Chuyên gia cảnh báo nguy cơ tai biến, đột quỵ do hẹp động mạch cảnh

20-12-2023 19:01 | Y tế

SKĐS - Đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 sau ung thư và tim mạch, 55% số ca sống sót để lại di chứng và 30% trở thành sống phụ thuộc. 80% đột quỵ do nhồi máu não, trong đó 25- 35% nhồi máu não liên quan tới bệnh lý hẹp động mạch cảnh ngoài sọ.

Hẹp động mạch cảnh là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não. Bệnh có thể sàng lọc phát hiện sớm, tránh nguy hiểm tính mạng. Nhưng nhiều trường hợp có biểu hiện âm thầm nên dễ bị bỏ qua khi khám sức khỏe. Cứ vào mùa lạnh, số người cao tuổi bị tai biến do hẹp động mạch cảnh lại tăng cao... Do đó cần phải quản lý tốt các nguy cơ gây bệnh tim mạch, trong đó có hẹp động mạch cảnh- hiểm họa thầm lặng gây đột quỵ não.

Chuyên gia cảnh báo nguy cơ tai biến, đột quỵ do hẹp động mạch cảnh- Ảnh 1.

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và các thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai chúc mừng bệnh nhân thứ 200 đã được phẫu thuật thành công.

TS.BS Ngô Gia Khánh – Trưởng khoa Phẫu thuật Lồng ngực và Mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai đã nhấn mạnh những thông tin trên khi trao đổi với báo chí ngày 20/12 về trường hợp bệnh hẹp động mạch cảnh thứ 200 được điều trị hiệu quả tại Bệnh viện Bạch Mai.

65% bệnh hẹp động mạch cảnh có triệu chứng tai biến mạch máu não

Theo TS.BS Ngô Gia Khánh, trường hợp bệnh nhân trên là nam giới 65 tuổi ở Nam Định có tiền sử tăng huyết áp, mỡ máu, nhập viện trong tình trạng đau đầu nhiều, hoa mắt, chóng mặt. Khai thác thông tin cho biết, cách đây 3 năm, bệnh nhân đã từng bị tai biến nhẹ, không để lại di chứng gì. Sau đó, có đi kiểm tra ở tuyến dưới nhưng không phát hiện. Cho đến khi vào bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ khám thấy hẹp động mạch cảnh cả 2 bên tới 90%, nếu không được xử lý sớm thì sẽ gây đột quỵ bất cứ lúc nào.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã đưa ra phương án điều trị cho nam bệnh nhân bằng phương pháp ưu tiên cho trường hợp nặng là phẫu thuật, xử lý chỗ xơ vữa gây hẹp động mạch, loại bỏ mảng xơ vữa mạch cảnh bên trái. "Đến hôm nay, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và được ra viện, hẹn 2 tuần sau đến để thực hiện phẫu thuật tiếp bên phải"- TS Khánh thông tin.

Chuyên gia cảnh báo nguy cơ tai biến, đột quỵ do hẹp động mạch cảnh- Ảnh 2.

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Đến chúc mừng và chia tay người bệnh về với gia đình, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai mong người bệnh tiếp tục giữ gìn sức khỏe để 'sống vui, sống khoẻ' tuổi già.

Cùng đó, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng chúc mừng TS Khánh và tập thể Khoa Phẫu thuật lồng ngực tuy còn non trẻ nhưng với tinh thần nỗ lực, ham học hỏi, trau dồi về chuyên môn đã tự tin triển khai được nhiều kỹ thuật khó, cứu sống nhiều người bệnh hiểm nghèo.

"Người bệnh khi đến Bệnh viện Bạch Mai điều trị yên tâm vì có sự phối hợp đa chuyên khoa trong hội chẩn, điều trị. Nếu như cách đây khoảng 10 năm trước nhiều ca bệnh khó như trường hợp bệnh nhân này khi đến Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi đều phải chuyển viện thì 5 năm trở lại đây đặc biệt từ giai đoạn 2021 đến nay, các thầy thuốc của bệnh viện đã thực hiện thành công, hiệu quả nhiều kỹ thuật khó, cao trong phẫu thuật các bệnh khó, hiểm nghèo"- PGS.TS Đào Xuân Cơ nói.

TS.BS Ngô Gia Khánh thông tin thêm, trong ba năm qua, từ 2021 - 2023, Khoa Phẫu thuật Lồng ngực và Mạch máu đã phẫu thuật cho 200 bệnh nhân được chẩn đoán hẹp động mạch cảnh. Theo số liệu thống kê, độ tuổi trung bình của các bệnh nhân là 70 tuổi, trong đó 80% là bệnh nhân nam. Các bệnh nhân này thường có các bệnh lý phối hợp gồm: Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… Các bệnh nhân này cũng có các bệnh mạch máu phối hợp như bệnh mạch vành, bệnh động mạch chi dưới, bệnh động mạch thân, bệnh động mạch chủ.

Chuyên gia cảnh báo nguy cơ tai biến, đột quỵ do hẹp động mạch cảnh- Ảnh 3.

TS Ngô Gia Khánh thăm khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện.

Báo cáo cũng ghi nhận trong số 200 bệnh nhân trên có 65% bệnh nhân nhập viện có triệu chứng tai biến mạch não và tai biến thoáng qua, 35% không có triệu chứng gì.

Phòng bệnh động mạch cảnh cách nào?

