Mới đây, trong khuôn khổ Techfest Vietnam 2020, hội thảo chuyên đề mang tên “Chuyển đổi số cho y tế thông minh – Digital transformation solutions to revolutionize healthcare” đã được VMED Group – Trưởng làng Công nghệ Y tế chủ trì tổ chức.
Nội dung chính của buổi hội thảo xoay quanh xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và đặc biệt là ngành y tế Việt Nam. Thông qua đây, các chuyên gia đã đưa ra các vấn đề bức thiết trong lĩnh vực chuyển đổi số y tế, đồng thời đề xuất phương hướng nhằm khai thác tiềm năng to lớn của nó.
Cơ hội dành cho các start-up
Tại hội thảo, PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), khẳng định chuyển đổi số y tế là vấn đề không mới. Tuy nhiên, cơ hội dành cho các start-up tham gia vào lĩnh vực này vẫn luôn rộng mở và nhiều tiềm năng. Đặc biệt, năm 2020 với sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã góp phần làm rõ hơn bao giờ hết nhu cầu phát triển công nghệ của ngành y tế.
PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) chia sẻ cơ hội dành cho các start-up
Bên cạnh đó, một loạt sự cố môi trường thời gian qua như ô nhiễm nguồn nước, các vụ cháy nổ, lũ lụt…đã tạo ra một sức ép khổng lồ về nhu cầu gia tăng năng lực xử lý các vấn đề sức khỏe con người. Dù vậy, theo ông Hải, sức ép này kết hợp với lực đẩy của công nghệ chính là giải pháp hứa hẹn sẽ thay đổi tình hình hiện tại.
Trong đó, chủ thể chính là lực lượng lao động, những người ở độ tuổi trưởng thành có khả năng hiện thực hóa các giải pháp. Tuy nhiên, chúng ta cần tích cực tác động và đào tạo nguồn nhân lực ngay từ lứa tuổi trẻ – đối tượng nhạy bén trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ.
Đồng ý với quan điểm này, ông Lê Huy Hòa, Phòng Nghiên cứu và Phát triển, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) nhấn mạnh và liệt kê một số cơ hội dành cho các start-up có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Đó là đào tạo, kiểm tra trực tuyến, chẩn đoán và chăm sóc sức khỏe từ xa hay đặc biệt là hồ sơ sức khỏe cá nhân dựa trên nền tảng Blockchain.
“Theo góc nhìn của tôi, công nghệ đơn thuần là nghệ thuật sử dụng công cụ. Công cụ ở đây bao gồm toàn bộ những gì chúng ta có trong tay như Panorama, công nghệ thời gian thực, hồ sơ sức khỏe cá nhân, sự hợp tác và GIS”, ông Hòa nhận định.
Theo đó, chuyển đổi số được ông nhìn nhận là quá trình hội tụ mọi tiến bộ công nghệ và thúc đẩy công nghệ tiến bộ, chủ yếu là công nghệ số, với mục đích tạo ra gia tốc tăng trưởng và duy trì bền vững sức sáng tạo của tổ chức.
Đây là bài toán, đồng thời cũng là gợi ý lời giải dành cho các start-up có mong muốn dấn thân vào lĩnh vực còn mới mẻ này. Và để hiện thực hóa những điều này, chắc chắn không thể thiếu sự đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện từ Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan.
Bộ Y tế mở đường
Đại diện cho Bộ Y tế, ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, chia sẻ: “Y tế là một trong 8 ngành trọng điểm được Chính phủ ưu tiên chuyển đổi số. Bộ Y tế đang lên kế hoạch triển khai bệnh viện ‘3 không’ – không xếp hàng, không hồ sơ giấy, không thanh toán bằng tiền mặt”.
Trước đó, Bộ Y tế đã đặt ra tầm nhìn chuyển đổi số ngành y tế tới năm 2030. Đó là việc ứng dụng công nghệ số trên hầu hết hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh, thay bệnh án điện tử cho bệnh án giấy.
Để hiện thực điều này, Bộ Y tế đã lên sẵn những mục tiêu cụ thể về chuyển đổi số y tế tới lần lượt các mốc thời gian là năm 2025 và 2030. Trong đó, nội dung thay đổi sẽ bao gồm chuyển đổi số trong nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, dịch vụ và nền tảng số, đảm bảo an ninh thông tin, hợp tác quốc tế, phát triển nguồn nhân lực, chính phủ số trong y tế, kinh tế số, xã hội số y tế, đồng thời chuyển đổi số trong chăm sóc sức khỏe và chính các bệnh viện.
Đặc biệt, Bộ Y tế đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số y tế do Bộ trưởng làm Trưởng ban, các đồng chí Thứ trưởng làm Phó trưởng ban, lãnh đạo Văn phòng Bộ, các Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra Bộ, một lãnh đạo sở y tế và các bệnh viện tuyến trung ương làm ủy viên. Theo đó, mỗi đơn vị sẽ có nhiệm vụ riêng để bằng mọi cách thực hiện chuyển đổi số y tế toàn diện, đúng mục tiêu và thời hạn.
Ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế chia sẻ về tầm nhìn và các mục tiêu cụ thể của Bộ Y tế trong tiến trình chuyển đổi số ngành y
Bên cạnh đó, ông Nam cũng bày tỏ mong muốn Bộ Y tế có thể kết nối sâu với doanh nghiệp và các start-up để ứng dụng công nghệ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh theo đúng mục tiêu đã đề ra. Đây chính là cơ hội và thời điểm không thể phù hợp hơn dành cho những doanh nghiệp dám nghĩ, dám làm.
Sự quan tâm của Chính phủ, đồng hành của Bộ Y tế kết hợp với tinh thần chủ động tìm hiểu nhu cầu thị trường, tích cực kết nối và tâm thế sẵn sàng mở lối tiên phong sẽ giúp các doanh nghiệp công nghệ y tế tìm ra lời giải cho các bài toán thực tế. Đó cũng chính là nền tảng vững chắc để tạo ra một hệ sinh thái y tế số hoàn thiện, đem đến những đổi thay toàn diện cho nền y tế nước nhà.