Hà Nội

Chuyên gia chỉ cách điều chỉnh tiền đái tháo đường về ngưỡng an toàn

17-06-2022 07:10 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Nếu bạn vừa được bác sĩ thông báo mắc tiền đái tháo đường hay rối loạn đường máu lúc đói, bạn không nên hốt hoảng. Bài viết sau đây của TS.BS. Lê Thanh Hải sẽ mách bạn cách ứng phó với tình trạng này.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ ước tính có 84,1 triệu người nước này có tình trạng tiền đái tháo đường. Trong số những người bị tiền đái tháo đường, 90% không biết mình bị bệnh.

Ở Việt Nam, đang có sự gia tăng nhanh chóng của bệnh đái tháo đường. Sau 10 năm (tính đến 2016) tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng đã tăng gấp 2 lần từ gần 3% dân số lên đến 5,4%. Ước tính ở Việt Nam có khoảng 3 triệu người mắc bệnh đái tháo đường.

Tiền đái tháo đường hay rối loạn đường máu lúc đói là gì?

Tiền đái tháo đường có nghĩa là đường trong máu của bạn có tăng lên, nhưng không đủ cao để được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường. Nếu bạn được xác định có tiền đái tháo đường, bạn cần nhận thức rằng bạn đang có rắc rối về sức khoẻ nhưng có thể điều chỉnh được.

Chuyên gia mách cách điều chỉnh “tiền đái tháo đường” về ngưỡng an toàn - Ảnh 2.

Xét nghiệm hemoglobin A1c (HbA1C) nằm trong khoảng 5,7% đến 6,4 % được xem là tiền đái tháo đường.

Thực tế, bạn có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn mắc đái tháo đường bằng cách thay đổi lối sống như tập thể dục nhiều hơn, giảm cân và ăn uống lành mạnh hơn. Cơ thể của bạn sản xuất insulin để cho phép bạn chuyển đổi đường được dung nạp từ thực phẩm chứa carbohydrate thành năng lượng và để giữ mức đường máu trong một giới hạn bình thường. 

Bệnh đái tháo đường thường bắt đầu khi cơ thể bạn trở nên đề kháng với insulin, chủ yếu là do tăng cân nặng, đặc biệt béo bụng.

Tiền đái tháo đường là khi đường máu lúc đói tăng hoặc dung nạp glucose bị suy giảm. Tiêu chuẩn chẩn đoán tiền đái tháo đường là đường máu lúc đói (Go) từ 100 mg/dL đến 125 mg/dL (bình thường dưới 100 mg/dL tương đương 5,6 mmol/L), hoặc hemoglobin A1c (HbA1C) nằm trong khoảng 5,7% đến 6,4 % (bình thường ít hơn 5,7 %).

Cách điều chỉnh để ngăn chuyển thành bệnh đái tháo đường type 2

1. Nhận sự tư vấn ngay

Đầu tiên, cần nhận hỗ trợ bằng cách tham gia một chương trình hướng đến mục tiêu giảm cân hoặc gặp chuyên gia dinh dưỡng hướng dẫn chế độ dinh dưỡng cho đái tháo đường. 

Chương trình hoặc tư vấn trực tiếp hướng tới giảm cân có thể giúp bạn tìm hiểu những loại thực phẩm nào ảnh hưởng đến lượng đường trong máu nhất, cách ăn uống lành mạnh và cân bằng. 

Các nghiên cứu cho thấy rằng giảm cân vừa phải từ 5% đến 7% trọng lượng cơ thể có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự tiến triển của tiền đái tháo đường và bệnh đái tháo đường.

2. Tập vận động và tập thể dục

Hoạt động thể chất không chỉ giúp giữ cân nặng của bạn trong kiểm soát, mà còn giúp cơ thể bạn sử dụng insulin tốt hơn. Insulin giúp các tế bào của bạn sử dụng đường, ngăn ngừa tăng glucose trong máu. 

Tăng cường vận động, hạn chế ngồi trước màn hình ti vi. Thiếu vận động thúc đẩy nhanh hình thành bệnh đái tháo đường type 2. Làm việc cơ bắp thường xuyên và chăm chỉ giúp cải thiện khả năng sử dụng insulin và hấp thụ glucose. 

Tăng hoạt động thể chất có thể giúp giảm 50% nguy cơ bệnh đái tháo đường. Bạn cần di chuyển nhiều hơn, cố gắng đạt ít nhất 150 phút đi bộ hoặc chạy bộ mỗi tuần.

Chuyên gia mách cách điều chỉnh “tiền đái tháo đường” về ngưỡng an toàn - Ảnh 3.

Đi bộ hoặc chạy bộ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc đái tháo đường.

3. Theo dõi lượng Carbohydrate trong thực đơn của bạn

Carbohydrate là nguồn năng lượng chính của cơ thể, nhưng khi ăn quá mức, carbohydrate được lưu trữ dưới dạng chất béo. Và khi cơ thể bạn không sử dụng đường hiệu quả, lượng carbohydrate dư thừa có thể làm cho lượng đường trong máu vẫn ở nồng độ cao.