Theo TS Khánh, hẹp động mạch cảnh là bệnh lý khá phổ biến, đặc biệt là ở những người già lớn tuổi hoặc có bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, sử dụng thuốc lá, rượu bia….Bệnh thường diễn biến âm thầm và đến khi phải nhập viện thì thường đã xuất hiện đột quỵ.

Tùy từng mức độ, giai đoạn bệnh mà có phương pháp điều trị phù hợp. Nếu ở giai đoạn nhẹ thì chỉ cần điều trị nội khoa, uống thuốc và theo dõi thường xuyên. Giai đoạn tối cấp hay cấp tính sẽ điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết hoặc lấy huyết khối cơ học. Để xử lý mảng xơ vữa động mạch cảnh (giai đoạn bán cấp và mạn tính) có 2 phương pháp là nong đặt stent và phẫu thuật để bóc mảng xơ vữa.

TS Khánh nhấn mạnh việc tầm soát bệnh lý động mạch cảnh là bắt buộc đối với bệnh nhân đối tượng nguy cơ cao và phát hiện sớm điều trị kiểm soát bệnh lý động mạch cảnh và chỉ định can thiệp ở thời điểm thích hợp là yếu tố quyết định ngăn ngừa đột quỵ. Phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh là lựa chọn ưu tiên đối với những bệnh nhân hẹp nặng động mạch cảnh hoặc hẹp động mạch cảnh đã có tai biến.

"Phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ mảng xơ vữa là nguyên nhân gây hẹp mạch cảnh ở người bệnh. Mục đích phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh làm giảm nguy cơ đột quỵ ở những người có động mạch cảnh bị hẹp nghiêm trọng"- TS Khánh khẳng định.

Chuyên gia cảnh báo nguy cơ tai biến, đột quỵ do hẹp động mạch cảnh- Ảnh 4.
Chuyên gia cảnh báo nguy cơ tai biến, đột quỵ do hẹp động mạch cảnh- Ảnh 5.
Chuyên gia cảnh báo nguy cơ tai biến, đột quỵ do hẹp động mạch cảnh- Ảnh 6.

TS.BS Võ Hồng Khôi, Giám đốc Trung tâm Thần kinh; PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ và PGS.TS.Nguyễn Ngọc Quang tân Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia tại buổi chia sẻ thông tin.

Chuyên gia cũng lưu ý để phòng bệnh hẹp động mạch cảnh, cần tập trung các yếu tố nguy cơ cơ bản của bệnh này, như kiểm soát tăng huyết áp, kiểm soát rối loạn lipid máu, điều trị và kiểm soát đường máu cũng như chế độ giảm cân; cùng đó thay đổi lối sống như bỏ hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia, tăng cường vận động thể lực và có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

"Đối với tai biến mạch máu não, chúng ta cần tập trung ngăn ngừa hàng đầu là kiểm soát tăng huyết áp; sau đó là kiểm soát lipid máu và dùng thuốc để duy trì ổn định"- TS Khánh nói.

Trời rét đậm, bệnh nhân đột quỵ, tim mạch, bệnh lý thần kinh tăng 10-15%

TS.BS Võ Hồng Khôi, Giám đốc Trung tâm Thần kinh (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, mấy ngày trời trở lạnh, các bệnh nhân vào cấp cứu tại Trung tâm cấp cứu A9, Trung tâm đột quỵ, Trung tâm thần kinh đều tăng lên.

"Thời tiết lạnh không chỉ ảnh hưởng đến bệnh nhân lớn tuổi, mà kể cả người trẻ. Các bệnh nhân không chỉ bị đột quỵ, tim mạch, mà mắc các bệnh lý khác như đột quỵ não, bệnh lý thần kinh, đặc biệt bệnh nhân nặng ở tuyến dưới chuyển lên, khiến toàn bệnh viện đều quá tải", TS Khôi thông tin.

Theo chuyên gia này, số bệnh nhân nhập viện tăng ít nhất 10-15%. Như tại Trung tâm thần kinh, bình thường 30-50 bệnh nhân vào một ngày, đêm. Trong đợt lạnh này, ngày nào cũng trên 50 ca vào viện, có ngày 60-70. Bệnh nhân mắc đa bệnh lý, từ đột quỵ não, chảy máu dưới nhện, huyết khối tĩnh mạch não, viêm não tự miễn, viêm não virus, bệnh lý nhiễm trùng, thần kinh... Có ca trực phải 12 y bác sĩ trực nhưng vẫn quay cuồng với bệnh nhân đông.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, trong khoảng thời gian vàng từ 3-4 giờ đầu sau khi khởi phát đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời thì cơ hội sống sót và phục hồi rất cao.

Trong khi đó, điều trị muộn, không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết. Thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong.

Vì thế, khi xuất hiện các dấu hiệu như đột ngột nói khó, liệt ½ người, nhìn mờ 1 bên mắt, liệt nửa mặt…thì gia đình chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Cải tiến chất lượng đã trở thành phong trào trong hệ thống khám, chữa bệnhCải tiến chất lượng đã trở thành phong trào trong hệ thống khám, chữa bệnh

SKĐS - Sau 10 năm triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện theo 83 tiêu chí, công tác quản lý chất lượng bệnh viện đã tạo ra phong trào thi đua trong toàn hệ thống khám, chữa bệnh với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm, an toàn và chất lượng bệnh viện...

Thái Bình/ Ảnh: Minh Quyết
Ý kiến của bạn