Sương mù dày đặc cảnh báo không khí ô nhiễm
Vào những ngày cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhiều trạm quan trắc, ứng dụng đo lường chất lượng không khí Hà Nội liên tục cho kết quả ở mức xấu. Theo thông tin từ ứng dụng IQAir ghi nhận mức ô nhiễm không khí Hà Nội cao thứ 3 trên thế giới, ở mức 216, rất nguy hại cho sức khỏe của con người.
Trong ngày 5/1, cả hai thành phố Hà Nội và TP.HCM ghi nhận là ngày ô nhiễm nhất trong tuần. 3 ngày trước tại Hà Nội, mức độ ô nhiễm không khí giảm dần từ 156 xuống 104 µm/m3 và TP.HCM từ 164 xuống dưới 100 µm/m3. Mặc dù dự kiến giảm nhưng vẫn ở mức không lành mạnh.
Sáng 6/1, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM không được cải thiện đáng kể khi chỉ số ô nhiễm không khí ở hầu khắp các khu vực có mức cảnh báo màu đỏ hoặc màu cam, một số nơi màu tím. Chỉ số AQI một số điểm ở Hà Nội như Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm... đều ở ngưỡng cảnh báo màu đỏ, khoảng từ 150-190 AQI. Đây là mức ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe khi tham gia các hoạt động ngoài trời.
Mức ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM không chỉ đe dọa sức khỏe cộng đồng mà còn gây ra hậu quả nặng nề cho môi trường. Các hành động cần được các cơ quan liên ngành và người dân thực hiện ngay để bảo vệ sức khỏe và chất lượng cuộc sống của cộng đồng
Khi chỉ số ô nhiễm không khí ở mức cao, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cảnh báo, những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, nguyên nhân chính của ô nhiễm không khí tại cả hai thành phố là do hệ thống giao thông quá tải, với hàng triệu ô tô và xe máy tạo ra lưu thông dày đặc, nhiều trong số này không tuân thủ tiêu chuẩn khí thải. Hoạt động sản xuất, xây dựng và sinh hoạt hàng ngày cũng góp phần làm tăng mức ô nhiễm.
Nhiều người dân Thủ đô đã quan tâm đến việc theo dõi chỉ số chất lượng không khí hàng ngày để bảo vệ sức khỏe. Nếu mức độ ô nhiễm cao, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhiều người đã ý thức được nên hạn chế ra ngoài đường, ở trong nhà cũng phải đóng cửa. Nếu buộc phải ra đường, họ luôn trang bị khẩu trang, kính mắt, sau đó về nhà cũng phải rửa mắt, mũi, miệng thật sạch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Hít thở sương mù dễ mắc các bệnh hô hấp
Một số người có sở thích hít thở khi sương mù dày đặc, chuyên gia khuyến cáo sương mù do không khí ô nhiễm khác hẳn với sương mù ở các vùng núi cao. Ở vùng núi cao trên 500m, sương mù hầu như hình thành quanh năm, nhưng nhiều nhất vẫn là mùa đông. Sương mù miền núi hình thành chủ yếu do bức xạ làm mặt đất lạnh đi vào những đêm trời quang mây, gió nhẹ. Sương mù hình thành theo cách này gọi là sương mù bức xạ.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện tượng sương mù ở nước ta chủ yếu được chia làm 2 loại: sương mù bình lưu và sương mù bức xạ. Hiện tượng sương mù bức xạ thường xuất hiện khi nằm sâu trong khối không khí lạnh với trường gió phân kỳ mạnh, tạo ra hiện tượng ít đến quang mây. Đây là loại sương mù nằm sát mặt đất và thường sẽ tan hết sau bình minh. Loại sương mù này thường hình thành vào những buổi tối yên tĩnh, bầu trời quang đãng, khi nhiệt độ ở mặt đất thấp đi do quá trình bức xạ nhiệt.
"Lớp không khí ở phía trên mặt đất trở nên thấp hơn so với ban ngày nên không thể giữ được nhiều hơi ẩm khiến hơi nước ngưng tụ lại, trở thành những giọt nước lơ lửng trong không khí. Sương mù bức xạ thường xuất hiện vào mùa thu và đầu mùa đông", ông Hưởng nói và cho hay, trong thời gian tới ở miền Bắc sẽ còn nhiều ngày có sương mù.
Ngoài ra, hiện tượng sương mù bình lưu là sương mù do khối không khí lạnh suy yếu lệch đông với đới gió đông đến đông nam đưa ẩm vào làm gia tăng lượng ẩm gây sương mù. Loại sương mù này thường xuất hiện vào cuối mùa đông và những ngày mùa xuân.
Trưởng phòng Dự báo thời tiết thông tin, dựa vào hình thế thời tiết, các chuyên gia khí tượng có khả năng dự báo trước được hiện tượng sương mù này từ 1 - 2 ngày. Tuy nhiên, cường độ, mức độ thì còn phụ thuộc vào điều kiện địa hình cũng như điều kiện nhiệt ẩm từng giai đoạn; cần thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết trên hệ thống trang web của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.
"Sương mù có khả năng lưu lại khói, bụi, các chất độc hại trong không khí; hít phải nó khiến cơ thể dễ mắc các bệnh nguy hiểm đến đường hô hấp, xương khớp", ông Hưởng cảnh báo.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dự báo thời tiết sáng 6/1: Thời tiết nồm ẩm ở Hà Nội kéo dài đến bao giờ, độ ẩm đạt tới mức nào?