Kiến thức an toàn nước quan trọng hơn kỹ năng
Gần đây, các vụ tử vong do đuối nước ở hồ bơi xảy ra liên tiếp. Theo đó, chiều 22/8, một nam sinh lớp 9A1 của một trường Phổ thông Quốc tế Việt Nam (phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) đã bị tử vong do đuối nước trong giờ học bơi. Ngày 23/8, một học sinh lớp 7 ở Vinh, Nghệ An cũng bị đuối nước tại bể bơi trong một trường THPT trên địa bàn.
Để hiểu rõ hơn nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra gần đây phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với vận động viên kỳ cựu Lương Ngọc Duy - chuyên gia bơi lội ở môi trường nước mở, cố vấn an toàn bơi lội cho nhiều cuộc thi trong và ngoài nước.
Anh Lương Ngọc Duy cho biết, đa số mọi người có thói quen hiểu rằng chỉ cần cho trẻ đi học bơi và biết bơi là yên tâm. Thực tế, kiến thức an toàn nước chứ không phải kỹ năng bơi lội mới là yếu tố hàng đầu để phòng tránh đuối nước. Thế nhưng điều này lại chưa được phổ biến tại Việt Nam. Hiện nay khi tìm kiếm trên mạng từ khóa "kiến thức an toàn nước", kết quả trả về rất... không liên quan. Trong khi đó, nhiều nơi trên thế giới xem đây được xem là một trong những kiến thức bắt buộc và cần phải được đào tạo.
Theo Hội chữ thập đỏ Quốc tế, kiến thức an toàn nước (water safety knowledge/water smart) là một trong ba yếu tố thuộc về năng lực nước (water competency) giúp chúng ta phòng tránh các rủi ro liên quan khi bơi lội. Cụ thể hơn, năng lực nước bao gồm kiến thức an toàn nước, kỹ năng bơi lội và kỹ năng giúp đỡ người khác.
Anh Lương Ngọc Duy cho biết, kiến thức an toàn nước là những biện pháp phòng ngừa hợp lý khi ở gần nước ngay cả khi không có ý định bơi. Theo anh Lương Ngọc Duy, "kiến thức an toàn nước hiểu đơn giản là không xuống nước mà chưa biết các điều kiện an toàn. Những điều kiện này bao gồm: Biết những hạn chế của bản thân, bao gồm thể lực và điều kiện y tế; Không bao giờ bơi một mình, phải có đồng đội hoặc người theo dõi trên bờ; Chỉ bơi trong trạng thái tỉnh táo; Hiểu được sự nguy hiểm của tình trạng mất bình tĩnh khi gặp sự cố; Hiểu và nắm được các các rủi ro đặc thù của môi trường nước tại địa phương".
Đuối nước xảy ra cả với những người có kinh nghiệm bơi lâu năm, sự chủ quan và không tìm hiểu địa hình và môi trường nước đã dẫn đến nhiều sự cố đáng tiếc. Đó là lời giải thích cho lý do tại sao có những người bơi giỏi nhưng vẫn bị đuối nước. Việc thiếu hụt kiến thức về địa hình cũng như dòng chảy này chính là chìa khóa dẫn đến số liệu thống kê về đuối nước rất cao.
Kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước
Trẻ em thường ở trong độ tuổi thích khám phá và không ý thức được nguy hiểm xung quanh mình. Trách nhiệm của mỗi bậc cha mẹ là giữ an toàn cho con mình bất kể tính cách hay hành vi của chúng. Cần phải trang bị đầy đủ thông tin và biện pháp phòng ngừa phù hợp trước khi đưa trẻ đến bất kỳ nơi nào gần một vùng nước lớn, cụ thể là hồ bơi. Nguyên tắc đầu tiên là phải luôn để mắt đến trẻ. Nếu bạn muốn rời khỏi hồ bơi, hãy đưa con bạn theo. Đừng bao giờ nghĩ rằng có người khác đang trông chừng. Đừng để trẻ bơi khi không có người để ý. Phao không thay thế được cho người giám sát.
Nên dạy trẻ học cách thư giãn trong nước và nín thở khi ở dưới nước trong trường hợp khẩn cấp. Sẽ rất hữu ích nếu trẻ có thể học cách lấy hơi và bơi đến thành bể khi bắt đầu đuối nước. Kỹ năng bơi cũng sẽ giúp ích trong trường hợp con bạn xuống hồ bơi mà bạn không biết. Cảnh báo cho con về những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra trong lúc bơi. Trẻ không được tự ý xuống nước nếu bố, mẹ chưa cho phép; Không chạy nhảy, đùa nghịch trên mặt bể bơi đề phòng trơn trượt; Tuyệt đối không được sang bể nước sâu; Không được bơi khi trời giông bão, nắng gắt. Cha mẹ trang bị đầy đủ các vật dụng, thiết bị cần thiết cho bé khi đi bơi: mũ, kính, quần áo bơi, phao bơi…
Trước khi xuống bể, nhất thiết phải khởi động. Chỉ cần dành ra 5 – 10 phút khởi động bằng những bài tập cơ bản sẽ giúp con hạn chế những tình huống rủi ro trong lúc bơi: chuột rút, co cơ… gây nguy hiểm cho bé. Ngoài ra, cũng cần cho con tắm tráng bằng nước ngọt trước và sau khi bơi để vừa bảo vệ nguồn nước chung và vừa bảo vệ bản thân bé tránh các bệnh về da.
Khi nhận thấy trẻ bị đuối nước, phải nhanh chóng đưa con ra khỏi mặt nước. Đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng đãng, hạn chế mọi người vây kín. Quan sát lồng ngực của bé để biết bé còn thở hay không? Nếu trẻ ngừng thở, cần tiến hành nhanh thao tác ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa xương ức. Đồng thời, kết hợp thổi ngạt trong 2 phút rồi kiểm tra xem bé đã thở chưa? Môi có hồng hào khồng? Bé đã có phản ứng gì chưa? Nếu bé không có biểu hiện gì thì tiếp tục các động tác cấp cứu và di chuyển bé đến cơ sở y tế.
Trẻ vẫn thở được và có dấu hiệu nôn ói thì để bé nằm nghiêng một bên để dễ dàng cho các chất nôn thoát ra ngoài. Cởi bỏ quần áo ướt của con và lấy chăn hoặc khăn đắp nên người bé, để giữ hơi ấm cho con. Nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế, ngay cả khi bé có vẻ đã bình thường.
Theo cựu vận động viên Lương Ngọc Duy, Việt Nam hiện nay có ba môi trường nước mở được ưa chuộng cho việc bơi lội đó là biển, sông và hồ, môi trường nước đóng là các bể bơi, trung tâm dạy bơi. Và ở mỗi nơi đều có những rủi ro luôn rình rập từ địa hình, dòng chảy, sóng, nhiệt độ nước chênh lệch, dị vật đến cả thời tiết… Những rủi ro này ở cả ba môi trường là đều tiềm tàng như nhau. Học bơi và trang bị các kỹ năng cần thiết trước khi bơi là điều bắt buộc phải nắm được đối với trẻ nhỏ để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Công Bố Điểm Chuẩn 17 Trường Quân Đội Năm 2023: Cao Nhất 27,97 Điểm | SKĐS