Chuyện ghi ở cực Tây Tổ quốc

24-01-2015 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Khi nói đến A Pa Chải, người ta cũng nghĩ đến vùng đất cực Tây thiêng liêng nơi ngã ba biên giới...

Khi nói đến A Pa Chải, người ta cũng nghĩ đến vùng đất cực Tây thiêng liêng nơi ngã ba biên giới; nơi có mốc số 0, điểm khởi đầu hệ thống mốc biên giới quốc gia trên đất liền, cũng là điểm chấm bút đầu tiên mỗi khi vẽ bản đồ nước Việt. Thật tự hào về vùng đất và con người nơi đây.

Mất cả ngày đi 260km từ Điện Biên vào đến đồn biên phòng A Pa Chải. Trước khi đến đây, tôi cứ nghĩ chắc bà con vùng biên ải xa xôi này sống khổ lắm. Đã vậy tới giờ vẫn chưa có điện lưới. Ấy thế mà đi dọc đường thấy nhiều nhà bật bóng điện cả ban ngày. Thì ra bà con đã biết dùng thủy điện mini từ những dòng suối chảy qua như Mo Phí, Y Ma Hồ. Trên những mái nhà lợp tôn, thấy nhiều bình nước nóng năng lượng mặt trời, hoặc pin mặt trời. Khi gặp Bí thư kiêm Chủ tịch xã Pờ Dần Xinh lại càng bất ngờ khi trong xã Sín Thầu có nhiều... tỉ phú. Chẳng phải ngoa, ông kể ra một số hộ có nhiều trâu bò như ông Sùng Phì Sinh bản Tả Ko Khừ có 160 con, ông Su Tư Hừ có gần 100 con, ông Sùng Khai bản A Pa Chải có 70 con, hay như ông “Vua bò” Chang Vàng Sinh trước đây có tới 300 con nhưng khoảng 2 năm trước bị dịch bệnh và ông bán bớt, giờ cũng còn trên 100 con. Bản thân ông Pờ Dần Xinh trước đây cũng có đàn trâu bò vào hàng nhất nhì trong xã.

Các chiến sĩ bộ độ biên phòng A Pa Chải và dân quân chào cột mốc điểm cực Tây.

Nhưng cái đáng khoe hơn của ông Xinh là thanh thế dòng họ Pờ nhà ông. Truyền thống yêu nước hiếu học của gia đình ông có ảnh hưởng rất lớn đến bà con người Hà Nhì nơi đây. Từ những năm giải phóng miền Bắc 1954, bố ông là Pờ Pó Chừ đã là Tiểu đội trưởng Đội dân quân, có công lớn trong việc chống phỉ càn quét kể cả sau khi giải phóng. Ông Pờ Pó Chừ là thương binh và là người đầu tiên ở đây được kết nạp Đảng khi thành lập Chi bộ Đảng Chung Thầu đầu tiên năm 1959. Bố ông Xinh cũng giữ nhiều chức vụ nhưng vì không biết chữ nên ông không thể làm cao được. Có lẽ vì thế mà ông Chừ đã quyết tâm nuôi tất cả các con ăn học dù thời đó, đi học là điều rất không thiết thực đối với bà con nơi đây. Anh em nhà ông Xinh còn bị chê là lười, không biết đi rừng, làm nương. Thời ấy đi học xa xôi vất vả, phải đi bộ băng rừng lội suối cả chục ngày mới tới trường. Không những vất vả mà còn nguy hiểm, nhất là những mùa nước lên. Nhiều người đã phải bỏ học. Bản thân ông Xinh chết hụt ba lần trên đường đến trường, cũng đã nhiều lần định bỏ học nhưng được bố mẹ và anh chị động viên nên lại cố gắng. Kết quả là từ một nhà không có người làm vì các con “lười”, đi học hết, sau đều về làm cán bộ trong xã, trong huyện cả. Các con các cháu ông bây giờ đều đi học hết và cũng đã nhiều người ra công tác ở các ngành khác nhau. Ông Xinh có đến cả trăm giấy khen, bằng khen các loại cho hoạt động công tác xã hội, cống hiến, giúp đỡ, nêu gương... của các cấp trao tặng, trong đó cao nhất là của Thủ tướng. Nói về dòng họ Pờ nhà mình, ông Xinh rất tự hào. Cái ông vui là nhận thức của bà con đã khác. Cứ nhìn vào gia đình ông, bà con nơi đây lại bảo nhau cho con đi học để sau này về làm cán bộ. Có thể thấy họ Pờ nhà ông Xinh có một ảnh hưởng lớn, làm thay đổi diện mạo của vùng ngã ba biên giới này.

Nói về sự ảnh hưởng, không thể quên các chiến sĩ biên phòng. Đời lính vốn vất vả, lính biên phòng còn vất vả hơn gấp bội. Đồn Biên phòng 317 A Pa Chải mới được xây dựng cơ sở khang trang nhưng cũng chưa có điện lưới. Có máy phát nhưng chỉ dành cho mấy tiếng buổi tối trừ khu chỉ huy. Nước sinh hoạt lấy từ nguồn suối tự nhiên trên núi nên nếu trời mưa là nước đục ngầu không dùng được. Đồ ăn thức uống đều phải lấy từ ngoài mà đường xá lại xa xôi. Việc tăng gia sản xuất cũng đỡ được phần nào nhưng không phải lúc nào nuôi trồng cũng thuận lợi. Đã thế đồn lại thường xuyên có khách vì ngoài các đoàn báo chí, dân phượt muốn chinh phục cột mốc số 0 cũng rất nhiều.

​Những em học sinh - Nguồn tri thức tương lai của ngã ba biên giới A Pa Chải.

