Chuyển đổi số y tế: Từ định hướng cấp Bộ đến 'tiện tích trong túi' bệnh nhân

01-06-2025 20:07 | Y tế
google news

SKĐS - Tất cả dữ liệu của bệnh nhân đều có trên hệ thống bệnh án điện tử và Quyết định 787/QĐ-BYT ngày 6/3/2025 của Bộ Y tế chính là cú hích quan trọng, mở ra hành trình đổi mới toàn diện trong chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Chuyển đổi số y tế: Từ định hướng cấp Bộ đến 'tiện tích trong túi' bệnh nhân - Ảnh 1.Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Các đơn vị của ngành phải vào cuộc nghiêm túc thực hiện chuyển đổi số y tế

SKĐS - Chuyển đổi số không chỉ là yêu cầu mà còn là cơ hội để hiện đại hóa ngành y tế. Từng đơn vị, từng cán bộ phải vào cuộc nghiêm túc và hiệu quả...

Không còn cảnh xếp hàng từ 5 giờ sáng để lấy số khám, không còn lo quên sổ bệnh án hay bị bác sĩ hỏi đi hỏi lại tiền sử bệnh... Tất cả dữ liệu về lịch sử khám, chữa bệnh của bà Nguyễn Thị Lan (62 tuổi, ở phường Hoàng Mai, Hà Nội) giờ đây đã được lưu giữ đầy đủ trên hệ thống bệnh án điện tử và tích hợp dữ liệu bảo hiểm y tế.

Đây chính là kết quả của chuyển đổi số y tế. Từ một khái niệm mang tính chiến lược đã và đang trở thành hiện thực sống động trong đời sống người dân và Quyết định 787/QĐ-BYT ngày 6/3/2025 của Bộ Y tế chính là cú hích quan trọng, mở ra hành trình đổi mới toàn diện trong chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Từ định hướng cấp Bộ đến tiện ích trong túi áo người dân

Theo Quyết định 787, Bộ Y tế xác định chuyển đổi số là "mũi nhọn đột phá" để phát triển hệ thống y tế hiện đại, hiệu quả và công bằng. Một trong những trọng tâm của kế hoạch hành động này là phát triển bệnh viện thông minh, hồ sơ sức khỏe điện tử và khám chữa bệnh từ xa.

Tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ… người dân đã bắt đầu được tiếp cận với các dịch vụ số hóa y tế một cách thiết thực.

Chuyển đổi số y tế: Từ định hướng cấp Bộ, đến tiện tích trong 'túi áo' của bệnh nhân- Ảnh 2.

Hiện nay, nhờ cuộc "cách mạng" chuyển đổi số y tế, người dân chỉ cần ngồi tại nhà, chờ nhân viên lấy mẫu xét nghiệm và chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ sau đó, kết quả xét nghiệm được "trả về" điện thoại của người dân. Ảnh: NVCC

Chị Lê Ngọc Hân (32 tuổi, phường Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Tôi mang thai tháng thứ 5, được bác sĩ hướng dẫn tải ứng dụng chăm sóc thai kỳ. Mỗi lần đi siêu âm, xét nghiệm đều được cập nhật lên hệ thống. Mình không cần mang theo tập giấy tờ dày cộp nữa. Bác sĩ lần sau chỉ cần mở hồ sơ điện tử là biết tình hình thai kỳ diễn biến ra sao".

Tương tự, anh Phạm Quang Dũng (42 tuổi, công chức tại Quảng Ninh) kể lại: "Cách đây không lâu, tôi bị đau đầu dữ dội nhưng đang đi công tác ở Kon Tum. Nhờ có ứng dụng khám bệnh từ xa, tôi được kết nối với bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ truy cập được lịch sử khám của tôi trong hệ thống, chỉ định làm một vài xét nghiệm tại địa phương rồi gửi kết quả qua ứng dụng. Việc hội chẩn giúp tôi tránh được một ca nhập viện không cần thiết".

Khám bệnh từ xa: Cứu cánh cho người bệnh vùng sâu, vùng xa

Một trong những đột phá lớn được đẩy mạnh theo định hướng chuyển đổi số y tế chính là mô hình hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa qua hệ thống Telemedicine. Nhờ vậy, những ca bệnh tại các huyện miền núi, biên giới không chỉ tiết kiệm chi phí đi lại mà còn được tiếp cận với bác sĩ chuyên môn cao ngay tại bệnh viện địa phương.

Đơn cử, tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Hà (Lào Cai), từ những 2021, những ca bệnh khó đều được kết nối hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Thông qua hội chẩn từ xa, các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, đọc kết quả cận lâm sàng, hình ảnh siêu âm, chụp X-quang phân tích và thống nhất phác đồ điều trị phù hợp.

Chuyển đổi số y tế: Từ định hướng cấp Bộ, đến tiện tích trong 'túi áo' của bệnh nhân- Ảnh 3.

Từ những 2021, những ca bệnh khó tại BVĐK khu vực Bắc Hà (tên mới) đều được kết nối hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Với việc chuyển đổi số y tế này, người bệnh không chỉ tiết kiệm chi phí đi lại, các ca bệnh phức tạp không cần chuyển tuyến, mà đội ngũ cán bộ y tế của bệnh viện cũng được nâng cao năng lực chuyên môn, có thêm kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị ca bệnh khó, chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở được nâng lên rõ rệt.

Là bệnh nhân đang điều trị tại BVĐK khu vực Bắc Hà, ông Giàng A Sình (68 tuổi, dân tộc Mông) chia sẻ: "Tôi không hiểu công nghệ lắm, nhưng mấy năm trước tôi bị đau tim phải đưa về Hà Nội cấp cứu, năm nay chỉ cần khám tại bệnh viện địa phương mà bác sĩ dưới xuôi vẫn xem được hồ sơ bệnh của tôi qua máy tính".

Nếu như trước đây, người dân phải chạy theo dịch vụ y tế, thì nay, nhờ công nghệ, dịch vụ y tế đang dần chạy theo nhu cầu của người dân.

Từ những người cao tuổi ở vùng cao đến các bạn trẻ ở đô thị, từ thai phụ đến người mắc bệnh mãn tính, chuyển đổi số y tế đang phục vụ chính xác, kịp thời và cá nhân hóa.

Chuyển đổi số trong y tế là một hành trình dài hơi, nhưng thành quả đã rõ ràng.

Quyết định 787 là minh chứng cho cam kết của Bộ Y tế trong việc đưa người dân vào trung tâm hệ thống chăm sóc sức khỏe, hiện đại hóa bệnh viện, chuẩn hóa dữ liệu và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.


Bảo Loan
Ý kiến của bạn