Chuyên gia cảnh báo nguy hiểm khi người mắc phổi tắc nghẽn mạn tính tự ý bỏ thuốc điều trị

15-09-2019 20:28 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Phổi tắc nghẽn mạn tính xếp thứ 4 trong các nguyên nhân gây tử vong toàn cầu. Tại Việt Nam, hơn 4% dân số trên 40 tuổi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, chủ yếu ở nam giới.

 

Bà Lê Thị Phương Nga (60 tuổi, ở Bắc Giang), mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đã nhiều năm nay, tuy nhiên khoảng 2 năm trở lại đây, bà thường xuyên phải nhập viện do không tuân thủ điều trị. Bà Nga cùng người thân đến Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, khám COPD, ngày 14/9.

Chương trình khám, tư vấn, phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính diễn ra ngày 14/9 đã thăm khám cho 321 người bệnh, đo chức năng hô hấp cho 313 người, phát 252 hộp thuốc cho bệnh nhân bị tắc nghẹn mạn tính.

BSCK II Chu Thị Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm hô hấp- Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bà Nga là một trong rất nhiều bệnh nhân mắc COPD tự ý điều trị hoặc bỏ dở điều trị, không tuân thủ phác đồ của bác sĩ, dùng sai thuốc. "Điều này khiến bệnh trở nặng, gây ra những cơn đợt cấp, khó thở dẫn đến nguy cơ tử vong cao", BS Chu Thị Hạnh cảnh báo

Phổi tắc nghẽn mạn tính xếp thứ 4 trong các nguyên nhân gây tử vong toàn cầu. Tại Việt Nam, hơn 4% dân số trên 40 tuổi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, chủ yếu ở nam giới. Nhiều người bệnh phải thở máy.

Các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thuật ngữ y học viết tắt là COPD, là tình trạng bệnh lý với các biểu hiện mạn tính ở phổi. Các triệu chứng thông thường nhất là ho, khạc đàm mạn tính và khó thở kéo dài. Các triệu chứng bệnh tiến triển từ từ tăng dần. Sang giai sau, bệnh nhân ở thể nặng hơn, khó thở thường xuyên hơn, khi gắng sức nhẹ hoặc liên tục.

Ở giai đoạn nặng, bệnh hầu như không hồi phục ngay cả khi được điều trị. Đây là hậu quả của một quá trình viêm mạn tính ở phổi dưới tác động của tình trạng ô nhiễm khí thở, đặc biệt là thuốc lá. Bên cạnh đó là các tác nhân ô nhiễm môi trường, khói đốt trong nhà do đun nấu củi, than đá, tiếp xúc khói, bụi, hóa chất nghề nghiệp... COPD có thể dự phòng và điều trị, song người bệnh khó cách ly hoàn toàn khỏi các yếu tố nguy cơ này.

BSCK II Chu Thị Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm hô hấp thăm khám và tư vấn dùng thuốc đúng chỉ định cho bệnh nhân

Theo các chuyên gia, ô nhiễm khí thở mà trong đó đặc biệt là thuốc lá là nguyên nhân chính của bệnh. Khói thuốc lá với khả năng oxy hóa mạnh và kích thích phản ứng viêm dẫn đến phá hủy cấu trúc phổi dưới tác động của các men phân hủy protein. Các triệu chứng ban đầu xuất hiện thường sau 20 năm hút thuốc (tức là khi bệnh nhân ở khoảng 40 tuổi) bằng: ho, khạc đàm, giảm chức năng hô hấp (bệnh nhân không thể làm việc hay gắng sức được vì cảm giác mệt).

Khoảng 30 năm hút thuốc thì sẽ xuất hiện triệu chứng khó thở. Tình trạng khó thở tăng dần, không hồi phục. Đồng thời người bệnh có các biểu hiện toàn thân như teo cơ, loãng xương, các biến chứng tim mạch… Giai đoạn cuối người bệnh thường trong tình trạng tàn phế do suy hô hấp và tử vong.

COPD có thể dự phòng và điều trị, song người bệnh khó cách ly hoàn toàn khỏi các yếu tố nguy cơ này. Bệnh phát triển khá âm thầm, những triệu chứng lâm sàng của bệnh thường dễ gây nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác như khó thở, ho mạn tính hoặc tăng tiết đờm. Chỉ khi có những cơn đợt cấp, khó thở nặng, người bệnh mới đi khám và phát hiện bệnh.

Tình trạng của bệnh nhân có thể xấu đi khi mắc phải các đợt kịch phát. "Đa số bệnh nhân khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, tắc nghẽn đường thở tiến triển nặng khiến việc điều trị khó khăn, tốn kém", BS Hạnh nói.

Thậm chí, khi biết bệnh nhưng bệnh nhân không tuân thủ điều trị, dùng sai thuốc giữa thuốc cắt cơn và thuốc dự phòng, sử dụng kỹ thuật bình xịt, hút sai dẫn đến hiệu quả chữa bệnh thấp.

Bệnh nhân COPD khi lên cơn đợt cấp sẽ dẫn đến khó thở nặng, phải đặt nội khí quản, thở máy ngay. Ngoài ra, họ thường mắc phải tình trạng đi kèm như suy nhược, suy giảm chức năng cơ xương, hội chứng chuyển hóa, loãng xương, trầm cảm và ung thư phổi.

Bác sĩ Hạnh cho biết kiểm soát liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ định điều trị từ bác sĩ là rất quan trọng. Bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc, bỏ điều trị, cần tái khám đầy đủ. Ngoài ra, người bệnh không được hút thuốc, tránh tiếp xúc với bụi, khói, tránh hoạt động thể lực quá sức và đặc biệt là giữ môi trường sống trong lành, duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp, đảm bảo đủ lượng nước; tránh các bệnh đường tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy

Đồng thời, tránh những thay đổi đột ngột tới người bệnh như thay đổi thời tiết, thay đổi cảm xúc – tâm lý; dự phòng nhiễm khuẩn phổi.

Vì bệnh có liên quan trực tiếp đến việc hút thuốc lá và các yếu tố trong môi trường bị ô nhiễm nên người bệnh tuyệt đối không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh khói thuốc và khói bụi; Cuối cùng, biết cách phát hiện những dấu hiệu của đợt cấp COPD để khẩn trương đưa người bệnh vào viện..

 

 Những người có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau cần đi khám để phát hiện bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:


Hút thuốc lá, thuốc lào > 10 năm;

Trực tiếp đun bếp (than, củi, rơm, rạ) trên 30 năm;

Tiếp xúc khói, bụi, hóa chất nghề nghiệp;

Khó thở nặng dần theo thời gian;

Ho liên tục nhiều tháng, nhiều năm;

Thường xuyên khạc đờm vào buổi sáng;

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn