
Hết cảnh chen chúc xếp hàng ở bệnh viện từ tờ mờ sáng nhờ chuyển đổi số y tế
Một trong những trải nghiệm thay đổi rõ rệt nhất với người dân là đặt lịch khám bệnh trực tuyến và đặt lịch lấy mẫu xét nghiệm tại nhà. Đây là những tính năng được các bệnh viện lớn triển khai đồng bộ trong thời gian gần đây.
Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Huyền (45 tuổi, ở phường Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, nếu như trước đây, mỗi lần khám tổng quát, chị và gia đình phải thức dậy từ khi trời chưa sáng để 5h30 có mặt tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (cơ sở 1 ở phố Tôn Thất Tùng) để lấy số, xếp hàng chờ được khám bệnh, thì nay, khi bệnh viện có cơ sở 2 đặt tại phường Cầu Giấy (Hà Nội), chị Huyền chỉ cần đặt lịch khám từ ngày hôm trước và có mặt tại cơ sở bệnh viện đúng thời gian như đã hẹn, hoạt động thăm khám bệnh chị Huyền không cần xếp hàng chờ.

Theo chị Huyền, việc đặt lịch online không chỉ giúp giảm tải cho bệnh viện mà còn giúp phân luồng bệnh nhân hiệu quả, tránh quá tải cục bộ.
Chị Huyền cho biết: "Đến đúng giờ, trình số điện thoại để lấy sổ khám rồi lên phòng khám theo hướng dẫn. Đến nơi có quầy tiếp đón riêng cho người đặt lịch trước, không phải chờ như xưa nữa. Rất tiết kiệm thời gian và công sức cho người bệnh".
Bởi theo chị Huyền, việc đặt lịch online không chỉ giúp giảm tải cho bệnh viện mà còn giúp phân luồng bệnh nhân hiệu quả, tránh quá tải cục bộ.
Tiếp cận y tế hiện đại từ…trong nhà bệnh nhân
Không chỉ dừng lại ở việc đặt lịch khám tại bệnh viện, giờ đây, người dân Thủ đô còn có thể chủ động kiểm tra sức khỏe ngay tại nhà với chỉ một cú chạm điện thoại. Đó là dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà và trả kết quả qua điện thoại kèm tư vấn từ bác sĩ đã và đang trở thành lựa chọn quen thuộc của người dân Thủ đô. Đặc biệt với những người cao tuổi, bận rộn hoặc có bệnh lý mãn tính.
Chị Nguyễn Thùy Linh (34 tuổi, phường Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Vì hay bị mệt mỏi, tôi muốn kiểm tra tổng quát nhưng ngại đi lại giữa tuần. Tôi lên app đặt lịch lấy máu tại nhà của Bệnh viện Medlatec, chọn khung giờ sáng chủ nhật. Nhân viên đến đúng giờ, thao tác chuyên nghiệp. Chỉ vài tiếng sau, tôi đã nhận được kết quả qua ứng dụng".

Hiện nay, thay vì đến bệnh viện xếp hàng để chờ đợi lấy mẫu xét nghiệm, thì một số bệnh viện đã triển khai việc lấy mẫu tại nhà thông qua kết nối điện thoại hoặc internet. Đây chính là điểm chạm đầu tiên mà người dân cảm nhận rõ rệt tiện ích có lợi. Ảnh: Bảo Loan
Không chỉ nhận kết quả nhanh, chị Linh còn bất ngờ khi nhận được cuộc gọi từ bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện này để phân tích chỉ số bất thường và tư vấn chế độ ăn uống – nghỉ ngơi.
"Tôi tưởng phải tự xem chỉ số trên giấy như trước nhưng bác sĩ chủ động gọi, giải thích từng mục rất rõ, có cả gợi ý cần khám thêm nếu có dấu hiệu khác. Tôi thấy rất được quan tâm, chứ không chỉ là khách hàng đơn thuần", chị Linh cho hay.
Theo thống kê từ Bộ Y tế, trong quý II/2025, đã có trên 4 triệu lượt đặt lịch khám bệnh online qua các nền tảng y tế tích hợp tại Việt Nam.
Tích hợp BHYT – CCCD: Bước tiến dữ liệu đồng bộ
Từ đầu năm 2025, việc tích hợp bảo hiểm y tế vào căn cước công dân gắn chip đã giúp giảm mạnh tình trạng người dân quên/mất thẻ bảo hiểm khi đi khám. Đặc biệt, việc này cũng giúp liên thông hồ sơ bệnh án điện tử giữa các tuyến điều trị, giúp bác sĩ tiếp cận lịch sử bệnh của bệnh nhân nhanh chóng, chính xác hơn.
Theo đại diện lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội TP Hà Nội, việc tích hợp CCCD với BHYT là một trong những kết quả tiêu biểu của chuyển đổi số y tế.

