Đây là chia sẻ của PGS. TS Trần Trung Dũng, Phó giám đốc Bv Xanh Pôn, Trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bv Xanh Pôn tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phẫu thuật nội soi và thay khớp vai với các chuyên gia hàng đầu Việt Nam - Thái Lan.
Hội thảo có sự tham dự của PGS. TS Bancha Chernchujit, Khoa chấn thương chỉnh hình Khoa Y dược, Đại học Thammasat, Thái Lan, các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình và y học thể thao là các Giám đốc, Phó giám đốc bệnh viện, các viện, trung tâm có chuyên ngành chấn thương chỉnh hình trên cả nước, cùng gần 100 y bác sĩ, phẫu thuật viên công tác trong lĩnh vực ngoại khoa, chấn thương chỉnh hình và y học thể thao của các bệnh viện Trung ương và các địa phương trên cả nước.
PGS. TS Trần Trung Dũng, Phó giám đốc Bv Xanh Pôn, Trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bv Xanh Pôn
Phát biểu tại buổi hội thảo, PGS. TS Trần Trung Dũng cho biết, đây là cơ hội để các y bác sĩ Việt Nam đang công tác trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình cập nhật những kiến thức, kỹ thuật mới nhất mà thế giới và Việt Nam đang áp dụng, giúp các bác sĩ đưa vào thực hành khám chữa các bệnh, nhất là các bệnh ở khớp vai và nội soi khớp vai.
Khi bị đau khớp vai, người bệnh thường chủ quan không đi khám sớm
Trong các loại khớp thường gặp, người dân thường hay quan tâm tới những khớp như khớp gối, khớp háng khi bị đau hoặc bị chấn thương, còn các khớp thuộc chi trên ít được quan tâm tới, thậm chí nhiều trường hợp cố chịu đau trong một thời gian dài, chỉ đến khi không chịu được mới đi khám bệnh, PGS Dũng cho biết. Hiện nay, cùng với sự phát triển của y học, ngày càng nhiều các trường hợp bị thương tổn ở gân và vùng vai đã được phát hiện sớm.
Nguyên nhân gây ra các thương tổn ở khớp vai thường do bệnh lý thoái hóa xương khớp ở người lớn tuổi, do các tai nạn sinh hoạt , chấn thương khớp vai ở người trẻ chủ yếu liên quan tới các chấn thương do tập thể thao. Trước kia, các bệnh lý ở khớp vai thường dễ bị nhầm lẫn , trong điều trị chỉ chữa triệu chứng là chủ yếu, nhưng nay, nếu bệnh nhân bị tổn thương khớp vai đến sớm, việc điều trị rất hiệu quả, trả lại chức năng vận động bình thường cho người bệnh.
Nội soi khớp vai có tiềm năng phát triển đem lại lợi ích cho người bệnh
Chia sẻ với phóng viên, PGS. TS Bancha Chernchujit, Khoa chấn thương chỉnh hình Khoa Y dược, Đại học Thammasat, Thái Lan cho biết, nội soi nói chung và nội soi khớp vai nói riêng là một kỹ thuật không thể thiếu trong điều trị các bệnh ngoại khoa. Với dân số đông như ở Việt Nam, nội soi khớp vai có cơ hội phát triển trong tương lai, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. “Tôi thấy, các y bác sĩ Việt Nam đã bắt kịp các kỹ thuật nội soi tiên tiến nhất hiện nay và trình độ của y bác sĩ Việt đã tiệm cận với thế giới”, PGS Bancha Chernchujit nói.
PGS. TS Bancha Chernchujit, Khoa chấn thương chỉnh hình Khoa Y dược, Đại học Thammasat, Thái Lan
PGS.TS Trần Trung Dũng cho hay, trong các thương tổn ở khớp vai, nội soi là một trong những biện pháp hiệu quả, giúp người bệnh phục hồi và cải thiện chức năng vận động của vai rất tốt. Với những trường hợp nặng, phức tạp như ung thư xương việc thay khớp giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống rất nhiều.
Phòng các tổn thương ở khớp vai thế nào?
Rất đông học viên là các bác sĩ, phẫu thuật viên của các bệnh viện trung ương và địa phương tới dự buổi hội thảo
PGS.TS Trần Trung Dũng cho rằng, dựa trên những nguyên nhân gây ra các bệnh lý ở khớp vai, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh rất đa dạng, từ người trẻ đến cả những đối tượng trung niên và người già. Tại BV Xanh Pôn, 70% các tổn thương khớp vai gặp ở người trung niên và lớn tuổi. Đây là nhóm đối tượng cần quan tâm , chú ý. Bởi ở những người lớn tuổi, tình trạng thoái hóa khớp, mất xương nhiều hơn so với người trẻ, nên chỉ cần một vận động, tập luyện không đúng cũng rất dễ gặp tai nạn ở khớp vai. Người lớn tuổi cần bổ sung canxi, và các vi chất để dự phòng các bệnh như loãng xương.
Với những đối tượng là người trẻ, thường gặp chấn thương khớp vai chủ yếu do tai nạn, tập luyện thể thao. Nên để phòng chấn thương khớp vai, người tập luyện thể thao nói chung cần khởi động kỹ trước khi tập, tập với cường độ từ nhẹ đến nặng, từ ít đến nhiều, không nên tập dồn dập, quá sức chịu đựng của mình, PGS Dũng khuyên.
PGS Dũng cho biết, nếu không may gặp tai nạn ở vai, hoặc gặp các triệu chứng như sưng, đau, có vận động như bình thường, khó giơ cao hoặc hạ thấp, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám sớm. Nhiều bệnh nhân chịu đau hàng năm trời mà không đi khám , ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Trong khi đó, chỉ cần một phẫu thuật nội soi, có thể đã giúp người bệnh không những thoát khỏi cơn đau mà còn vận động được như lúc chưa mắc bệnh, PGS Dũng nói.
Xem video TS.BS.Tăng Hà Nam Anh Trưởng khoa CTCH bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Thành phố Hồ Chí Minh; Giám đốc trung tâm phẫu thuật thực nghiệm – Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về kỹ thuật khâu chóp xoay.