Nếu như những lần trước phải đi từ khoảng 4 giờ sáng đến xếp hàng, lấy số thứ tự để khám bệnh thì lần này đến hơn 8 giờ, ông Nguyễn Văn Thái (59 tuổi, ở phường Bến Thủy, thành phố Vinh, Nghệ An) mới có mặt tại BVĐK TP Vinh để khám bệnh. Ông Thái chia sẻ, ông không phải đi thật sớm như trước là do bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin, giúp người bệnh đăng ký, lấy số thứ tự khám bệnh qua ứng dụng "BVTP VINH" trên điện thoại thông minh.
Người bệnh chỉ cần có mặt đúng giờ đã đăng ký để gặp bác sĩ. Kết quả cũng được bác sĩ thông báo trên ứng dụng, giúp người bệnh tiện theo dõi sức khỏe.
Một ca cấp cứu được đưa vào Bệnh viện Việt Đức, sau đó toàn bộ phim chụp cùng kết quả các xét nghiệm lập tức được chuyển qua đường truyền đến PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - đang trong chuyến công tác ở Lào Cai, để ra quyết định cuối cùng cho ca phẫu thuật. Sự nhanh chóng đầy hiệu quả này là kết quả của việc Bệnh viện Việt Đức đã sớm ứng dụng 100% công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số vào hoạt động khám, chữa bệnh.
Đây chỉ là những cơ sở y tế trên cả nước đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh cũng như các hoạt động của bệnh viện. Có thể thấy, chuyển đổi số trong y tế, đặc biệt là số hóa thông tin từ hồ sơ bệnh án, kết quả cận lâm sàng, triển khai Telehealth đã giúp cho bác sĩ hội chẩn trực tuyến với đồng nghiệp, chuyên gia đầu ngành từ nhiều điểm cầu trong và ngoài viện để kịp thời đưa ra phương án chữa bệnh hiệu quả nhất cho người bệnh cũng như hỗ trợ, cập nhật kiến thức thường xuyên cho cán bộ, nhân viên y tế...
Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã trao đổi với ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Y tế xung quanh việc thực hiện chuyển đổi số của ngành y tế thời gian qua.
Hiệu quả của chuyển đổi số thuộc về cả bệnh viện và người bệnh
PV: Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của thực hiện chuyển đổi số trong ngành y tế?
Ông Nguyễn Trường Nam: Hiệu quả của chuyển đổi số trong ngành y tế được thể hiện rất rõ đối với cả bệnh viện, người bệnh và ngành y tế.
Đối với bệnh viện, việc số hóa đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý bệnh viện; nâng cao chất lượng khám, chữa và chăm sóc người bệnh; tiết kiệm chi phí, minh bạch hóa hoạt động của bệnh viện; tăng tính cạnh tranh, tính hấp dẫn và sự hài lòng của người bệnh.
Đối với người bệnh, thuận lợi hơn khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; được trải nghiệm và sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao; được quan tâm và chăm sóc sức khỏe chủ động và tích cực. Người dân dễ dàng tương tác với ngành y tế để phản ánh và được hướng dẫn.
Đối với ngành y tế, việc chuyển đổi số đặc biệt là số hóa bệnh viện sẽ hình thành các kho dữ liệu chuyên ngành, các kho dữ liệu về khám bệnh, chữa bệnh, kho dữ liệu về hồ sơ sức khỏe điện tử… Các kho dữ liệu này được kết nối liên thông giữa các cơ sở y tế trên toàn quốc giúp hỗ trợ và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh cho người dân.
Từ các kho dữ liệu y khoa sẽ hình thành các hệ thống dữ liệu lớn của ngành y tế để từ đó ứng dụng công nghệ số hiện đại như công nghệ dữ liệu lớn (Bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu Analysis… để phục vụ nghiên cứu khoa học, phân tích mô hình bệnh tật, dự báo...
