Chuyên gia chỉ cách để trẻ không bị chó nhà tấn công

20-03-2022 17:04 | Xã hội
google news

SKĐS - Những vụ tai nạn thương tâm do chó nhà tấn công trẻ em gần đây diễn ra liên tiếp. Bảo vệ sự an toàn của trẻ bằng cách không cho trẻ tiếp xúc gần và dạy trẻ cách ứng phó đúng cách với thú dữ.

Không thể nhận biết thời điểm chó "nổi điên"

Vừa qua, tại Phú Thọ đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm, nạn nhân là một bé trai 10 tuổi bị chính chó nuôi của nhà cắn. Lúc vào viện, bé bị đa chấn thương với các vết thương chằng chịt vùng đầu, cẳng tay, đùi, cẳng chân.  Vết thương lớn nhất vùng đầu dài khoảng 5cmx0,5cm, còn lại các vết thương kích thước 3x0,2cm, 1cm, vết thương đùi trái 7x5cm lộ nhóm cơ đùi trước trong. Bé trai đau đớn, hoảng loạn.

Bảo vệ trẻ khỏi tấn công của chó nhà - Ảnh 1.

Bé trai ở Phú Thọ bị chó tấn công tạo ra nhiều vết thương chằng chịt vùng đầu.

Các bác sĩ đã ngay lập tức tiến hành trấn an tâm lý, cấp cứu, cầm máu, sát khuẩn các vết thương, dùng thuốc và các loại vaccine, huyết thanh dại. Sau cấp cứu, bé trai tiếp tục được  chăm sóc và điều trị.

Trước đó vào đầu tháng 3, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM cấp cứu một trường hợp bé gái 6 tháng tuổi bị chó cắn rất nặn. Bé đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu trong tình trạng đau đớn, chảy máu nhiều ở vùng đầu.  May mắn là dấu răng của con vật chỉ mới xuyên qua khỏi xương sọ và vừa chạm vào bề mặt của não em bé. Sau ca mổ, bé gái phục hồi tốt và đã xuất viện sau hơn 1 tuần được chăm sóc vết thương và tiêm kháng sinh đề phòng nhiễm trùng, tiêm ngừa phòng bệnh dại.

GS Đặng Huy Huỳnh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cho biết, đã có nhiều trường hợp trẻ bị chó tấn công rất thương tâm. Nhiều khi trẻ bị tấn công bởi chính con chó nuôi trong gia đình hay chó nhà hàng xóm. Điều cha mẹ cần cảnh giác, khi đã nuôi con gì cũng phải đề phòng khả năng bị chúng tấn công, đặc biệt các giống chó có nguồn gốc là chó dữ. Việc chó bỗng dưng tấn công chủ có thể do nhiều nguyên nhân.

GS Huỳnh cho biết, chó nhà đang nuôi hiền lành, chúng bỗng trở nên hung dữ do vài yếu tố tác động nào đó làm thay đổi sinh lý. Con người, kể cả chủ nuôi cũng không thể biết được lúc nào chúng chuẩn bị tấn công.

Nếu nhà nuôi chó, người lớn không để trẻ một mình với chó, luôn phải có sự giám sát chặt chẽ của bố mẹ, đồng thời hướng dẫn trẻ cách chơi đùa với chó một cách an toàn. Cha mẹ cần dạy trẻ không trêu chọc chó, không bao giờ kéo tai hay đuôi nó. Hành động này sẽ khiến cho có cảm giác đang gặp nguy hiểm và phản ứng lại bằng cách cắn, dù đó là người nhà hay người lạ. Tuyệt đối không lấy đồ chơi, thức ăn của chúng. Không bao giờ giả vờ đánh hay đá chúng. Không làm phiền chó khi nó đang ở trong ổ.

Trong gia đình, hãy để ổ của chó ở nơi trẻ không thể lui tới. Không được tự ý tiếp cận, vuốt ve chó ngoài đường. Đây là điều cực kì quan trọng bởi việc vuốt ve đột ngột có thể khiến chú chó giật mình và có những hành động tự vệ. Hãy tìm cách tránh con chó đang gầm gừ, nhe răng hoặc bộ lông dựng đứng….

Ứng phó khi chó tấn công

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, chuyên gia huấn luyện chó nghiệp vụ, Trường Trung cấp 24 Biên phòng, khi thấy chó có dấu hiệu chuẩn bị tấn công, tuyệt đối không nhìn chằm chằm vào mắt chó vì chó có thể hiểu rằng chúng ta đang đối đầu với nó. Hãy đứng yên và thả lỏng tay khi một con chó đi tới và khụt khịt, ngửi chân. Nếu chó đi theo sau, hãy bình tĩnh và đứng yên, giữ tay ở vị trí thấp, siết chặt tay ngay phía trước. Đây là vị trí phòng thủ quan trọng, chó sẽ cho rằng bạn không có ý định làm hại nó. Tuyệt đối không vung tay bởi hành động này sẽ kích thích chó dễ tấn công vào ngực và cổ.

Lưu ý không la hét, bỏ chạy, đánh hay hành động bất ngờ với chó, điều này chỉ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Tất cả những hành động này chỉ mang đến cảm giác bị đe dọa cho chó và sẽ khiến chúng hung hăng hơn. Nếu chạy, con chó sẽ đuổi theo và cắn vì bản năng của nó là săn mồi. Đánh lạc hướng con chó bằng các vật dụng mang theo để chúng nhai như chai nước, đồ chơi, khăn áo… Không vung tay hoặc đá chân để xua đuổi chó vì chó thường phản ứng nhanh với các chuyển động.

Trường hợp bị chó tấn công, cần bảo vệ các bộ phận quan trọng của cơ thể như mặt, ngực và cổ họng của mình vì đây là những nơi các loài chó dữ sẽ nhắm đến theo bản năng của chúng. Ngoài ra, cần nắm chặt tay nếu không muốn ngón tay của mình bị cắn nát. Hãy cuộn tròn như một quả bóng để bảo vệ khuôn mặt và bàn tay nếu một con chó lạ lao vào tấn công.

Các chuyên gia lưu ý, gia đình muốn nuôi chó, hãy triệt sản cho chúng và cho chó tham gia các lớp học. Chó được học để làm theo một số lệnh đơn giản sẽ dễ dàng hơn để trẻ kiểm soát. Tuyệt đối không cho vật nuôi ăn thịt sống vì chúng dễ nhiễm khuẩn và hình thành thói quen ăn thịt, kích thích tính hung hăng ở động vật. Khi bị chó cắn, phải đến cơ sở y tế để xử lý. Tuyệt đối không điều trị chó cắn bằng thuốc nam, không tự chữa… bởi khi đã lên cơn dại, bệnh nhân vô phương cứu chữa.

Nhiều vụ tử vong do chó cắn: Tai họa rình rập mọi nơiNhiều vụ tử vong do chó cắn: Tai họa rình rập mọi nơi

SKĐS - Thời gian qua, dư luận còn chưa hết kinh hoàng về vụ bé trai 6 tuổi bị cả đàn chó lao vào tấn công, cắn xé gây tử vong xảy ra ở Kim Động (Hưng Yên) thì mới đây, tại nhiều địa phương khác lại liên tiếp xảy ra các vụ chó dữ tấn công gây nguy hiểm tính mạng cho nhiều người.


Tô Hội
Ý kiến của bạn