Các chiến sĩ chủ yếu từ dưới xuôi lên, hầu hết đều rất trẻ, người nào đã lập gia đình thì vợ con lại ở quê. Vậy nhưng vì nhiệm vụ, họ không nề hà việc ở lại trực Tết. Có những người đã 3, 4 năm chưa về quê ăn Tết. Họ thường phải luân chuyển công tác tới các đồn khác nên với họ đâu cũng là nhà mình. Ngoài việc tuần tra, bảo đảm an ninh biên giới, các chiến sĩ biên phòng còn phải đi cắm bản. Vừa để tuyên truyền vận động bà con cùng có ý thức bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, vừa để hướng dẫn bà con cách làm ăn. Khi dẫn chúng tôi xuống bản, anh Thành, Phó Chính trị viên chỉ cho chúng tôi ruộng ngô các anh đang trồng thí điểm để sau này hướng dẫn bà con trồng. Nhìn những cây ngô đang lên xanh, tôi nghĩ chỉ nay mai thôi, Sín Thầu sẽ xuất hiện nhiều ruộng ngô xanh tốt. Việc đảm bảo an ninh trật tự ổn định, xây dựng nếp sống tiến bộ văn minh của bà con có công rất lớn từ các chiến sĩ biên phòng. Vì thế mà từ lâu trên địa bàn xã Sín Thầu với 97% người Hà Nhì này không có hiện tượng di cư phá rừng, không trồng thuốc phiện, không theo đạo lạ. Bà con rất có ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ cột mốc, thấy có hiện tượng lạ là báo ngay cho biên phòng. Theo Phó Chủ tịch xã Pờ Chinh Phạ thì việc bảo vệ rừng cũng như an ninh của xã thuộc hàng nhất huyện. Bà con thường để xe máy ngay bên vệ mà chẳng sợ mất. Có được như vậy cũng một phần vì từ lâu xã đã không còn con nghiện, không còn cây thuốc phiện. Đó là một thành công lớn trong công tác tuyên truyền vận động cai nghiện, xóa bỏ cây thuốc phiện từ chục năm nay.

Người Hà Nhì rất mến khách, rất quý cán bộ, nhất là các giáo viên. Có lẽ vì thế mà rất nhiều thầy cô giáo lên đây cắm bản và không muốn về. Các thầy cô thương trò, yêu vùng đất cực Tây thiêng liêng mà ở lại dạy cái chữ. Chẳng hạn như thầy Lò Văn Sáng ở Trường tiểu học Tá Miếu, đã 10 năm gắn bó ở đây, mỗi năm chỉ về quê Tuần Giáo với vợ con có hai lần vào dịp nghỉ hè và Tết. Còn thầy Quàng Văn Hới cũng quê Tuần Giáo thì đã chọn cho mình một cô gái Hà Nhì để định cư ở đây. Hay như thầy Phạm Văn Hải ở Trường THCS Sín Thầu, quê tận Nam Định cũng đã lên được 10 năm, có vợ dạy cùng trường. Khi hỏi nếu có cơ hội thì thầy có về xuôi không? Thầy bảo: “Mình ở đây lâu, tuy thiếu thốn nhưng cũng quen rồi. Cũng không nỡ về xuôi, chứ thực ra hai năm trước đã có cơ hội về rồi nhưng không về”. Các giáo viên ở đây chủ yếu từ dưới xuôi tình nguyện lên. Nhìn các lớp học đã xây dựng khang mà dãy nhà vách đất lợp mái tôn tạm bợ đơn sơ của khu tập thể giáo viên ở ngay trong trường mà thấy nể, thấy thương các thầy cô. Trong dãy nhà ấy, có nhiều cặp vợ chồng thầy cô cũng đều ở đây vì chưa có đất để làm nhà riêng. Mặt bằng ở đây rất hiếm nên chính quyền xã cũng chưa thể bố trí được đất riêng cho các thầy cô đã lập gia đình. Khó khăn là thế vẫn không làm giảm đi sự nhiệt tâm, gắn bó tận tụy của các thầy cô cống hiến dạy dỗ cho các học sinh. Đúng là “tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”. Họ cũng chính là một lực lượng có ảnh hưởng không nhỏ, đang từng ngày góp phần tạo nên một miền biên ải có tri thức của Tổ quốc.

Sau một hành trình được các chiến sĩ biên phòng dẫn đường leo núi vất vả, khó khăn suốt 3 tiếng giống như leo đỉnh Phan-xi-păng, chúng tôi đặt chân tới cột mốc số 0, mốc ba cạnh nơi ngã ba biên giới mà Việt Nam chỉ có cái thứ hai nữa (nằm ở xã Bờ Y, Ngọc Hồi, Kon Tum) là mốc ngã ba Đông Dương giữa Việt Nam, Lào, Campuchia. Đứng bên cột mốc, bỗng thấy niềm vui sướng, tự hào trào dâng khi chủ quyền dân tộc được định rõ. Và đặc biệt hơn, chủ quyền ấy, đường biên ấy vẫn luôn được giữ gìn bảo vệ bởi những con người đang sống, cống hiến ở vùng đất biên cương xa xôi này. Khi chúng tôi chuẩn bị chia tay đồn A Pa Chải thì lại thấy Đồn phó Pờ Bạch Quân đang bận rộn tiếp đón một đoàn mới đến. Thật vui mừng khi từng ngày lại có những người yêu mến đến với miền ngã ba biên giới. Quả là miền cực Tây có sức hút lạ kì. Bạn cứ đi rồi sẽ biết!

Bài, ảnh: Trần Đức Hiển

 

 


Ý kiến của bạn