Chiều 5/10, các chuyên gia y tế từ Đại học Queensland (Australia) đã có buổi làm việc với Trường Đại học Y Hà Nội nhằm phát triển các dự án hợp tác với mục đích nâng cao năng lực của hệ thống y tế và tăng cường sức khỏe cho người dân Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế dự phòng.
Trò chuyện với các chuyên gia Úc, GS.TS Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội, với quan điểm "Y tế dự phòng tích cực, chủ động" của Chính phủ Việt Nam, trong nhiều thập kỉ qua ngành y tế dự phòng đã phát triển theo hướng toàn diện, chăm sóc sức khỏe, lấy con người làm trung tâm, bao gồm kiểm soát yếu tố nguy cơ, phòng chống bệnh tật, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Những nỗ lực này đã làm tăng tuổi thọ của người dân Việt Nam, giảm tỉ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em. Việt Nam đã khống chế được nhiều dịch bệnh nguy hiểm và đạt mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về phòng chống HIV/AIDS, lao, sốt rét, giảm suy dinh dưỡng trẻ em.
Theo GS.TS Tạ Thành Văn, những thành tựu đó của ngành y tế trong lĩnh vực y học dự phòng có sự đóng góp to lớn của Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng. Trong nhiều năm qua, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng luôn là một đơn vị dẫn đầu trong đổi mới dạy học, nghiên cứu, hợp tác quốc tế, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nhà trường, có tác động xã hội tích cực trong tham gia vận động xây dựng các chính sách chiến lược y tế và chăm sóc sức khoẻ. Viện là nơi phát triển và triển khai những dự án giúp thay đổi phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giảng viên của Nhà trường và của ngành.
Hàng năm Viện cũng là đơn vị có đóng góp số công trình xuất bản lớn nhất Nhà trường với hàng trăm bài báo xuất bản trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Đặc biệt công tác phát triển hợp tác quốc tế luôn được Viện quan tâm và mở rộng nhằm nâng tầm chiến lược để sánh vai với các viện, trường đại học lĩnh vực y học dự phòng - y tế công cộng trong khu vực và quốc tế.
"Dấu mốc quan trọng trong hoạt động đào tạo và hợp tác quốc tế đó là từ năm 2016 với sự hỗ trợ của USAID thông qua mạng lưới một sức khỏe các trường Đại học Đông Nam Á và Việt Nam Viện đã xây dựng và triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ quốc tế về y tế công cộng lần đầu tiên ở Việt nam, cho đến nay đã được tuyển sinh được 8 khóa với đa dạng học viên đến từ nhiều nước trên thế giới và trong khu vực"- GS.TS Tạ Thành Văn nói.
Theo GS.TS Tạ Thành Văn, những năm qua, Trường Đại học Y Hà Nội từng bước quốc tế hóa các chương trình đào tạo hiện có và các chương trình đào tạo cho các ngành mới mở, tăng cường các hoạt động trao đổi giảng viên, sinh viên quốc tế, mở các khóa học tiến tới tổ chức các khóa đào tạo, liên kết đào tạo đại học quốc tế tại trường.
Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội hy vọng qua sự hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo giữa Đại học Queensland và các đối tác tại Việt Nam, sẽ có nhiều giảng viên của trường Đại học Y Hà Nội được tham dự bậc học tiến sỹ tại Đại học Queensland trong thời gian gần nhất.
Trong 2 ngày (4-5/10), tại Trường Đại học Y Hà Nội đã diễn ra Hội thảo chiến lược về hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo giữa Đại học Queensland và các đối tác tại Việt Nam do Đại học Queensland và Trường ĐH Y Hà Nội đồng tổ chức.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã có các cuộc thảo luận hiệu quả, đặt nền móng cho các dự án hợp tác.
"Tôi tin rằng Hội thảo hợp tác chiến lược hôm nay sẽ đánh dấu một bước quan trọng trong phát triển hợp tác giữa Đại học Queensland với các đối tác Việt Nam nói chung, và với trường Đại học Y Hà Nội nói riêng. Tôi tin rằng với những thành tựu đã có, với nguồn lực nổi bật và truyền thống đoàn kết, sáng tạo, chủ động, tích cực, Viện đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng sẽ đảm nhiệm tốt vai trò đầu mối trong hợp tác quan trọng này"- GS.TS Tạ Thành Văn nhấn mạnh.
Tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 841/TTg, ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030, trong đó các mục tiêu về lĩnh vực y tế như chấm dứt đại dịch HIV/AIDS, lao, sốt rét, các bệnh nhiệt đới bị lãng quên; giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em, giảm 20-25% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh không lây nhiễm.
Để đạt được các mục tiêu này cần sự nỗ lực và phối hợp của tất cả các đơn vị ngành y tế trong nước, và đặc biệt chúng tôi cũng luôn mong muốn có sự hợp tác hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.