Phẫu thuật thẩm mỹ trở thành một nhu cầu lớn trong xã hội, tuy nhiên, liên tiếp thời gian qua đã xảy ra nhiều sự cố, thậm chí đã có nạn nhân tử vong, thương tật liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ. Thực trạng này lại thêm hồi chuông cảnh báo cho việc làm đẹp không an toàn...
Thị trường filler “vàng thau lẫn lộn”: Không tùy tiện tiêm vào cơ thể
Trao đổi với phóng viên báo Sức khoẻ & Đời sống về chủ đề “hot” này, ThS.BS. Vũ Trung Trực, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt - tạo hình - thẩm mỹ, BV Việt Đức cho biết, tai biến gặp nhiều nhất trong thẩm mỹ vẫn là tai biến thẩm mỹ nội khoa chủ yếu là do thủ thuật tiêm filler (chất làm đầy).
“Có nghĩa là người có nhu cầu làm đẹp sẽ đến các cơ sở thẩm mỹ để thực hiện các kỹ thuật tiêm các chất như chất làm đầy vào cơ thể. Tuy nhiên, kể cả những kỹ thuật này vẫn phải được thực hiện tại các cơ sở đảm bảo, đã được cấp phép”- BS Trực nhắn nhủ.
ThS.BS Vũ Trung Trực cùng các cộng sự tiến hành ca phẫu thuật thẩm mỹ cho khách hàng tại BV Việt Đức
Theo BS Trực hiện nay, tiêm filler là một xu hướng trong thẩm mỹ và được thực hiện nhiều năm trong chuyên ngành thẩm mỹ. Việc tiêm filler này phụ thuộc vào hai yếu tố là quy trình thực hiện có đảm bảo an toàn và chất liệu filler để tiêm có đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hay không.
Tại Khoa Phẫu thuật hàm mặt - tạo hình - thẩm mỹ đã gặp không ít trường hợp là nạn nhân của tiêm filler như nhiễm trùng “tung tóe” sau khi tiêm nâng ngực. Thậm chí có bệnh nhân, khi được hỏi vẫn không nhớ mình được tư vấn tiêm chất gì vào ngực. Hay có những trường hợp bị biến chứng sau khi tiêm filler vào mắt, mũi… một số ít trường hợp bị mù mắt do tiêm sai vị trí.
Theo BS Trực, hiện nay thị trường filler có tới vài chục loại “vàng thau lẫn lộn”, từ trôi nổi giá vài trăm ngàn/ml đến giá 2-3 triệu đồng/ml, hoặc loại tốt được cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chứng nhận, có giá tới 8-9 triệu/ml. Thường sau tiêm 12 – 18 tháng, filler sẽ tiêu dần và phải tiêm lại.
Với filler, cần lựa chọn những cơ sở thẩm mỹ uy tín đảm bảo vô trùng, nguồn gốc filler rõ ràng, bác sĩ tiêm có kĩ thuật, am hiểu về cấu trúc cơ thể. Trong khi thực tế hiện nay, vì thiếu hiểu biết, rất nhiều chị em lựa chọn tiêm filler nâng mũi, nâng ngực ngay tại các tiệm cắt tóc, gội đầu, làm móng... hết sức nguy hiểm. Việc này, tiềm ẩn nguy cơ lan truyền các bệnh truyền nhiễm nếu quá trình tiêm/ phẫu thuật không đảm bảo vô trùng.
Tỉnh táo lựa chọn cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ để tránh “tiền mất, tật mang”
Loại rủi ro thứ hai trong thẩm mỹ là rủi ro do phẫu thuật bao gồm tiểu phẫu và trung phẫu. Loại tiểu phẫu thuật như nâng mũi hay tạo hình mí được phép thực hiện tại các cơ sở/phòng khám có chức năng phẫu thuật thẩm mỹ. Các tai biến cũng khá thường gặp chủ yếu do được tiến hành ở các cơ sở không đảm bảo.
