Chuyển đổi số y tế không thể bỏ qua bệnh án điện tử

08-09-2022 09:30 | Y tế
google news

Bệnh án điện tử đã trở thành xu hướng bắt buộc trên hành trình chuyển đổi số y tế ở nước ta. Từng bước loại bỏ bệnh án giấy, liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện, phòng khám sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao có thể vừa liên thông dữ liệu vừa đảm bảo tính bảo mật trong y khoa? Đây là bài toán thách thức cho các doanh nghiệp khi triển khai phần mềm bệnh án điện tử.

Gỡ khó khi "khai tử" bệnh án giấy

Theo các chuyên gia công nghệ y tế, thời gian qua, y tế Việt Nam đã có bước chuyển biến vô cùng mạnh mẽ khi hòa mình vào dòng chảy công nghệ 4.0. Trong đó, bệnh án điện tử (EMR) được xem là bước tiến trong công tác quản lý hồ sơ bệnh án và phục vụ đắc lực cho hoạt động khám chữa bệnh (KCB), giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực, mang lại độ chính xác cao, đơn giản hóa thủ tục hành chính... Bệnh án điện tử đang là mục tiêu hướng tới của nhiều bệnh viện trên cả nước.

Lợi ích thiết thực cho người bệnh và cả nhân viên y tế đều đã thấy rõ, tuy nhiên trên thực tế việc triển khai bệnh án điện tử vẫn đang là bài toán 'đau đầu' đối với các nhà quản lý bệnh viện. Tính đến cuối tháng 7/2022 mới chỉ có 34 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc công bố triển khai bệnh án điện tử, trong đó chỉ lác đác một vài bệnh viện tuyến trung ương hiện thực hóa được điều này. Đây là con số quá khiêm tốn so với tổng số cơ sở y tế của cả nước. Điều gì khiến các cơ sở y tế chưa 'mặn mà' với bệnh án điện tử?

Là người đi sâu tìm hiểu về chuyển đổi số y tế và bệnh án điện tử ngay từ những ngày đầu, Bác sĩ Bảo Phi – Cố vấn Công nghệ thông tin của BV Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai) chia sẻ "trở ngại là rất lớn, nếu muốn thực hiện bệnh án điện tử sâu hơn và trên quy mô rộng". Một số thách thức phải kể đến như:

Thứ nhất, cơ sở hạ tầng và hệ thống phần mềm: Đây là một trong những khó khăn lớn nhất. Ví dụ một bệnh viện có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mức 3 khi đầu tư lên mức 6; Đầu tư, nâng cấp LIS, PACS mức nâng cao thì kinh phí không phải là con số nhỏ. Nhiều bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe vẫn đang e dè trong việc đầu tư vốn để ứng dụng bệnh án điện tử, một phần vì chi phí cao, một phần vì để triển khai bệnh án điện tử "tới cùng" cần nhiều nguồn lực và là cả một chặng đường dài.

Thứ 2, hiện tại các bệnh viện/cơ sở y tế đang sử dụng những phần mềm HIS, LIS, PACS của nhiều đơn vị cung ứng khác nhau, không theo một chuẩn chung, rất khó tương thích trong kết nối giữa các tuyến, chưa nói đến việc tương thích với các phần mềm khi bệnh nhân thăm khám tại các cơ sở y tế nước ngoài. Nếu ứng dụng bệnh án điện tử nhưng không tích hợp được với các phần mềm đang sử dụng thì sẽ làm xáo trộn quy trình hoạt động bình thường của đơn vị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc theo dõi, cập nhật dữ liệu sức khỏe và thăm khám bệnh nhân.

Bên cạnh đó, khi thực hiện chuyển đổi số, trình độ của một số cán bộ y tế chưa thể đáp ứng khi thay đổi từ bệnh án giấy sang thực hiện trên máy tính, nên cần đào tạo thêm hoặc có thể phải chuyển sang bộ phận khác, điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của họ.

Với kinh nghiệm triển khai thành công bệnh án điện tử tại BV Đa khoa khu vực Long Khánh, BS. Bảo Phi cho rằng, để tháo gỡ những trở ngại nói trên cần hỗ trợ ngân sách đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở y tế để giải quyết nhưng bước đầu tư ban đầu. Về lâu dài cần đưa chi phí công nghệ thông tin vào cấu thành trong giá dịch vụ KCB và có những ràng buộc về mức thanh toán chi phí bảo hiểm y tế với mức độ chuyển đổi số của cơ sở KCB. Điều này sẽ là đòn bẩy, động lực thúc đẩy các cơ sở KCB triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy. Nó cũng sẽ tương tự như năm 2016, lúc đó chưa đến 30% cơ sở KCB có phần mềm HIS nhưng sau khi thực hiện quy định liên thông cổng bảo hiểm xã hội để thanh toán BHYT thì đến nay 100% cơ sở KCB đã triền khai HIS trong hoạt động của cơ sở.

