Trong tháng này, chuyến du lịch từ TP. HCM ra huyện đảo Trường Sa đầu tiên sẽ khởi hành vào ngày 22/6 theo kế hoạch. Chắc chắn, khách du lịch trên con tàu ra đảo xa của Tổ quốc không phải để tắm biển, nghỉ dưỡng hoặc tò mò háo hức trước nơi chưa từng đến. Đó là chuyến du lịch của lòng yêu nước, là chuyến đi của những con tim trong đất liền tìm đến với những con tim nơi đầu sóng ngọn gió đang giữ vững chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc thân yêu trong cùng một nhịp đập với tất cả nỗi cảm thông và sự chia sẻ.
Biển Đông đang căng thẳng khi Trung Quốc ngang nhiên có những hoạt động cải tạo cơi nới thành đảo nhân tạo trái phép trên những bãi đá, đảo chìm họ cưỡng chiếm của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa năm 1988. Khó khăn, gian khổ càng thôi thúc những trái tim Việt đến với những di sản cha ông để lại giữa nơi muôn trùng sóng gió. Du khách tự bỏ tiền riêng, vượt hàng trăm hải lý trong sóng gió những mong có được giây phút được đứng nghiêm chào lá cờ Tổ quốc giữa bốn bề sóng vỗ; được gần hơn để thả hoa - nến tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh mà máu xương các anh đang hòa trong sóng nước thành những cột mốc chủ quyền linh thiêng cắm vào thềm lục địa. Đảo xa vẫy gọi như sự thôi thúc du khách được nắm những bàn tay cán bộ chiến sĩ và người dân trên đảo cho hiểu hơn cuộc sống hằng ngày của quân dân ta. Hoặc có lúc được tĩnh lặng trong tiếng chuông chùa vang lên giữa biển khơi giữa muôn vàn bão tố; hoặc được đứng trên ngọn hải đăng nhìn về đất mẹ và hướng ra phía Thái Bình Dương để tự hào hơn về dân tộc, mạnh mẽ hơn với lòng yêu nước và ý thức công dân về chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng.

Chỉ đến được hai đảo nổi, hai đảo chìm trong rất nhiều đảo nổi, đảo chìm của đất nước trong 6 ngày nhưng cả Trường Sa giữa bão tố phong ba sẽ bay về đất mẹ trong mỗi trái tim du khách. Biển và bờ ngày mỗi ngày xích gần nhau hơn qua những chuyến thăm. Điều đặc biệt nhất mà ai đã từng ra Trường Sa cảm nhận thấy là tâm hồn mỗi người như được thanh lọc, tẩy rửa. Không ít đại biểu trên những con tàu ra Trường Sa quên đồng hồ vàng, điện thoại đắt tiền trong phòng tắm, trên ghế ở boong tàu nhưng chưa bao giờ không tìm thấy. Có người nghĩ mất và loa tàu lại thông báo do chính đại biểu hay thủy thủ đưa về phòng chỉ huy. Sự nhường nhịn, tôn trọng nhau giữa những con người trên con tàu ra biển lớn luôn tồn tại chỉ bởi những ai đã bước xuống tàu ra Trường Sa dường như đều mang trong mình một trái tim yêu nước và thánh thiện.
Những chuyến du lịch ra Trường Sa rồi sẽ nhiều hơn để đáp ứng nguyện vọng nhân dân với tất cả khao khát hòa bình, ổn định của một dân tộc luôn biết làm gì vì độc lập, tự do và chủ quyền biển đảo theo đúng luật quốc tế. Chúc cho chuyến du lịch đầu tiên ra Trường Sa sắp tới trên con tàu rẽ sóng ra khơi mang tất cả niềm kiêu hãnh, tự hào của những người con nước Việt cho Trường Sa không bao giờ xa, mãi vỗ sóng trong mỗi trái tim người ở đất liền.
Và con tàu không chỉ chở du khách mà còn là con tàu chở lòng yêu nước của cả một dân tộc đang tiến ra biển lớn với sức mạnh của chiều dài lịch sử suốt 4 ngàn năm.
Lê Quý Hiền