Mới đây, Khoa Phẫu thuật hàm mặt - tạo hình - thẩm mỹ đã tiếp nhận một bệnh nhân đến “sửa sai” mũi đã nâng trước đó tại một cơ sở thẩm mỹ tư nhân. Đây là một trường hợp khá hy hữu, theo lời kể của bệnh nhân, chị đã nâng mũi lần một tại một bệnh viện uy tín nhưng chưa ưng ý nên lại tìm đến cơ sở spa khác để nâng lại. Tuy nhiên, tại đây, nhân viên tư vấn của spa đã khuyên nên đặt một chất liệu khác đè lên trên chỗ sống mũi đã nâng.
Và “đặc biệt” cơ sở spa này đã tiến hành mở một đường ngang giữa đầu mũi khiến sống mũi của chị bị bục ra sau vài ngày nên chị phải đến Khoa Phẫu thuật hàm mặt - tạo hình - thẩm mỹ để khắc phục hậu quả và được tháo bỏ hai miếng chất liệu nhân tạo.
Ngoài ra còn gặp các trường hợp nhấn mí hoặc cắt mí mắt bị các biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng, trợn mắt, không nhắm được mắt, không mở được mắt hay mắt to mắt bé. Hầu hết các trường hợp này được tiến hành ở các cơ sở thẩm mỹ chui như tiệm cắt tóc gội đầu, sửa móng hay spa không có chức năng phẫu thuật.
Về tai biến phẫu thuật thẩm mỹ do can thiệp trung phẫu - như hút mỡ bụng để nâng ngực, đặt túi ngực, tạo hình thành bụng... BS Trực cho hay những tai biến này ít xảy ra hơn nhưng nếu xảy ra sẽ có nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng. Thời gian qua Khoa Phẫu thuật hàm mặt - tạo hình - thẩm mỹ cũng đã tiếp nhận cấp cứu một số trường hợp biến chứng do nâng ngực và tạo hình hút mỡ bụng như nhiễm trùng, tràn khí, tràn máu màng phổi, hoại tử rốn hay mảng da bụng…
Sau tiêm filler để ngực đẹp hơn tại một sps, người phụ nữ 32 tuổi ở Hà Nội không ngờ mình lại thành nạn nhân của filler khi chị phải vào BV Việt Đức cấp cứu. Các bác sĩ đã phấu thuật lấy ra nhiều cục vón mủ, máu và dịch trên bầu ngực của chị.
Cũng theo BS Trực, việc tiến hành hút mỡ tự thân để nâng ngực hay để làm đầy tổ chức ở các vùng khác ở cơ thể như vùng mặt, bàn tay… về nguyên tắc phải được thực hiện tại các bệnh viện có đủ điều kiện đảm bảo về gây mê hồi sức, chứ không được tiến hành tại các phòng khám/cơ sở thẩm mỹ.
Do đó, BS Trực khuyến cáo các chị em đang có ý định làm đẹp hãy lựa chọn các cơ sở đã được cấp phép, cần phải được các bác sĩ tư vấn trực tiếp, tìm hiểu thật kỹ về phương pháp đó và những nguy cơ mà mình có thể gặp phải để đưa ra lựa chọn phù hợp. Tại cơ sở này, khách hàng cần tìm hiểu xem người thực hiện kỹ thuật mình định làm có được cấp phép hành nghề hay không.
“Không có phẫu thuật hay thủ thuật nào là tuyệt đối an toàn. Bản thân phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng cũng như các phẫu thuật khác nói chung đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ như dị ứng thuốc, chảy máu, nhiễm trùng... Nhưng nếu như thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở đã được cấp phép, có đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, đặc biệt các trang thiết bị và quy trình cấp cứu, nhân viên y tế có chứng chỉ hành nghề, có kinh nghiệm thì nguy cơ sẽ ít đi”- BS Vũ Trung Trực nhấn mạnh
Ngoài ra, hiện nay việc tìm kiếm thông tin về làm đẹp vô cùng đơn giản, trong khi đó tình trạng mạo nhận thương hiệu các bệnh viện lớn có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ của nhiều cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, thẩm mỹ viện đang diễn ra khá phổ biến. Thêm vào đó là việc quảng cáo không được kiểm soát, ngày càng nhiều cơ sở quảng cáo quá mức vượt quá phạm vi cho phép. Do đó, BS Trực khuyến cáo người có nhu cầu thẩm mỹ làm đẹp cần phải tỉnh táo trong lựa chọn cơ sở thực hiện làm đẹp để tránh “tiền mất, tật mang”.