Chuyên gia CDC: PrEP có lợi ích rất quan trọng trong dự phòng HIV, đặc biệt với người nguy cơ cao

06-10-2023 10:36 | Y tế
google news

SKĐS - ThS.BS. Hoàng Nam Thái - Phó trưởng nhóm Chương trình dịch vụ Lao/HIV, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam cho biết, PrEP có lợi ích rất quan trọng trong dự phòng HIV, đặc biệt với những người có nguy cơ cao nhiễm HIV.

Đồng thời ông nhấn mạnh tầm quan trọng của tuân thủ điều trị PrEP để tăng cường hiệu quả dự phòng.

- Thưa ThS.BS Hoàng Nam Thái, năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia cần triển khai cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho nhóm quần thể có nguy cơ cao nhiễm HIV. Xin hỏi ông, tại sao WHO lại đưa ra khuyến cáo như vậy? Và việc sử dụng PrEP có lợi ích như thế nào đối với việc phòng ngừa lây nhiễm HIV?

ThS.BS Hoàng Nam Thái: Năm 2005, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc PrEP uống đầu tiên trên thế giới được thực hiện tại Bangkok, Thái Lan cho người tiêm chích ma túy cho thấy hiệu quả bảo vệ gần 50%. Sau đó, một loạt các nghiên cứu lâm sàng khác được thực hiện trên các nhóm nguy cơ khác gồm nam quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới nữ, bạn tình âm tính của người sống chung với HIV đều cho kết quả dự phòng hiệu quả. Dựa trên những bằng chứng đó, năm 2012, Tổ chức Y tế Thế giới đã bổ sung PrEP như là một lựa chọn bổ sung cho dự phòng HIV cho bạn tình âm tính của người sống chung với HIV.

Trong giai đoạn 2012 đến 2014, một số nghiên cứu quan sát thực hiện với nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới củng cố thêm các bằng chứng hiệu quả dự phòng nên năm 2015, Tổ chức Y tế thế giới đã ban hành hướng dẫn điều trị dự phòng HIV bằng PrEP cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.

Đến năm 2016, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo điều trị dự phòng PrEP cho tất cả các nhóm nguy cơ, bao gồm, nam quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới nữ, người tiêm chích ma túy, phụ nữ mại dâm và khách hàng trẻ tuổi.

Chuyên gia CDC: PrEP có lợi ích rất quan trọng trong dự phòng HIV, đặc biệt với người nguy cơ cao - Ảnh 1.

ThS.BS. Hoàng Nam Thái - Phó trưởng nhóm Chương trình dịch vụ Lao/HIV, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam.

- Hiện tại có bao nhiêu mô hình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP trên thế giới và hiệu quả của chúng như thế nào?

ThS.BS Hoàng Nam Thái: Trên thế giới hiện nay có rất nhiều mô hình cung cấp dịch vụ PrEP khác nhau có hiệu quả trong việc thu hút khách hàng và duy trì khách hàng điều trị PrEP. Phổ biến nhất trong các mô hình điều trị PrEP là dịch vụ lồng ghép với các cơ sở y tế. Nhưng để mang dịch vụ đến gần hơn với khách hàng và duy trì điều trị PrEP, nhiều mô hình khác nhau đã được triển khai bổ sung.

Nổi bật có thể kể đến dịch vụ PrEP tại nhà tại San Francisco, Hoa Kỳ, dịch vụ PrEP từ xa tại rất nhiều nước trên thế giới trong đó test tự xét nghiệm HIV được sử dụng như là căn cứ để duy trì điều trị. Dịch vụ PrEP lưu động mang dịch vụ xuống tận cộng đồng cung cấp cho khách hàng, đặc biệt những người không thể trực tiếp đến cơ sở y tế để sử dụng dịch vụ.

Tại các nước châu Phi như Kenya, Nam Phi, PrEP còn được cung cấp qua nhà thuốc, khách hàng đến mua thuốc được mời tham gia PrEP, sử dụng test tự xét nghiệm tại nhà thuốc và dược sĩ chỉ định điều trị PrEP cho khách hàng.

