Những sai lầm trong dự phòng, điều trị hen
Bệnh nhân Nguyễn Thị Mai, 55 tuổi ở Sóc Sơn – Hà Nội điều trị hen đã hơn 15 năm nay, tuy nhiên khoảng vài năm nay bà đã lơ là việc dùng thuốc dự phòng và kiểm soát hen mà bà thường xuyên dùng thuốc cắt cơn mỗi khi khó thở.
Kể với bác sĩ, bà Mai cho hay “do thuốc cắt cơn có hiệu quả nhanh với mỗi lần lên cợn khó thở của mình nên tôi nghĩ không cần dùng đến thuốc dự phòng và kiểm soát hen mà chỉ cần thuốc cắt cơn là đủ. Mỗi lần lên cơn khó thở tôi cứ xịt liên tục vài nhát xong lại thôi. Tuy nhiên thời gian gần đây cơn khó thở của tôi xuất hiện nhiều hơn”
Bác sĩ đang tư vấn cách sử dụng thuốc cắt cơn trong điều trị hen cho bệnh nhân đến khám tại chương trình
Qua thăm khám cho bà Mai, bác sĩ của Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai đã tư vấn bà Mai phải dùng thuốc dự phòng và kiểm soát hen hàng ngày, để tránh những đợt khó thở liên tục và đợt hen cấp, chỉ dùng thuốc cắt cơn trong trường hợp khó thở và chỉ xịt mỗi lần 2 nhát. Nếu bà cứ lạm dụng thuốc cắt cơn sẽ dẫn đến tình trạng bị "trơ", rất nguy hiểm đến sức khoẻ.
Một trường hợp khác là bé Mai Lâm 10 tuổi ở Hà Nội, mẹ bé cho bác sĩ biết đã dùng một loại bình xịt dự phòng cho bé theo hướng dẫn, tuy nhiên thời gian gần đây bé vẫn lên cơn hen cấp, thậm chí còn phải nhập viện. Tuy nhiên, khi hỏi kỹ mẹ bệnh nhân, bác sĩ cho biết gia đình đã cho bé Lâm dùng loại bình xịt dự phòng không phù hợp, đồng thời việc sử dụng thuốc dự phòng cũng chưa được đầy đủ...
Theo các bác sĩ của Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, việc bà tự ý bỏ thuốc dự phòng va kiểm soát hen hay dùng “vô tội vạ” thuốc cắt cơn khó thở, dùng thuốc dự phòng không phù hợp... như bà Mai hay bé Lâm là sai lầm phổ biến mà nhiều bệnh nhân hen đang mắc phải.
Bà Mai và bé Lâm là hai trong số hàng trăm người dân khu vực Hà Nội và một số tỉnh lân cận đã tới BV Bạch Mai để khám, tư vấn và được phát thuốc miễn phí bệnh hen phế quản trong ngày 30/11. Đây là lần thứ 2 trong năm 2019, Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai tổ chức khám, tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí cho người bệnh hen phế quản.
Kiểm soát hen tốt, bệnh nhân có cơ hội sống bình thường
Đông đảo người dân đến đăng ký khám tại chương trình
Các chuyên gia cho biết, hen là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam, có xu hướng ngày càng gia tăng. Tỷ lệ mắc hen tại nước ta ước tính khoảng 4% dân số, tương đương với gần 3,7 triệu bệnh nhân. Tỷ lệ kiểm soát bệnh hen chỉ gần 40%, thấp hơn quy luật một nửa trên toàn thế giới trong việc kiểm soát bệnh tật nói chung.
Mỗi năm nước ta có khoảng 3.000 ca tử vong do hen. Trong khi đó có đến 85% trường hợp có thể phòng tránh được nếu bệnh phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Thực tế nhiều bệnh nhân hen phải vào viện cấp cứu vì các đợt cấp thay vì điều trị duy trì. Các thuốc cắt cơn rẻ tiền, tác dụng nhanh nên bệnh nhân thích dùng hơn là các thuốc kiểm soát hen, tỷ lệ lạm dụng thuốc cắt cơn còn cao. Nhận thức về bệnh còn thấp, tuân thủ điều trị chưa cao.
