BS Khoa Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK tỉnh Phú Thọ xem kết quả chụp trên hệ thống PACS
Ngành y tế Phú Thọ là 1 trong 5 địa phương được vinh danh về thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số. Với nỗ lực, bền bỉ của lãnh đạo Sở Y tế trong xây dựng y tế thông minh, từ việc triển khai hồ sơ sức khỏe cá nhân, bệnh án điện tử, giải quyết thủ tục hành chính công trên mạng, thanh toán không dùng tiền mặt, hướng tới xây dựng BV thông minh đã đưa y tế Phú Thọ từng bước đáp ứng được nhu cầu của người dân.
“Lịch sử không chờ đợi”
TTƯT.BS CKII. Trần Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ mở đầu câu chuyện về phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trong y tế khi khẳng định: CNTT thực sự cần thiết, là công cụ không thể thiếu, đặc biệt hữu hiệu trong công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh (KCB).
TTƯT.BS CKII Trần Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ giới thiệu về Trung tâm điều hành y tế thông minh của tỉnh
Từ năm 2013, TS. Nguyễn Huy Ngọc, khi đó còn là Giám đốc BVĐK tỉnh Phú Thọ đã đi đầu ứng dụng CNTT trong y tế. Là người mạnh mẽ, năng nổ, quyết liệt trong công việc, ham đổi mới, TS. Ngọc đã có nhiều giải pháp để đưa BVĐK tỉnh Phú Thọ là một trong số ít BV hạng I tuyến tỉnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, đăng ký KCB qua điện thoại... và đến khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Y tế, việc ứng dụng CNTT trong y tế lại mạnh mẽ hơn, triệt để hơn.
BS. Trần Minh Khánh - Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ: Trung tâm điều hành y tế thông minh giúp lãnh đạo ngành nắm chắc hoạt động theo từng giờ.
Để có những sự chuyển đổi tích cực, Sở Y tế đã chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Đề án ứng dụng tổng thể CNTT trong ngành y tế giai đoạn 2019-2025.
Ngay sau khi đề án được phê duyệt, Sở Y tế đã phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ CNTT và các cơ sở y tế trên địa bàn quyết liệt triển khai đồng bộ để thực hiện các mục tiêu.
Đến nay, bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực: Về quản lý sức khỏe điện tử, đã khởi tạo Hồ sơ sức khỏe điện tử cho 99% người dân trong tỉnh và đang tiếp tục làm giàu dữ liệu trên hồ sơ của từng cá nhân thông qua mỗi lần KCB; người dân có thể đặt lịch khám bệnh, theo dõi thông tin sức khỏe liên tục, kết nối với các thầy thuốc, chuyên gia để được tư vấn sức khỏe, tự bổ sung hoàn thiện thông tin, dữ liệu sức khỏe cá nhân... thông qua App Bill hồ sơ sức khỏe điện tử trên điện thoại di động SmartFone hoặc qua thẻ KCB thông minh.
Hệ thống xe đi buồng trang bị máy tính của BVĐK tỉnh Phú Thọ có cài đặt phần mềm HIS, EMR sử dụng mạng không dây, hỗ trợ nhân viên y tế truy cập thông tin trực quan, chính xác
Về hoạt động KCB, 100% cơ sở KCB tuyến tỉnh/huyện đã triển khai đồng bộ các phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS), 100% cơ sở KCB tuyến tỉnh và huyện đã triển khai hệ thống thông tin xét nghiệm (phần mềm LIS), truyền tải, xử lý và lưu trữ hình ảnh không in phim (PACS); tích hợp các phần mềm trên với phần mềm bệnh án điện tử (EMR) để tiến tới mục tiêu bệnh viện cơ bản không sử dụng bệnh án giấy ngay trong quý I/2021.
BS CKII Cao Minh Châu, Phó trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK tỉnh Phú Thọ nói về hiệu quả khi triển khai PACS
Hiện nay, các văn bản đi, đến, giao việc, từ tuyến huyện trở lên đều được xử lý trên mạng intenet, 100% áp dụng chữ ký số. Về dịch vụ công, thủ tục hành chính đượcy tế Phú Thọ giải quyết qua hình thức trực tuyến đạt 173/177 thủ tục (97%), số thủ tục hành chính ở mức độ 4 đạt 30%.
Phú Thọ là 1 trong 2 địa phương cả nước đã xây dựng và triển khai thành công Trung tâm Điều hành y tế thông minh, gồm các hợp phần: Xây dựng và quản lý hệ thống báo cáo thông minh; Hệ thống chỉ đạo điều hành thông minh; Hệ thống quản lý và tổ chức cuộc họp; Hệ thống quản lý lịch làm việc; Hệ thống quản lý văn bản; Tích hợp hệ thống khảo sát hài lòng người bệnh, khảo sát người bệnh nội trú; tích hợp với dịch vụ hành chính công; kết nối với các phần mềm quản trị bệnh viện, hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, kê đơn điện tử, hệ thống giám sát dịch bệnh, dự báo dịch bệnh...
Trung tâm là cơ sở dữ liệu y tế tương đối đầy đủ của địa phương, gồm thông tin về nhân lực y tế, các cơ sở y tế, tài chính y tế, nhóm thông tin về lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng (hồ sơ sức khỏe cá nhân, dữ liệu y khoa lâm sàng, kết quả xét nghiệm, hình ảnh y tế...
