Việt Nam có khoảng 500.000 người mắc bệnh động kinh
Ở Việt Nam cũng như tại phần lớn các nước đang phát triển, bệnh động kinh vẫn là một vấn đề thời sự. Hiện nay, theo ước tính, tại Việt Nam có khoảng 500.000 người mắc bệnh động kinh.
PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết như vậy tại buổi lễ ra mắt Câu lạc bộ người bệnh động kinh tại BV Việt Đức ngày 16/1.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ người mắc bệnh động kinh trên thế giới khoảng 0,5% dân số. Con số này thay đổi tùy theo địa lý, ở Pháp và ở Mỹ là khoảng 0,85%; Canada là 0,6% và ở Việt Nam khoảng 2%.
PGS.TS Đồng Văn Hệ- Phó Giám đốc BV Việt Đức cho hay hiện nay có nhiều người có quan điểm sai lầm về bệnh động kinh như nghĩ đây là bệnh tâm thần hay bệnh di truyền.
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, hiện nay có nhiều người nghĩ chưa đúng hay quan điểm sai lầm về bệnh động kinh như nghĩ đây là bệnh tâm thần hay bệnh di truyền. Vì vậy, ảnh hưởng rất nhiều tới người bệnh, khiến họ tự ti không đi điều trị hay người nhà của bệnh nhân giấu bệnh vì sợ xấu hổ, dị mị.
Đáng lo ngại, người bệnh nếu không được chẩn đoán, điều trị sớm và đúng, hoặc điều trị không đầy đủ, bỏ điều trị bệnh nặng thêm và khó hòa nhập cộng đồng do bị những người xung quanh kỳ thị.
Tại BV Việt Đức, người mắc bệnh động kinh nếu được điều trị sớm có thể dùng thuốc hoặc phẫu thuật có tới 80-90% bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn không có các cơn co giật.
Bệnh động kinh không nguy hiểm như nhiều người tưởng tượng, người mắc bệnh không làm được việc là sai lầm. Bởi đây là một loại bệnh lành tính, có thể chữa khỏi được dễ dàng khi được phát hiện sớm họ vẫn học tập và làm việc như những người bình thường khác.
“Người mắc bệnh động kinh ngoài cơn giật thì trí tuệ và sức khoẻ bình thường nên họ hoàn toàn có thể hoà nhập trở lại cuộc sống, làm việc và học tập như bình thường khi đã điều trị khỏi”- PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết.
Đa phần bệnh nhân động kinh chỉ cần dùng thuốc, điều trị nội khoa tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ là khỏi bệnh, chỉ có 10-20% bệnh nhân phải tiến hành phẫu thuật.
Tuy nhiên, chuyên gia BV Việt Đức cũng nêu thực trạng có những bệnh nhân mắc động kinh mới được phát hiện và điều trị khoảng 5-6 tuần nhưng đã thay đổi vài bác sĩ, dùng các đơn thuốc tứ tung. Như vậy là không tuân thủ điều trị.
Đối với điều trị bệnh động kinh bằng thuốc, các bác sĩ sẽ phải theo hướng dò liều, vì thuốc đáp ứng với từng thể trạng người bệnh. Do đó, người bệnh cần tuân thủ điều trị, tránh “vái tứ phương, chạy tứ tung, cứ nghe mách bảo thầy thuốc là tìm đến trong khi đơn thuốc điều trị cũ đang dùng chưa hết, chưa đánh giá được hiệu quả điều trị.
Người mắc bệnh động kinh có những biểu hiện sớm như:
Xuất hiện những cơn co giật, sùi bọt mép, chớp mắt/nháy mắt liên tục, hay tê bì tay chân, nóng dưới ngực rồi lan lên trên…
Người mắc bệnh động kinh thường có những cơn co giật hàng ngày khoảng 5-10 cơn, mỗi cơn co giật từ 1-5 phút. Thường những người mắc bệnh ở giai đoạn đầu với biểu hiện tổn thương ở bán cầu não trái hoặc phải.
“Nếu người bệnh không điều trị sớm thì trong vòng 5-10 năm tiếp theo phần tổn thương sẽ tiếp tục lan sang phần bán cầu não còn lại gây ra tổn thương não với những ổ tổn thương diện rộng phát nhiều cơn động kinh hơn. Khi bệnh nhân đến điều trị trong tình trạng muộn tỷ lệ khỏi bệnh sẽ khó khăn hơn nhiều”- PGS.TS Đồng Văn Hệ nói.
PGS.TS Đồng Văn Hệ thăm khám cho người bệnh
Phó giám đốc BV Việt Đức cũng lưu ý, hiện nay có tình trạng nhiều người mắc bệnh động kinh nghe hay tự ý mua thực phẩm chức năng về uống là sai lầm.
Không chỉ với bệnh động kinh mà với bất kỳ bệnh nào, người bệnh không nên tự ý mua các loại thực phẩm chức năng về sử dụng, bỏ đơn thuốc điều trị bác sĩ đã kê. Việc dùng thực phẩm chức năng trong quá trình điều trị bệnh lý cần phải có sự tư vấn của bác sỹ. Những bệnh nhân điều trị bằng thuốc không đỡ khi đó các bác sỹ mới tính đến phương án phẫu thuật.
Khi người bệnh động kinh lên cơn co giật, tốt nhất để người bệnh nằm ở tư thế an toàn và thoải mái nhất, ví dụ nằm trên sàn nhà bằng phẳng; nếu người bệnh lắc đầu nhiều quá thì đầu kê trên gối mềm hoặc vật dụng mềm, không để đầu đập vào sàn nhà, nguy cơ chấn thương.
Nếu người bệnh đang quàng khăn, thắt calavat thì tháo ngay khỏi cổ để bệnh nhân dễ thở.
“Tuyệt đối không nên nhét thìa, đũa... vào mồm bệnh nhân viv quan điểm làm như vậy để tránh tình trạng bệnh nhân cắn vào lưỡi”- PGS.TS Đồng Văn Hệ khuyến cáo.
Câu lạc bộ là diễn đàn để bệnh nhân được gặp gỡ, trao đổi nhiều hơn với các chuyên gia chuyên khoa thần kinh. Người bệnh sẽ không còn phải tự tìm hiểu, chia sẻ những thông tin không chính xác về bệnh mà sẽ được cung cấp các thông tin chính thống bởi các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về chuyên khoa thần kinh.