Hà Nội

Chuyển đổi số y tế cần thiết cho người dân trong chăm sóc sức khỏe

02-12-2022 15:16 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số y tế đóng góp không nhỏ trong việc kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội.

Ngày 2/12, tại TP Vinh (Nghệ An) đã diễn ra Hội nghị chuyển đổi số Y tế khu vực phía Bắc. Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số y tế đóng góp không nhỏ trong việc kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội.

Chính vì vậy, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã phối hợp triển khai rất hiệu quả nhiều ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như: Các ứng dụng quản lý khai báo y tế, xét nghiệm, quản lý ca bệnh, quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19, quản lý oxy y tế…;

Triển khai nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử; Khánh thành và đưa vào sử dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa tại hơn 1.000 cơ sở y tế trong cả nước; Các ứng dụng tư vấn khám chữa bệnh từ xa, hỗ trợ người dân…

Đặc biệt, thời gian qua các đơn vị, địa phương đã nỗ lực, ưu tiên nhiều nguồn lực triển khai chuyển đổi số y tế. Đến nay, việc chuyển đổi số y tế đã đạt được các kết quả tích cực về chuyển đổi nhận thức; về kiến tạo thể chế; về phát triển hạ tầng số; về phát triển các nền tảng số và về an toàn, an ninh mạng.

Chuyển đổi số y tế: Mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trong công tác chăm sóc sức khỏe - Ảnh 1.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đánh giá cao những kết quả đạt được của các đơn vị, địa phương trong công cuộc chuyển đổi số y tế, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Ngoài những kết quả đạt được, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng chỉ rõ một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết như: nhiều địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số y tế; Nguồn nhân lực và hạ tầng CNTT tại các đơn vị còn thiếu và yếu do thiếu cơ chế tài chính, nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số y tế; 

Số lượng các cơ sở khám chữa bệnh triển khai bệnh án điện tử theo Thông tư số 46/2018/TT-BYT còn rất hạn chế, mới có 37 cơ sở trên toàn quốc, con số này rất khiêm tốn so với mục tiêu và lộ trình đặt ra, bên cạnh đó Thông tư 46/2018/TT-BYT hiện còn những quy định không còn phù hợp với thực tiễn; 

Số lượng cơ sở khám, chữa bệnh triển khai y tế từ xa đang ngày càng phổ biến, tuy nhiên hiệu quả triển khai còn chưa rõ ràng khi vướng mắc về cơ chế tài chính và các quy định có liên quan của pháp luật về khám chữa bệnh.

Với những khó khăn đó, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, trong đó có nội dung xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định quản lý dữ liệu y tế; ban hành Thông tư điều chỉnh, bổ sung của các Thông tư số 49/2017/TT-BYT, Thông tư số 54/2017/TT-BYT và Thông tư số 46/2018/TT-BYT. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của Bộ Y tế, ưu tiên thúc đẩy những chỉ số còn thấp.

Ngoài ra, tập trung triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trong công tác chăm sóc sức khỏe.

Khẩn trương xây dựng kế hoạch chuyển đổi số tổng thể, toàn diện, bám sát các văn bản hướng dẫn, các chương trình, đề án của Bộ Y tế; khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 2955/QĐ-BYT của Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; 

Tăng cường truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số y tế để các cơ quan, đơn vị, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của chuyển đổi số y tế. Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng thẻ CCCD gắn chíp khi khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế.

Chuyển đổi số y tế: Mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trong công tác chăm sóc sức khỏe - Ảnh 3.

BVĐK TP Vinh đã triển đăng ký khám chữa bệnh bằng căn cước công dân có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID - tài khoản định danh điện tử.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận một số nội dung như: Phổ biến triển khai Kế hoạch thúc đẩy các nền tảng số y tế và hướng dẫn thực hiện; Giới thiệu dự thảo sửa đổi Thông tư 53/2014/TT-BYT, 49/2017/TT-BYT, 54/2017/TT-BYT, 46/2018/TT-BYT; Chia sẻ về hệ thống y tế Nhật Bản và chiến lược y tế điện tử quốc gia; Đảm bảo an toàn trong chuyển đổi số, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý khám chữa bệnh và quản trị tại BVĐK TP Vinh.

Ngoài ra còn có các tham luận về giải pháp Telehealth tại Việt Nam; Y tế số cho người dân; Xây dựng kho dữ liệu y tế và ứng dụng AI trong khai thác dữ liệu cũng như giải đáp các thắc mắc, kiến nghị, khó khăn của các đơn vị trong việc triển khai chuyển đổi số y tế.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long cho biết, đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 100% các sở, ban, ngành, địa phương sử dụng chữ ký số và kết nối liên thông văn bản; 100% văn bản đi được gửi dưới dạng điện tử (trừ văn bản mật). Tất cả hệ thống văn bản đi - đến được xử lý trên môi trường mạng.

Tỉnh đang chuẩn bị cho việc tích hợp các dịch vụ dùng chung khác vào hệ thống; tích hợp trục liên thông văn bản; hoàn thành thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với một số hệ thống thông tin của bộ, ngành Trung ương thông qua nền tảng kết nối, chia sẻ, tích hợp dữ liệu Quốc gia. Từng bước thực hiện lộ trình chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.

Đối với ngành Y tế, địa phương đã xây dựng Hệ thống giao ban trực tuyến từ Sở Y tế đến 21/21 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh và đến các đơn vị; 89/89 thủ tục hành chính được thực hiện Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; 100% các cơ sở khám chữa bệnh từ tỉnh, huyện, xã đã triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT.

Kết nối, liên thông dữ liệu với Cổng Tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam; 97% việc lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe cho 3,4 triệu người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đạt 97%. Đã có 03 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử và dự kiến đến cuối năm sẽ có thêm 03 bệnh viện triển khai.

Lịch nghỉ Tết Quý Mão 2023 của sinh viên các trường đại họcLịch nghỉ Tết Quý Mão 2023 của sinh viên các trường đại học

SKĐS - Lịch nghỉ Tết Quý Mão 2023 của sinh viên các trường đại học đã được thông báo.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Trời lạnh cóng trên đỉnh Mẫu Sơn: Nhiệt độ giảm còn 4 độ C | SKĐS


V. Đồng
Ý kiến của bạn