Các mô hình đều có đặc điểm chung là dựa trên nền tảng trực tuyến. Mô hình đa dạng giúp tăng tiếp nhận, sử dụng dịch vụ và duy trì điều trị trong các nhóm MSM/TG và khách hàng vị thành niên.

Ngoài thuốc PrEP sử dụng bằng đường uống, hiện nay, trên thế giới đã có thuốc PrEP dạng tiêm. Khách hàng tiêm mũi 1 và mũi 2 cách nhau 1 tháng, sau đó mỗi 2 tháng tiêm một lần. Thuốc này cũng đã được chứng minh có hiệu quả và được WHO khuyến nghị. Việt Nam đang có kế hoạch triển khai loại hình điều trị này sớm. Nếu kế hoạch được phê duyệt, Việt Nam có thể là nước đầu tiên trong khu vực triển khai loại hình điều trị mới này.

- Mới đây, Lực lượng đặc nhiệm dịch vụ phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (USPSTF) đã công bố các khuyến nghị mới về phòng ngừa HIV, mở rộng khả năng tiếp cận với PrEP. Ông có thể chia sẻ cho khán giả biết rõ hơn về vấn đề này?

ThS.BS Hoàng Nam Thái: Khuyến nghị này được thông qua tháng 8 năm 2023. Khuyến nghị này nhấn mạnh rằng PrEP có lợi ích rất quan trọng trong dự phòng HIV, đặc biệt với những người có nguy cơ cao nhiễm HIV. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của tuân thủ điều trị PrEP để tăng cường hiệu quả dự phòng. Khuyến nghị của lực lượng này cũng khẳng định thêm lần nữa rằng: PrEP có rất ít tác dụng phụ.

Chuyên gia CDC: PrEP có lợi ích rất quan trọng trong dự phòng HIV, đặc biệt với người nguy cơ cao - Ảnh 3.

PrEP có lợi ích rất quan trọng trong dự phòng HIV, đặc biệt với những người có nguy cơ cao nhiễm HIV.

- Hiện nay có rào cản và thách thức gì đối với khách hàng tiếp cận dịch vụ PrEP, đặc biệt là đối với nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Chuyên gia có lời khuyên nào đối với khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV nhưng lại chưa sẵn sàng tiếp cận với dịch vụ PrEP?

ThS.BS Hoàng Nam Thái: Theo tôi hiện nay còn tồn tại một số rào cản đối với nhóm MSM trong tiếp cận dịch vụ PrEP. Trong đó, có thể kể đến như thiếu thông tin, kiến thức về nguy cơ lây nhiễm HIV và dịch vụ dự phòng PrEP; lo ngại bị lộ thông tin và lo ngại bị kỳ thị nếu sử dụng PrEP; lo ngại bị bạn tình bạo lực nếu sử dụng PrEP.

Ngoài ra, với các bạn là công nhân, đang làm việc tại nhà máy, khu công nghiệp, khó tiếp cận với dịch vụ PrEP nếu dịch vụ chỉ được cung cấp tại cơ sở y tế trong giờ hành chính. Để vượt qua được những rào cản này, từ phía chương trình, cần đẩy mạnh truyền thông về HIV và tạo cầu cho dịch vụ PrEP cho các bạn trẻ như học sinh, sinh viên, công nhân lao động. Đồng thời nêu bật lợi ích của PrEP, gồm lợi ích ngắn hạn và dài hạn. Từ đó, tạo thêm động lực cho các bạn trẻ có thể tham gia.

Ngoài ra cũng cần thực hiện giáo dục giới tính để giảm kỳ thị với nhóm MSM, góp phần giúp các bạn tự tin hơn trong tiếp cận dịch vụ PrEP.

- Xin trân trọng cảm ơn ThS.BS Hoàng Nam Thái.

Truyền hình trực tuyến: Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV/AIDS (PrEP)Truyền hình trực tuyến: Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV/AIDS (PrEP)

SKĐS - Báo điện tử Sức khỏe & Đời sống phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tổ chức chương trình Truyền hình trực tuyến với chủ đề "Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV/AIDS (PrEP)" vào lúc 10h ngày 6/10/2023.


Dương Hải
Ý kiến của bạn