vVệc tích hợp CCCD với BHYT là một trong những kết quả tiêu biểu của chuyển đổi số y tế. Ảnh: Duyên Phan
Rõ ràng, việc chuyển đổi số y tế không chỉ là việc ứng dụng công nghệ, mà là thay đổi toàn diện về tư duy quản lý, cách chăm sóc sức khỏe và mô hình cung cấp dịch vụ. Quyết định 787/QĐ-BYT chính là nền móng để thúc đẩy điều này. Bởi, từ việc người dân tự theo dõi chỉ số sức khỏe qua thiết bị đeo tay, đến khai thác lịch sử tiêm chủng, tầm soát ung thư định kỳ, mọi thứ đang từng bước được số hóa và kết nối trên một nền tảng thống nhất.
Và với mỗi cú chạm vào điện thoại để đặt lịch khám, với mỗi lần bệnh nhân tra cứu kết quả xét nghiệm ngay tại nhà, người dân đang từng bước cảm nhận được một nền y tế "thông minh, tiện lợi và nhân văn" ngay trong đời sống thường nhật của mình.
Bệnh viện công ở Hà Nội lần lượt triển khai bệnh án điện tử
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến giữa tháng 4/2025, Hà Nội đã có 11/42 bệnh viện công lập đã triển khai bệnh án điện tử, gồm: Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, Bệnh viện Đa khoa Sóc Sơn, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Bệnh viện Đa khoa huyện Quốc Oai, Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức, Bệnh viện Nhi Hà Nội (đạt 26,2%).
100% các cơ sở y tế công lập đã triển khai đón tiếp khám chữa bệnh bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, VNeID thay thế thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Bệnh viện Đa khoa Ba Vì là 1 trong 11/24 bệnh viện công lập đã triển khai bệnh án điện tử từ tháng 10/2024. Ảnh: Bảo Loan
Bệnh án điện tử là hệ thống quản lý toàn bộ thông tin sức khỏe của người dân trong quá trình khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, bao gồm thông tin cá nhân, lịch sử khám bệnh, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và đơn thuốc... được lưu trữ, cập nhật liên tục bằng phương tiện điện tử.
Bên cạnh lợi ích đối với người dân, bệnh án điện tử còn giúp cơ sở y tế tiết kiệm chi phí vận hành và bảo quản hồ sơ giấy.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế là xu hướng phát triển tất yếu, việc này rất có lợi cho người dân, có ích cho ngành y tế, tạo thuận lợi cho thầy thuốc khi hành nghề, là một nội dung quan trọng có ý nghĩa thực tiễn. Trong đó có việc triển khai bệnh án điện tử là bước đột phá quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số của ngành y tế.
Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập khẩn trương triển khai bệnh án điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ hoàn thành trước ngày 30-9-2025.
Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, bệnh án điện tử được bắt đầu triển khai thí điểm từ năm 2021. Đến nay, bệnh viện đã triển khai đồng bộ các giải pháp tích hợp đăng ký khám bệnh bằng nhận diện khuôn mặt, bệnh nhân được xác thực danh tính trong lần đầu đăng ký khám bằng căn cước công dân gắn chíp và thẻ BHYT.
Ngoài bệnh án điện tử, Hà Nội có 5 bệnh viện triển khai Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) gồm: Tim Hà Nội, Phụ sản Hà Nội, Ung Bướu Hà Nội, Xanh Pôn và Thanh Nhàn. Đặc biệt, ngành Y tế Hà Nội bước đầu thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Đức Giang.