Trên cơ sở dữ liệu y tế, ứng dụng các phần mềm chuyên dụng, trung tâm đã phân tích, hiển thị các hệ thống báo cáo thông minh; hệ thống chỉ đạo điều hành thông minh; hệ thống quản lý văn bản; hệ thống giám sát thời gian thực qua hệ thống camera... Hoạt động KCB được cập nhật 1 giờ/lần, từ đó giúp nâng cao năng lực quản lý và điều hành của lãnh đạo ngành y tế.
BS. Trần Minh Khánh, khi nói về chuyển đổi số của ngành bộc bạch: Lịch sử không chờ đợi ai. Chúng ta phải nỗ lực thay đổi.
Thay đổi để nâng chất
TS Nguyễn Quang Ân, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, BVĐK tỉnh Phú Thọ nói về vai trò của RAPID trong hỗ trợ, chẩn đoán điều trị đột quỵ
Trong hoạt động KCB, không thể không nhắc đến việc BVĐK tỉnh Phú Thọ triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo IBM Watson Oncology trong hỗ trợ điều trị ung thư; Hệ thống trí tuệ nhân tạo RAPID trong hỗ trợ chẩn đoán và điều trị đột quỵ; Hợp tác với Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (BigData) thuộc Tập đoàn VinGroup triển khai nghiên cứu ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo VinDr trong hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh y tế...
BSCKII. Hoàng Xuân Đoài, Giám đốc BVĐK tỉnh Phú Thọ khẳng định, BV đang nỗ lực thực hiện mô hình BV thông minh nhằm đem lại an toàn cho người bệnh, tiết kiệm thời gian điều trị. Bệnh viện đã tiên phong và ứng dụng mạnh mẽ các kỹ thuật mới trong lĩnh vực y tế, thực hiện đồng bộ công tác số hóa BV bao gồm bệnh án điện tử, áp dụng chữ kỹ số.
Hệ thống vận chuyển mẫu tự động bằng phương pháp hút chân không LIS từ các khoa lâm sàng về phòng xét nghiệm là một trong những điểm nổi trội, giúp vận chuyển mẫu nhanh, tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng mẫu và đảm bảo kết quả xét nghiệm một cách chính xác nhất. Hệ thống PACS tại bệnh viện đã liên thông và đẩy lên hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành.
Trong giai đoạn kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo cũng đã “tham gia” tích cực công tác KCB. BVĐK tỉnh Phú Thọ là bệnh viện đầu tiên trong cả nước ứng dụng thành công trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ giúp mở rộng giờ vàng điều trị lên đến 24 giờ thay vì 6 giờ như phương pháp thông thường.
Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao, Phú Thọ đã triển khai cấp thẻ KCB thông minh đến người dân
BS. Ngô Oanh Oanh, Phó Giám đốc TTYT huyện Lâm Thao, Phú Thọ hồ hởi thông báo với chúng tôi, từ đầu năm 2020, cán bộ trung tâm đã phát hành thẻ KCB thông minh cho người dân trên toàn huyện, đến nay đã phát hành được 32.696 thẻ.
Việc thực hiện quản lý hệ thống biểu mẫu thống kê y tế đã được thực hiện bằng phần mềm quản lý y tế, giảm tải rất nhiều cho y tế xã, giúp hoạt động quản lý, khám, điều trị bệnh nhân thuận lợi hơn.
Nhân viên y tế TTYT huyện Lâm Thao, Phú Thọ hướng dẫn người dân làm thủ tục khám bệnh qua thẻ thông minh
Cán bộ, y bác sĩ chỉ cần tra cứu trên phầm mềm, mọi thông tin liên quan đến người bệnh đều có đầy đủ, từ tiền sử bệnh, những lần khám trước đó; thông tin thẻ BHYT được lưu trữ. Qua đó, rút ngắn thời gian tổng hợp, thống kê số liệu cho nhân viên y tế; việc báo cáo số liệu lên tuyến trên được thực hiện dễ dàng, kịp thời. Nhờ những tiện ích của phần mềm thống kê, trạm cũng nắm bắt, quản lý tốt trẻ trong diện tiêm chủng, phụ nữ mang thai, hoạt động dân số - KHHGĐ,... trên địa bàn.
BS Ngô Oanh Oanh, Phó giám đốc TTYT huyện Lâm Thao, Phú Thọ: ứng dụng CNTT trong ngành y tế giúp bác sĩ cơ sở "giảm tải" trong công việc
BS. Ngô Oanh Oanh cho biết thêm, hiện nay, 14/14 trạm y tế xã trên địa bàn huyện đều ứng dụng CNTT trong hoạt động KCB và y tế dự phòng; tham gia thanh quyết toán BHYT bằng phần mềm trực tuyến, dữ liệu được xử lý và thanh toán hàng ngày.
Với bước đi mạnh dạn và nỗ lực của lãnh đạo ngành y tế Phú Thọ, cùng sự đồng hành của Bộ Y tế, Cục CNTT ngành y tế Phú Thọ đang hoàn chỉnh và sớm có hệ thống y tế thông minh, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân.