Ngày 24/2, chia sẻ với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống về việc trên các trang mạng xã hội người dân đua nhau tìm mua các sản phẩm thuốc y học cổ truyền điều trị COVID-19, PGS.TS. Nguyễn Thế Thịnh – Cục trưởng Cục quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế chưa cấp phép cho bất kỳ một sản phẩm thuốc y học cổ truyền nào để trị COVID-19.
Vì vậy, theo Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, các sản phẩm hiện nay có trên thị trường mà quảng cáo, ghi chỉ định điều trị COVID-19 đều là các sản phẩm chưa được cấp phép, thậm chí là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Người dân tuyệt đối không tìm mua các sản phẩm này, vì có thể mua phải thuốc giả gây nhiều hệ lụy tới sức khỏe.
"Một số sản phẩm thuốc cổ truyền đã nộp hồ sơ đăng ký cấp phép về Bộ Y tế, với chỉ định liên quan đến điều trị COVID-19, các hồ sơ này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, thẩm định", PGS Thịnh cho hay.
Về việc sử dụng các phương pháp y học cổ truyền phòng, chống COVID-19 được người dân ưa chuộng sử dụng hiện nay, PGS.TS. Nguyễn Thế Thịnh khuyến cáo, người dân nên làm theo đúng "Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch COVID-19" tại Quyết 4539/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 25/09/2021.
Đặc biệt, người bệnh COVID-19 chỉ nên sử dụng các loại dược liệu, tinh dầu để xông phòng ở, nơi làm việc hoặc sử dụng các dung dịch có nguồn gốc từ dược liệu, thuốc cổ truyền để súc họng, xịt, xông mũi họng nhằm làm sạch đường hô hấp trên. Tuyệt đối không xông toàn thân, không xông trực tiếp vào người, không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu.
Trong các đợt bùng phát dịch trước, nhiều bệnh nhân COVID-19 đã lạm dụng việc xông toàn thân nhiều lần khi đang mắc COVID-19 khiến bệnh diễn biến nặng hơn.
Trong thời gian tới, PGS. TS. Nguyễn Thế Thịnh cho biết, Cục quản lý Y dược cổ truyền Bộ Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiến hành những nghiên cứu khoa học cụ thể để bổ sung, cập nhật cho Hướng dẫn 4539 phù hợp thực tế. Cụ thể như: Nghiên cứu các hộ gia đình có sử dụng phương pháp xông có tỉ lệ lây nhiễm ra sao, tỉ lệ giảm các triệu chứng thế nào… so với các hộ gia đình không dùng phương pháp xông.
Cũng như sẽ nghiên cứu để cập nhật, bổ sung hướng dẫn người bệnh cách xông mũi, họng cụ thể như thế nào có hiệu quả, phương pháp thực hiện, thời gian thực hiện… Triển khai nghiên cứu sâu về các loại thuốc y học cổ truyền dùng cho F0 nhẹ và vừa, F0 điều trị tại nhà, cho F0 là trẻ em và đặc biệt là sử dụng điều trị các triệu chứng do hậu COVID -19…
PGS.TS. Nguyễn Thế Thịnh cũng lưu ý thêm, nếu muốn điều trị bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền thì người dân nên liên hệ các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền, hoặc các bệnh viên có chuyên khoa y học cổ truyền để được các thầy thuốc y học cổ truyền thăm khám trực tiếp hoặc tư vấn điều trị cho từng trường hợp cụ thể, tránh việc tự ý tìm mua các sản phẩm y học cổ truyền chưa được cấp phép, trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ mà tổn hại sức khỏe, thiệt hại về kinh tế, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Khi tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cần lưu ý điều gì?