Nguy hiểm khi dùng An cung tùy tiện chữa đột quỵ
Rất nhiều gia đình nghe theo thông tin không chính thống dự trữ An cung trong nhà. Khi người thân có dấu hiệu đột quỵ liền cho ngậm ngay.
Trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều sản phẩm có tên An cung xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Các bác sĩ đã tiếp cận với những khuyến cáo điều trị của Bộ Y tế các nước nói trên tuy nhiên không có thông tin về loại thuốc này với chức năng phòng/chữa đột quỵ.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng chưa được tiếp cận với bất kỳ khuyến cáo, công bố khoa học của Bộ Y tế các nước về An cung. Do vậy, người dân không nên sử dụng loại thuốc này vì chưa có cơ sở khoa học về độ an toàn cũng như hiệu quả điều trị bệnh. Thậm chí nhiều trường hợp dùng An cung phòng đột quỵ còn ảnh hưởng tới tính mạng.
BSCKII Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo về việc dùng An cung chữa đột quỵ và những sai lầm khi cấp cứu người bị đột quỵ.
Bên cạnh đó, một số nhà khoa học đã phân tích các thành phần của An cung và cho biết trong sản phẩm này thường chứa thành phần làm máu chống đông (máu loãng ra).
Đột quỵ có 2 loại chính nhồi máu não (mạch máu tắc), chảy máu não (mạch máu bị vỡ). Khi người thân chúng ta ở nhà biểu hiện đột quỵ, chưa thể xác định là thể đột quỵ não. Giả sử nếu nhồi máu não nếu uống thành phần có kháng đông có thể tạm không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên nếu là trường hợp đột quỵ chảy máu não thì việc sử dụng hoạt chất chống đông sẽ làm cho việc chảy máu não càng ngày càng nặng, gây hại cho bệnh nhân.
Làm gì khi có người nhà bị đột quỵ?
Đột quỵ não là những tổn thương ở trên não gây ra các triệu chứng về mặt thần kinh khu trú. Bệnh nhân có thể có các biểu hiện méo miệng, nói ngọng, yếu, tê bì tay chân một bên tùy từng mức độ. Việc cấp cứu bệnh nhân đột quỵ gồm có 2 giai đoạn: cấp cứu trước viện và cấp cứu tại viện.
- Với giai đoạn cấp cứu trước viện, vai trò của người thân trong gia đình rất quan trọng. Người thân là người đầu tiên phát hiện ra người thân có biểu hiện đột quỵ não. Lúc này việc cấp cứu tại chỗ là điều quan trọng giúp phòng ngừa những biến cố, nếu xử lý sai hoặc cấp cứu không kịp thời có thể gây ra những biến cố nặng nề, thậm chí có thể tử vong.
- Thời gian với người bị đột quỵ vô cùng quan trọng. Khi bệnh nhân được đưa đến bệnh viện bác sĩ sẽ dựa vào thời gian bắt đầu bệnh nhân có triệu chứng, nếu trong trường hợp không xác định được thì cần phải biết thời gian cuối cùng thấy bệnh nhân còn bình thường là khi nào. Lúc này, bác sĩ sẽ xác định được bệnh nhân còn trong giờ vàng hay không và đưa ra phác đồ điều trị tối cấp cứu được chính xác và hiệu quả nhất.
Trong điều trị tái tưới máu của bệnh nhân đột quỵ não, nếu trong 4,5 giờ đầu của bệnh từ khi bệnh nhân có triệu chứng, nếu bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não sẽ được sử dụng thuốc tiêu sọ huyết, làm tiêu cục máu đông gây ra tình trạng nhồi máu não.
Nếu bệnh nhân nhồi máu não do tắc mạch máu lớn và còn trong 4,5 giờ, bệnh nhân có thể can thiệp mạch mão lấy cục huyết khối gây tắc mạch máu não. Điều này giúp bệnh nhân khai thông mạch máu não và hồi phục lại tốt nhất có thể. Hiện nay, việc chỉ định lấy huyết khối có thể lên tới 24 giờ.
Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn khuyến cáo người dân khi có người thân bị đột quỵ hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để bệnh nhân được tiếp cận với các phương pháp điều trị đột quỵ não nhanh nhất.
Sai lầm khi cấp cứu bệnh nhân đột quỵ
Sơ cấp cứu tại nhà đối với bệnh nhân đột quỵ đóng vai trò rất quan trọng. Nếu người thân có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ và hôn mê bất tỉnh sẽ phải xử lý khác hoàn toàn với trường hợp bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo.
Nếu hôn mê bất tỉnh, lay gọi không biết gì, người sơ cứu cần lưu ý cho bệnh nhân nằm ở tư thế nghiêng an toàn. Tức là bệnh nhân nằm nghiêng sang một bên, đầu để thấp, miệng mở. Để khi bệnh nhân có biểu hiện nôn, đờm dãi… chất nôn trào ngược ra, chất nôn sẽ dễ dàng đi ra ngoài. Bệnh nhân sẽ không bị ứ đọng, trào ngược vào đường thở gây nguy cơ tắc thở, suy hô hấp suy tuần hoàn.
Thực tế, có nhiều trường hợp người nhà khi có người thân bị đột quỵ liền chích máu ở ráy tai, nặn máu ở các đầu ngón tay ngón chân. Bên cạnh đó còn có một số trường hợp bôi vôi vào các lòng bàn tay. Hoặc nhiều trường hợp người dân nghĩ là đột quỵ thì cần nằm bất động và cho người thân nằm bất động tại giường trong thời gian dài, thậm chí 1 ngày sau mới đi cấp cứu. Đây là những hành động phản khoa học và gây ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.
Ngoài ra, trong trường hợp bệnh nhân bị chích, rạch chảy máu có thể ảnh hưởng đến phương án điều trị của bác sĩ. Nếu người thân đã nghi ngờ đột quỵ về nguyên tắc phải đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ FAST
F (Face): Yêu cầu bệnh nhân cười hoặc nhe răng để xem miệng có bị lệch hoặc bị trĩu xuống không
A (Arm): Yêu cầu bệnh nhân giơ tay lên để quan sát xem tay có bị rơi xuống hoặc yếu hay không
S (Speech): Yêu cầu bệnh nhân nói từ đơn giản xem giọng nói có khó khăn hoặc không nói được.
T (Time): Gọi đến cơ sở y tế để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế bằng xe cứu thương.
Ngoài ra, có thể nhận biết đột quỵ thông qua một số không điển hình như:
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Buồn nôn
Nếu những dấu hiệu tái đi tái lại nhiều lần để tìm nguyên nhân và phát hiện đột quỵ sớm nếu có.