Để giảm cân và giảm lượng đường trong máu, bạn nên giảm lượng carbohydrate, đặc biệt là đồ uống có đường, bánh mì trắng, bánh quy, bánh ngọt và kem. Cần thay thế một chế độ ăn carbohydrate cao bằng một chế độ carbohydrate thấp, chứ không phải là một chế độ ăn không có carbohydrate. Loại bỏ carbohydrate hoàn toàn có thể dẫn đến mệt mỏi, thiếu hụt vitamin và khoáng chất. Chế độ ăn ít carbohydrate cũng chứa một số nguồn carbohydrate như trái cây, sữa chua và ngũ cốc nguyên hạt. 

Khi chọn carbohydrate, bạn nên chọn những thực phẩm có nhiều chất xơ. Tốt nhất là nên trao đổi với một chuyên gia dinh dưỡng để đưa ra kế hoạch chế độ ăn uống thích hợp cho bạn. 

Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng một số mẹo đơn giản để điều chỉnh lượng carbohydrate của mình, bao gồm:

- Ăn một bữa ăn sáng protein cao: Một nghiên cứu gần đây cho thấy ăn một bữa ăn sáng giàu protein có thể giúp giảm cân và kiểm soát lượng đường trong máu. 

Đối với một số người bắt đầu một ngày mới với bữa ăn sáng có carbohydrate cao có thể gây thèm ăn đường trong suốt cả ngày. Càng có nhiều carbohydrate trong chế độ ăn sáng của bạn, càng gây áp lực cho tuyến tụy tạo ra insulin nhiều hơn.

- Tăng cường các loại rau: Mục tiêu là dành một nửa khẩu phần ăn với các loại rau như salad, bông cải xanh, rau bina, súp lơ, hành tây, ớt, cà tím... Các thực phẩm này sẽ cung cấp nhiều nước, chất xơ và hạn chế lượng carbohydrate. 

Thiết kế khẩu phần ăn với 1/4 đĩa ăn hoặc chỉ khoảng 1 chén nhỏ dành cho tinh bột là ngũ cốc nguyên hạt, khoai lang, bí, đậu... Phần còn lại của khẩu phần ăn nên là protein - các loại thịt nạc: thịt gà trắng, cá, thịt bò nạc.

Chuyên gia mách cách điều chỉnh “tiền đái tháo đường” về ngưỡng an toàn - Ảnh 5.

Người được chẩn đoán tiền đái tháo đường nên có chế độ ăn ít carbohydrate, nhiều rau quả và chất xơ.

- Loại bỏ tất cả đồ uống ngọt và đường bổ sung:

Đồ uống có đường có thể gây ra những biến động về lượng đường trong máu và làm tăng cân. Tránh nước trái cây, soda, trà đá ngọt và tránh thêm đường vào cà phê. Thay vào đó, hãy uống trà, cà phê không đường hoặc chanh không đường.

- Tránh thức ăn chiên xào và chế biến sẵn:

Khoai tây chiên, bánh quy giòn và bánh quy có thể cản trở việc giảm cân và góp phần làm tăng chất béo trung tính và đường trong máu. 

Nếu bạn muốn ăn nhẹ, nên ăn các thức ăn ít carbohydrate nhưng giàu chất dinh dưỡng, cụ thể: 1 quả táo nhỏ với 1 thìa bơ hạt; ¼ chén hạt không muối của quả hạnh, hạt điều, quả hồ trăn, quả óc chó…; 1 cốc sữa chua nguyên chất ít béo với 1/2 cốc quả.

4. Can thiệp điều trị theo khuyến cáo

Trong khi điều chỉnh lối sống thường được ưu tiên, Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ đã khuyến cáo có thể sử dụng metformin ở những người có glucose máu lúc đói, suy giảm dung nạp glucose hoặc tăng HbA1c. 

Metformin là một loại thuốc làm giảm kháng insulin bằng cách tăng cường sử dụng insulin cơ thể tạo ra và gửi tín hiệu đến gan để ngừng tạo ra lượng đường dư thừa. Metformin là một loại thuốc chọn lựa điều trị đầu tiên ở những người bị đái tháo đường và là thuốc phổ biến nhất trên toàn thế giới để điều trị bệnh này. Thuốc chỉ sử dụng theo kê toa của bác sĩ.

Người bị đái tháo đường ăn uống thế nào để không bị suy dinh dưỡng?Người bị đái tháo đường ăn uống thế nào để không bị suy dinh dưỡng?

SKĐS - Hiện nay, nhiều người bị đái tháo đường nên đã quá kiêng khem dẫn tới bị suy dinh dưỡng.

Mời xem video được quan tâm:

Kéo dài tuổi thọ, trẻ lâu nhờ lối sống lành mạnh (3)



TS.BS. Lê Thanh Hải
Ý kiến của bạn