Để chọn được một phần mềm EMR đáp ứng tốt cho hoạt động của cơ sở KCB, ngoài các tiêu chuẩn phải đạt được theo quy định của Thông tư 46/2018/TT-BYT, giải pháp còn phải kết nối được và hoạt động tương thích với các phần mềm hiện có của cơ sở. Trong đó cần lưu ý đến khả năng lưu vết tất cả thay đổi nội dung đã nhập vào EMR của người dùng, đáp ứng kỹ thuật ký số các nội dung trong phiếu điều trị theo thời gian thực và đáp ứng các chuẩn liên thông quốc tế theo quy định hiện hành.

Cùng với đó, cần sớm thay đổi về các quy định, hoạt động hành chính liên quan tới lưu trữ hồ sơ, phương pháp quản lý và thói quen làm việc của nhân viên và cán bộ y tế để có thể triển khai thành công công cuộc chuyển đổi số. Đây cũng chính là bài toán lớn cần tìm lời giải ở các bệnh viện, cơ sở y tế.

Giải pháp EMR từ INFOMED - Bước đột phá công nghệ thông tin mới trong y tế

Rõ ràng, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy là đích đến của các bệnh viện, cơ sở y tế. Nhằm tháo gỡ khó khăn mà các cơ sở y tế gặp phải khi triển khai bệnh án điện tử, các chuyên gia của Công ty Cổ phần Infomed đã dày công nghiên cứu và phát triển phần mềm bệnh án điện tử EMR theo tiêu chuẩn quốc tế.

Vừa qua, giải pháp EMR này đã được Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) cấp bản quyền sáng chế, ghi dấu ấn cho một giải pháp bệnh án điện tử toàn diện giúp bác sĩ và bệnh nhân kết nối dễ dàng, nhanh chóng, tối ưu vận hành, tiện ích khi sử dụng cho các y bác sĩ và tính bảo mật cao, hỗ trợ quá trình thăm khám, điều trị.

Chuyển đổi số y tế không thể bỏ qua bệnh án điện tử - Ảnh 1.

Giải pháp EMR phát triển bởi INFOMED được USPTO cấp bằng sáng chế về việc áp dụng công nghệ blockchain và e-document.

Theo ông Nguyễn Francis Tuấn Anh - Chủ tịch Công ty Cổ phần INFOMED, giải pháp bệnh án điện tử này có cơ sở pháp lý và chức năng tương đương với bệnh án giấy, tuân thủ theo các tiêu chí tại Thông tư 46 và 54 quy định về Bệnh án điện tử mà Bộ Y tế đã ban hành.

Trong lĩnh vực Công nghệ y tế (Medtech) tại Việt Nam, đây là giải pháp bệnh án điện tử đầu tiên được cấp bằng sáng chế độc quyền cho việc ứng dụng các nền tảng công nghệ hàng đầu và tiện ích, với những đặc điểm nổi trội:

- Khả năng linh động khi thay đổi mẫu biểu dùng công nghệ Microsoft Word thân thiện với bác sĩ, dễ sử dụng với cấu hình được thiết kế như bệnh án giấy, không làm thay đổi bất kỳ quy trình làm việc của bệnh viện, phòng khám (e-document thay vì e-form).

- Khả năng ứng dụng máy học và trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu.

- Ghi vết dữ liệu (change tracking); Bảo mật dữ liệu y tế cao với công nghệ Blockchain, có thể ký điện tử, gắn vào bệnh án đúng với thời gian ra y lệnh và hỗ trợ nhiều loại chữ ký số của nhiều nhà cung cấp trên thị trường. Những nội dung đã ký không thể sửa đổi, đảm bảo tính minh bạch của hồ sơ.

Đặc biệt, công nghệ blockchain được sử dụng nhằm tăng cường tối đa an toàn thông tin cho dữ liệu y khoa, đáp ứng tiêu chuẩn FHIR theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế và tuân thủ luật HIPAA về bảo vệ dữ liệu sức khỏe chuẩn Hoa Kỳ.

- Kết nối trực tiếp và tích hợp với các thiết bị y tế, hệ thống quản lý bệnh viện/phòng khám (HIS/CIS) hiện hữu, hệ thống thông tin phòng thí nghiệm (LIS) hiện hữu hay thông qua HIS/CIS, hệ thống thông tin X-quang/hệ thống lưu trữ hình ảnh và thông tin liên lạc (RIS/PACS) hiện hữu hay thông qua HIS/CIS... của bệnh viện/phòng khám/tuyến y tế cơ sở.

"Với những khả năng tùy biến như trên, thay vì phải thao tác trên phần mềm, bác sĩ sẽ có nhiều thời gian hơn để khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Việc KCB có cơ hội cao được mở rộng cho tất cả người bệnh chứ không phải chỉ là bệnh nhân có điều kiện. Đó chính là mục tiêu xứng đáng của ngành y tế" – Ông Nguyễn Francis Tuấn Anh chia sẻ.

Hiện, sáng chế về phần mềm Bệnh án điện tử này đã được áp dụng thực tế tại một số bệnh viện và phòng khám tư nhân, hỗ trợ tích cực cho hành trình xây dựng cơ sở y tế "không giấy tờ" với nhiều tiện ích, số hóa và minh bạch hóa quy trình, đồng thời góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số y tế quốc gia, sâu và rộng hơn tại các địa phương.


PV
Ý kiến của bạn