Bệnh hen gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh, gia đình và xã hội. Tỉ lệ tử vong do bệnh hen còn cao mặc dù đã có thuốc điều trị, kiểm soát hiệu quả. Chi phí cho việc chăm sóc bệnh hen rất tốn kém, đặc biệt là chi phí nằm viện, cấp cứu, mất việc làm, nghỉ học do cơn hen cấp. Trong khi đó, người bệnh chưa hiểu được hết giá trị của việc dự phòng hen phế quản dù đây là bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được, bệnh nhân sẽ có cơ hội sống bình thường nếu được kiểm soát tốt.
Trao đổi với phóng viên tại buổi khám, TS.BS Phạm Huy Thông, Phó giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng cho hay, hiện chưa điều trị khỏi hẳn bệnh hen, nhưng có thể kiểm soát hen nghĩa là dùng thuốc hằng ngày, liều thấp, tác dụng tại chỗ, ít tác dụng phụ.
“Không điều trị bệnh nhân hen có thể xuất hiện các cơn cấp, quá nặng sẽ tử vong. Nếu không có cơn cấp tử vong thì chức năng phổi dần dần sẽ mất đi, đến một giai đoạn nào đó bệnh nhân sẽ mất chức năng phổi không thể hồi phục”- TS Thông chia sẻ.
Khi bệnh hen được điều trị kiểm soát tốt, bệnh nhân có thể học tập, làm việc, chơi thể thao bình thường, tránh được hầu hết các cơn hen kịch phát, duy trì được chức năng phổi bình thường. Khi bệnh nhân có cơn khó thở, cấp cứu kịp thời có thể cứu được nhưng cũng có những trường hợp nặng có thể tử vong.
Đo đường thở cho bệnh nhân đến khám hen tại chương trình
Theo TS Thông, trẻ từ 3 tuổi trở lên có thể mắc hen, tuy nhiên nhóm bệnh này 90% đến giai đoạn vị thành niên sẽ khỏi bệnh hoàn toàn, không phải dùng thuốc nhưng một tỷ lệ khá lớn trong số này khi đến tuổi cao thì bệnh quay trở lại. Cũng có một tỷ lệ nhỏ bị bệnh hen từ nhỏ đến hết cuộc đời vì không được chẩn đoán, điều trị.
Trong các bệnh nhân hen, các chuyên gia tìm thấy 13 yếu tố gây kích phát cơn hen ở bệnh nhân, gồm: Gắng sức, thay đổi thời tiết, viêm đường hô hấp, Khói (khói thuốc lá, khói than), nhiễm lạnh, hóa chất, bụi nhà, bụi công nghiệp, tiếp xúc vật nuôi, cảm xúc, thuốc, thức ăn, liên quan thai nghén.
Trong đó các yếu tố gây tác động cơn hen nhiều nhất là thay đổi thời tiết (85,2%), gắng sức (gần 70%), nhiễm lạnh (53,2%), viêm đường hô hấp…
Bệnh nhân hen cũng thường mắc các bệnh dị ứng kèm theo như viêm mũi dị ứng, mề đay, dị ứng thức ăn, viêm kết mạc dị ứng, viêm da cơ địa…
Để tránh cơn hen, người bệnh cần tránh các yếu tố nguy cơ gây hen như phấn hoa, lông súc vật nuôi, ảnh hưởng của thời tiết, nhiệt độ nóng-lạnh, ảnh hưởng của gắng sức. Đồng thời đi khám để có thuốc điều trị hen, tuân thủ phác đồ điều trị.
Bệnh nhân hen cần đi khám ít nhất 4 lần trong năm, đi khám cả khi bệnh nhân cảm thấy không có vấn đề gì về đường thở.
Dấu hiệu nghĩ đến hen, giai đoạn đầu có 4 triệu chứng chính. Bệnh nhân có biểu hiện ho, khò khè, nặng ngực, khó thở cần nghĩ đến bệnh hen, đi khám ngay để được kiểm soát dự phòng bệnh.