Để thực hiện thành công mục tiêu số hóa, ngành y tế đã xác định và chia ba giai đoạn triển khai. Giai đoạn một (trong năm 2022), tập trung thu thập, lưu trữ, quản lý dữ liệu khám, chữa bệnh, bước đầu hình thành kho dữ liệu tập trung về khám, chữa bệnh, tạo cơ sở dữ liệu lõi cho các nền tảng số y tế. Ngành y tế đã ban hành quy định về mô hình nghiệp vụ và cấu trúc thông tin nghiệp vụ để thúc đẩy hoàn thiện và xây dựng mới các nền tảng số y tế thuộc danh mục các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Giai đoạn hai (từ năm 2023 đến 2025), thúc đẩy triển khai: hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy; hệ thống lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh y khoa tiến tới không sử dụng phim nhựa; đăng ký và tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai khám, chữa bệnh không giấy, trong đó hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng không sử dụng bệnh án giấy. Tất cả dữ liệu sức khỏe người dân được hình thành trong các đợt khám, chữa bệnh sẽ được kết nối và chia sẻ với các kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe theo quy định của pháp luật.
Giai đoạn ba (từ năm 2025 đến 2030), hoàn thiện số hóa dữ liệu sức khỏe người dân, hình thành kho dữ liệu quốc gia về y tế: hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa,... Tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải hoàn thành: triển khai hồ sơ bệnh án điện tử đáp ứng không sử dụng bệnh án giấy, chẩn đoán hình ảnh chỉ sử dụng phim số, người dân có thể đăng ký khám, đăng ký tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và các cơ sở khám, chữa bệnh khu vực đô thị đạt tối thiểu 50% tổng giá trị thanh toán viện phí.
44 cơ sở khám, chữa bệnh đã sử dụng bệnh án điện tử không dùng bệnh án giấy
PV: Ông vừa nói đến việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, vậy hiện trên cả nước đã có bao nhiêu bệnh viện triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử?
Ông Nguyễn Trường Nam: Hồ sơ bệnh án điện tử được quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử (Thông tư số 46/2018/TT-BYT), trong đó Thông tư số 46/2018/TT-BYT đã quy định về giá trị pháp lý của bệnh án điện tử, các nguyên tắc thực hiện bệnh án điện tử, việc quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân khi triển khai bệnh án điện tử một cách rõ ràng, cụ thể, đặc biệt Bộ Y tế đã đặt ra lộ trình thực hiện bệnh án điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì đối với các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I thì chậm nhất đến 31/12/2023 phải hoàn thành triền khai bệnh án điện tử và các bệnh viện còn lại trên toàn quốc đến 2028 phải hoàn thành.
Về kết quả triển khai bệnh án điện tử, đến thời điểm hiện tại có 44 cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy được đăng tải thông tin trên Cổng Thông tin điện tử của Cục CNTT, Bộ Y tế.
Ở tuyến huyện có TTYT ở Phú Thọ đã triển khai bệnh án điện tử, hơn 70% đơn vị không dùng bệnh án giấy. Tuy nhiên, việc triển khai của các bệnh viện tuyến huyện cũng còn gặp nhiều khó khăn.
Ở đây phải nhấn mạnh việc "không sử dụng bệnh án giấy", vì có nhiều bệnh viện đã bước đầu triển khai bệnh án điện tử nhưng chưa đạt đến mức không dùng bệnh án giấy.
Con số này khá khiêm tốn so với mục tiêu và lộ trình đặt ra tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT, nhưng tôi cũng nhắc lại là các chuyên gia nhận định công tác ứng dụng CNTT trong bệnh viện là rất phức tạp, rất khó khăn, khó từ vấn đề nghiệp vụ, đến các vấn đề liên quan đến điều chỉnh quy trình khám chữa bệnh.
Quy trình trong bệnh viện là công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc cho người dân, ảnh hưởng đến tính mạng người dân, nên phải hết sức thận trọng và phải làm chặt chẽ. Các tiêu chuẩn hệ thống trong đó phải đảm bảo các yếu tố về nghiệp vụ cũng như về an toàn thông tin và các vấn đề pháp lý, dẫn đến các đơn vị cũng triển khai chậm để đạt được mức bệnh án điện tử thay bệnh án giấy.
Ngoài ra, còn khó khăn là để triển bệnh án điện tử thì phải đầu tư hạ tầng cơ sở để đáp ứng được triển khai bệnh án điện tử thay bệnh án giấy.
