn thị cao và đeo kính sớm thì khả năng phục hồi thị giác sẽ rất tốt. Nếu như trẻ bị viễn thị, loạn thị, lệch khúc xạ 2 mắt cao nhưng phát hiện muộn thường sẽ dẫn đến nhược thị ở mắt có tật khúc xạ. Nếu bệnh được phát hiện khi trẻ đã lớn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, khả năng phục hồi cũng hạn chế.

Xem thêm video được quan tâm:

Mổ cận và những điều cần lưu ý: Mổ cận rồi có bị cận lại nữa hay không? | SKĐS


TS.BS Nguyễn Xuân Tịnh
Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội
Ý kiến của bạn