Glamour sẽ đưa khán giả được đắm mình trong vẻ quyến rũ vi diệu của Saint-Germain des Prés, cùng ngân nga những bản hit của những năm 80 hay khám phá những nghệ sĩ yêu thích của giới trẻ Pháp.
Âm nhạc Pháp những năm 50 - 60 vẫn vang danh trên thế giới cho đến ngày nay và đã khắc sâu trong lòng công chúng khắp các châu lục với những giai điệu không thể nào quên. Từ Edith Piaf đến France Gall, từ Yves Montand đến Adamo, những danh ca này đều đã từng lưu diễn trên nhiều sân khấu ở khắp châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Họ cũng thể hiện những ca khúc đã làm nên tên tuổi của mình bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Công chúng có thể từng được nghe France Gall hát bằng tiếng Nhật hay tiếng Đức, Joe Dassin hay Johnny Hallyday hát bằng tiếng Tây Ban Nha. Thậm chí, một số ca khúc Pháp thành công còn được những danh ca nước ngoài cover lại. Frank Sinatra từng chuyển ngữ Comme d’habitude của Claude François thành My Way hay Louis Armstrong từng biểu diễn La vie en rose của Edith Piaf.
Các ca sĩ Pháp bắt đầu tập trung vào thị trường Pháp vào những năm 80 và đến những năm 2000, tận dụng các quy định ưu đãi như áp dụng hạn ngạch phát sóng các ca khúc Pháp trên lãnh thổ Pháp, họ đã quên việc đánh bóng tên tuổi ở thị trường quốc tế. Thực tế, không hẳn do khán giả quốc tế quay lưng với ca khúc Pháp hay tài năng âm nhạc sụt giảm, mà do chính các nhà sản xuất cho rằng họ đã tìm thấy một thị trường lý tưởng ngay tại quê nhà và không cần quảng bá nghệ sĩ của họ ra thế giới. Ngoài một số ứng cử viên nặng ký như Celine Dion, ca khúc Pháp đã trải qua một giai đoạn “nguyệt thực”.
Toàn cầu hóa, mạng xã hội cùng sự bùng nổ của các nền tảng kỹ thuật số đã làm thay đổi tình thế. Các ca sĩ và nhóm nhạc Pháp bắt đầu trở lại một cách mạng mạnh mẽ trong các cuộc tuyển chọn âm nhạc quốc tế. Khá lặng lẽ vào đầu những năm 2000, tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghệ sĩ Pháp thành công tại sân khấu và thị trường quốc tế. Ngày nay, người hâm mộ được chứng kiến một thời kỳ phục hưng của ca khúc Pháp, một làn sóng “ca khúc Pháp mới” không chỉ của các ca sĩ Pháp mà cả của các nghệ sĩ Bỉ, Canada, Châu Phi, những người mang đến cho các sáng tác mới một vũ trụ đa sắc và đầy tính giao thoa. Từ Angèle đến Aya Nakamura, từ Gaël Faye đến Pomme, từ La Femme đến Stromae, từ Joyce Jonathan đến Garou, những thanh âm của pop, rock, R&B đã chinh phục không những các nền tảng trực tuyến mà cả các liên hoan âm nhạc từ Hoa Kỳ đến Nhật Bản, từ Đức đến Hàn Quốc.
Với Glamour, Viện Pháp tại Hà Nội - L’Espace hứa hẹn một đêm nhạc đặc sắc gồm 3 phân đoạn: Một chuỗi các ca khúc Pháp kinh điển nổi tiếng từ cách đây nửa thế kỷ, loạt ca khúc Pháp vô cùng nổi tiếng tại Pháp nhưng ít được khán giả Châu Á biết đến và cuối cùng là hành trình khám phá các ca khúc Pháp được yêu thích nhất trong những năm gần đây!
Đêm nhạc Glamour diễn ra tại sân khấu L’Espace sẽ có sự tham gia của các nhạc công tài năng người Pháp và Kenjah David, giọng ca chính cùng hai nữ nghệ sĩ khách mời - Dạ Ngân & Marianne Jan.
Nghệ sĩ Kenjah David
Là giọng ca chính của nhóm, nghệ sĩ người Pháp còn là một nhạc sĩ kiêm nhạc công tài năng. Kenjah David từng theo học tại Học viện Âm nhạc Paris và sau đó là Trường âm nhạc ALTA (Pháp). Anh hoạt động nghệ thuật tại nhiều quốc gia từ châu Phi, châu Âu đến châu Á và thường xuyên biểu diễn tại các tụ điểm âm nhạc nổi tiếng ở New York và Nhật Bản.
Nghệ sĩ Kenjah David
Nghệ sĩ Dạ Ngân
Xuất thân là sinh viên Sư phạm âm nhạc của Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương nhưng những ngã rẽ trong cuộc sống đã đưa Dạ Ngân đến với điện ảnh. Dẫu vậy, với giọng ca nhiều màu sắc, cách hát khi sâu lắng, lúc phóng khoáng, tự do đã đưa Dạ Ngân đến gần hơn với công chúng nghe nhạc tại Hà Nội, đặc biệt là nhạc Pháp. Với cách truyền tải bài hát tự nhiên như tâm sự, Dạ Ngân hứa hẹn sẽ mang đến những thanh âm nhẹ nhàng mà sâu lắng tại đêm nhạc Glamour.
Nghệ sĩ Marianne Jan
Sở hữu giọng hát tinh tế, mềm mại, gợi cảm nhưng giàu nội lực, Marianne Jan truyền tải đầy cảm xúc các ca khúc Pháp nổi tiếng từ Céline Dion đến Jean-Jacques Goldman. Khán giả Hà Nội gần đây đã có cơ hội khám phá tài năng của cô tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội trong vở nhạc kịch Những người khốn khổ.