Hà Nội

Chuyện ghi ở tuyến đầu phòng dịch

11-04-2020 09:01 | Xã hội
google news

SKĐS - 23h, nhiều căn phòng làm việc ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thái Bình vẫn sáng đèn. Các cán bộ của Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm kín lịch đi cơ sở, luôn có mặt ở những điểm nóng nhất trong phòng, chống dịch COVID-19.

Cán bộ Khoa xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Bình lấy mẫu xét nghiệm ngay trong đêm khi tiếp nhận công dân về khu cách ly tập trung

Bác sĩ, kỹ thuật viên Khoa Xét nghiệm - CĐHA thường xuyên thâu đêm túc trực bên máy, thực hiện xét nghiệm để kịp thời trả kết quả vào sáng hôm sau.

Họ chính là những “chiến binh” thầm lặng đang cùng với lực lượng khác ngày đêm căng mình chống dịch. Với họ bảo vệ tốt sức khỏe cho người dân vượt qua đại dịch là nhiệm vụ và trọng trách cao cả.

Quả thật, thành công một ca giải phẫu có thể cứu sống một mạng người, nhưng thành công trong một chiến lược y tế dự phòng có thể cứu sống, nâng cao tuổi thọ cũng như chất lượng sống cho hàng chục triệu người.

Ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại TP Vũ Hán (Trung Quốc), tỉnh Thái Bình đã có kế hoạch chuẩn bị chủ động về nhân lực, trang thiết bị, vật tư, thuốc men…, xây dựng kịch bản sẵn sàng theo từng giai đoạn phát triển của dịch, ứng phó với mọi tình huống dịch.

Đi từng nhà, rà từng đối tượng là công việc hàng ngày của cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Tháng 3 rồi đến tháng 4, khi dịch bệnh COVID-19 khiến hàng nghìn người mắc và tử vong ở nhiều nước trên thế giới, làm cho nhiều người lo lắng, thì người dân Thái Bình bắt đầu thấy vững tâm hơn bởi: Tỉnh quyết liệt chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch đến các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, thành lập các khu cách ly tập trung, kiểm soát chặt chẽ người về từ vùng dịch, chỉ đạo thực hiện cách ly toàn xã hội...

Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và toàn thể nhân dân trên địa bàn cùng chung sức, chung lòng, đoàn kết, quyết tâm phòng, chống dịch.

Đặc biệt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Bình là đơn vị thường trực của ngành y tế về công tác phòng, chống dịch COVID-19, được tỉnh đầu tư hệ thống máy xét nghiệm sàng lọc COVID-19. Tính đến 10h30 10/4/2020, tổng số ca xét nghiệm COVID-19 trên địa bàn tỉnh là 2.145 ca, trong đó xét nghiệm thực hiện tại Trung tâm CDC là 1.261 ca, 100% mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính với COVID-19.

Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Thơm – Giám đốc CDC Thái Bình chia sẻ: Công việc của Trung tâm CDC làm được trong phòng chống dịch bệnh nói chung, chống COVID-19 nói riêng là kết quả của sự cố gắng, chuẩn bị kỹ về nhân lực, nguồn lực, thiết bị….

Đó là đào tạo các bác sĩ, kỹ thuật viên xét nghiệm, chuẩn bị phòng xét nghiệm với máy móc, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại; với đội ngũ cán bộ thường xuyên được đào tạo, tập huấn, diễn tập công tác ứng phó với dịch bệnh; hệ thống phần mềm cảnh báo và thiết lập đường dây nóng báo dịch…

CDC Thái Bình tự hào khi có phòng xét nghiệm đạt an toàn sinh học cấp II, đạt ISO 17025-2017, xây dựng ISO 15189-2012, có thể xét nghiệm và chẩn đoán chính xác kết quả hầu hết các mẫu bệnh phẩm các chủng cúm A (H5N1/H7N9), Mesr-CoV, Ebola, Tay - Chân - Miệng, Rubella, Sốt xuất huyết, Sởi, định lượng được nồng độ virus (viêm gan, HPV, HIV), các lĩnh vực hóa, thực phẩm, môi trường và giờ đây là xét nghiệm COVID-19. Điều đó đã giúp rút ngắn thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm, tiết kiệm thời gian, chi phí, đáp ứng hiệu quả công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch COVID-19 tại Thái Bình nói riêng.

Th.s PhạmThị Thu Hà- Trưởng khoa Xét nghiệm - CĐHA, CDC Thái Bình chia sẻ: Để có được kết quả sớm nhất, phục vụ nhanh nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh, sau khi nhận mẫu bệnh, cán bộ phải tiến hành xét nghiệm ngay nên công việc không chỉ thực hiện trong giờ hành chính, đa phần các mẫu bệnh cán bộ xét nghiệm lấy thời điểm tối và đêm.

Từ khi sàng lọc COVID-19 ngay tại Thái Bình, cường độ làm việc của cán bộ xét nghiệm và điều tra dịch tễ tăng lên và áp lực cũng hơn nhiều. Môi trường làm việc tại khoa xét nghiệm tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro lây nhiễm thì đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, độ chính xác cao và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xét nghiệm, quy định về an toàn sinh học đối với cán bộ xét nghiệm.

Chúng tôi không cho phép mình lơ là trong quy trình xét nghiệm, quanh năm suốt tháng“làm bạn” với vi khuẩn, vi rus, hóa chất trong phòng xét nghiệm. Khó khăn sẽ còn nhiều khi đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng không ai ngại gian khó, vẫn luôn đam mê, gắn bó với nghề.

BS Đặng Quang Huy – Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nói: Đã 3 tháng nay kể từ đêm ngày 22/1/2020 khi Thái Bình có trường hợp nghi nhiễm COVID-19 đầu tiên, cán bộ phòng dịch không có ngày nghỉ.

Bất kể ngày, đêm, nắng, mưa, dù ở thôn, xóm xa, khi có thông tin về ca bệnh là  cán bộ y tế phải có mặt: khoanh vùng dịch, lấy mẫu bệnh phẩm, điều tra tìm nguyên nhân, kiểm soát, ngăn chặn không để dịch lây lan. Cán bộ khoa cũng là người đầu tiên tiếp xúc với các bệnh nhân mang mầm bệnh trong cộng đồng. Thêm niềm vui cho cộng đồng là thêm những đêm thức trắng, những bữa ăn vội vàng và những giấc ngủ tranh thủ. Vất vả, nguy hiểm nhưng anh em vẫn bám trụ, tâm huyết, tận tụy cùng với cộng đồng chung sức đẩy lùi dịch bệnh COVID-19".

TTND. BS CKII Phạm Văn Dịu – Giám đốc Sở Y tế Thái Bình bộc bạch: Thái Bình đã và đang đồng tâm, hiệp lực, căng mình phòng, chống dịch COVID -19, quyết tâm giữ được sự an toàn trên địa bàn, bảo vệ cộng đồng, bảo vệ nhân dân.

Thật không thể kể hết những khó khăn mà các cán bộ phòng, chống dịch đã trải qua. Trực tiếp làm việc trong môi trường truyền nhiễm bệnh tật, có lẽ bất kể là ai, cũng không thể tránh được nguy cơ lây nhiễm cho bản thân, rồi cả người thân trong gia đình nhưng vượt lên trên tất cả là lòng nhiệt huyết với nghề.

Để chiến thắng cuộc chiến này không thể không nhắc tới những hy sinh thầm lặng, bình dị mà cao cả của những chiến binh nơi tuyến đầu chống dịch.

 


Hoàng Thía
Ý kiến của bạn