Vòng luẩn quẩn của viêm da cơ địa
Theo PGS.TS. BS cao cấp Nguyễn Duy Hưng - Tổng thư ký Hội Da liễu Việt Nam, với khí hậu nóng ẩm như ở Việt Nam, tỷ lệ viêm da cơ địa rất cao. Bệnh viêm da cơ địa hay còn gọi là viêm da cơ địa dị ứng (eczema) là một bệnh dị ứng có tính chất miễn dịch, giống như các bệnh dị ứng khác như hen, viêm mũi dị ứng, mề đay…
Biểu hiện bệnh viêm da cơ địa là những tổn thương trên da, đám da đỏ, mụn nước, vảy tiết do mụn mủ gây nên làm người bệnh rất ngứa. Khi bị ngứa, người bệnh gãi nhiều, làm cho da trầy xước, các dị nguyên từ bên ngoài dễ xâm nhập vào da càng khiến bệnh nhân ngứa hơn. Nó trở thành vòng luẩn quẩn, ngứa gây bội nhiễm, thậm chí nhiễm thêm một số vi khuẩn khác như tụ cầu trùng vàng lại khiến bệnh nặng hơn và phức tạp hơn.
PGS.TS. BS cao cấp Nguyễn Duy Hưng - Tổng thư ký Hội Da liễu Việt Nam
Viêm da cơ địa không chỉ xuất hiện ở vùng da trên cơ thể mà nó có thể xuất hiện ở bất cứ đâu như ở mắt, da, một số cơ quan khác gây tổn hại cho sức khỏe làm cho người bệnh rất khó chịu. Bệnh có yếu tố di truyền, gia đình, hay xuất hiện ở những người có bệnh dị ứng khác như hen, viêm mũi dị ứng…. đặc biệt bệnh rất dễ tái phát. Tuy nhiên căn bệnh này không lây.
PGS Hưng cho biết, trong điều trị viêm da cơ địa, chủ yếu là đi tìm căn nguyên gây bệnh để điều trị đúng, hạn chế sự phát triển của bệnh, tránh bệnh tái phát. Điều này phụ thuộc vào căn nguyên gây bệnh, khoa học đã xác định có 2 yếu tố gây bệnh viêm da cơ địa là di truyền theo gen và yếu tố môi trường. Về gen, hiện chưa có một phương pháp nào để phòng ngừa, còn về yếu tố môi trường bao gồm môi trường bên trong như nội tiết, chuyển hóa của người bệnh, và môi trường bên ngoài như: khói bụi, các dị nguyên như phấn hoa, lông chó mèo, các loại mỹ phẩm hay từ thực phẩm ... Người bác sĩ cần tìm ra nguyên nhân gây bệnh để tư vấn cho người bệnh và người nhà bệnh nhân để hạn chế các yếu tố từ môi trường làm bệnh nặng thêm hoặc tái phát bệnh.
Viêm da cơ địa có điều trị khỏi?
Bệnh viêm da cơ địa làm bệnh nhân ngứa ngáy, rất khó chịu, đặc biệt bệnh rất hay ngứa về đêm. Nhưng phải khẳng định rằng, bản chất của căn bệnh này là dễ tái phát, cần điều trị lâu dài. PGS Hưng khuyên, trong điều trị cần chống dị ứng và chống ngứa, thường bác sĩ sẽ cho dùng thuốc corticoid thời gian ngắn kèm theo dưỡng ẩm da, có thể sử dụng thuốc kháng histamin chống ngứa. Tuy nhiên dùng thuốc corticoid bệnh khỏi nhanh, nhưng khả năng tái phát cao.
Đồng tình với quan điểm này, GS Michael Tirant - Khoa da liễu Đại học G. Marconi – Italia cho biết, sử dụng thuốc corticoid bệnh nhanh khỏi nhưng khi ngừng thuốc thì bệnh dễ tái phát hoặc tái phát nặng hơn.
Hiện nay, nhiều người có xu hướng rất sợ dùng thuốc corticoid, như vậy cũng không đúng. PGS Hưng giải thích, bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân dùng corticoid bôi trong thời gian ngắn, sau đó giảm dần lượng bôi, bôi cách ngày để giảm thời lượng sử dụng. Để hạn chế tái phát, người bệnh cần lưu ý sử dụng kem dưỡng ẩm, nhất là vào mùa đông. Bôi kem dưỡng ẩm rất cần thiết vừa có tác dụng chống khô da vừa có tác dụng tránh ngứa, hạn chế tái phát.
Để điều trị viêm da cơ địa hiệu quả, người bệnh cần hợp tác với thầy thuốc. Khi có các dấu hiệu bệnh, cần đi khám chuyên khoa da liễu ngay để tìm căn nguyên gây bệnh. Bác sĩ sẽ xác định bệnh nhân thuộc dạng cấp tính hay mạn tính để có phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả.
Người bệnh viêm da cơ địa cần lưu ý gì để phòng tái phát?
Đối với người bệnh GS Michael Tirant khuyên, nên sử dụng quần áo cotton mềm, mịn không gây kích ứng trên da. Với trẻ em không nên sử dụng bỉm quá nhiều sẽ gây ra các bệnh viêm da dị ứng. Chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng đối với bệnh viêm da cơ địa. Một số thực phẩm có chứa nhiều histamin có thể khiến tình trạng bệnh nặng thêm như pho mai, cá, dâu tây, dâu tằm… PGS Hưng cho biết thêm, người bệnh cần tránh một số thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng như tôm, cua, cá, lạc, sữa…. hay ngay cả những loại mỹ phẩm, hóa chất dùng hàng ngày cũng có thể trở thành tác nhân gây bệnh. Nhưng không phải người bệnh nào cũng cần “kiêng” giống nhau, cần theo dõi và xác định đúng yếu tố khởi phát bệnh hoặc làm bệnh nặng thêm mà tránh. Khi mắc bệnh, người bệnh cần tăng cường các vitamin, khoáng chất qua chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý.
Về chế độ vận động, GS Tirant cho rằng, hoạt động thể thao rất tốt giúp tăng cường sức khỏe. Nhưng với người bị viêm da cơ địa cần lưu ý, tập luyện sẽ khiến cơ thể nóng lên khiến đổ mồ hôi, làm mất nước, mất muối, gia tăng histamine trong cơ thể nên sẽ gây ngứa nhiều hơn, người tập luyện thể thao nên mang theo khăn để ngăn mồ hôi, không nên tập luyện quá mức làm cơ thể quá nóng. Ngoài ra, người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với các hóa chất, các dị nguyên có khả năng gây dị ứng khác.