PV: Vậy mục tiêu đến 2025 cả nước không còn bệnh án giấy liệu có đạt được không, thưa ông?
Ông Nguyễn Trường Nam: Để giải quyết việc này chúng tôi cũng đang rà soát, đánh giá và hướng dẫn, thậm chí sẽ sửa đổi một số nội dung trong Thông tư 46 về hướng dẫn quy định về bệnh án điện tử để tháo gỡ một số vấn đề, giúp bệnh viện dễ dàng thực hiện hơn. Bởi vì hiện nay có một số công nghệ mới số mới, giúp thực hiện nhanh chóng thay vì tự đầu tư như thuê dịch vụ hạ tầng để thông qua đó nhanh chóng triển khai bệnh án điện tử. Trước đây, bệnh viện phải tự đầu tư mà đầu tư thì một quy trình mất hàng năm trời, chưa kể xin kinh phí rồi các thứ khác …
Hiện có một số các giải pháp giúp đảm bảo an toàn cho việc hỗ trợ thuê dịch vụ cho bệnh viện và họ có thể giúp thúc đẩy nhanh chóng thì trong năm tới chúng tôi sẽ rà soát lại Thông tư 46 để hướng dẫn, thậm chí sửa đổi Thông tư để giúp các bệnh viện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhanh hơn triển khai bệnh án điện tử.
Về mục tiêu 2025 các bệnh viện có thể chuyển sang bệnh án điện tử mà không cần bệnh án giấy thì đến nay, về mặt kỹ thuật nghiệp vụ cơ bản các bệnh viện đã có thể sẵn sàng. Tuy nhiên, nó còn liên quan đến câu chuyện về nguồn lực đầu tư. Hầu hết các bệnh viện đều được quản lý ở các địa phương, khi đẩy mạnh CNTT, bệnh án điện tử thì nếu các địa phương quan tâm tạo điều kiện cũng như bố trí nguồn lực kinh phí để cho các bệnh viện có thể triển khai, thì tôi tin rằng 2025 hoàn toàn có thể triển khai bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy.
Đã kết nối gần 2.000 điểm cầu Telehealth của các bệnh viện, từ trung ương đến địa phương
PV: Vậy còn việc ứng dụng Telehealth của ngành y tế hiện nay thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trường Nam: Trong thời gian dịch COVID-19, Telehealth đã khẳng định được vai trò và sự cần thiết, cũng như sự đón nhận của các cơ sở y tế và người dân. Một trong những kết quả nổi bật của ứng dụng Telehealth giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, là cứu sống bệnh nhân 91 người Anh. Bệnh nhân đặc biệt nặng, nếu không có hệ thống Telehealth, có sự hỗ trợ hội chẩn của các chuyên gia giáo sư đầu ngành từ Hà Nội giúp cho Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, không chắc bệnh nhân đó đã sống được.
Trong đại dịch, Telehealth cũng giúp người dân tiếp cận các cơ sở y tế, các bác sĩ. Khi cách ly, người dân không thể đi khám, chữa bệnh được, nhưng thông qua Telehealth, người bệnh, đặc biệt là các ca cấp cứu, đã được kết nối tới cơ sở y tế và bác sĩ.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã có chính sách thúc đẩy triển khai Telehealth trong toàn quốc, cho tới tận tuyến xã. Bộ đã ban hành quyết định số 2628 ngày 22/06/2020 của Bộ Y tế về phê duyệt Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020-2025.
Đến nay, đã có hơn 100 bệnh viện tham gia vào mạng lưới của đề án này và đang có rất nhiều đơn vị tiếp tục đăng ký tham gia. Đề án là sự hỗ trợ chuyên môn của bệnh viện tuyến trên với tuyến dưới. Thông qua hỗ trợ những ca khó, cán bộ y tế y tế của tuyến dưới tham khảo, học hỏi và được đào tạo về chuyên môn.
Hiện ngành y tế đã kết nối được gần 2.000 điểm cầu Telehealth của các bệnh viện, từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, chúng tôi đang phối hợp với UNDP thí điểm triển khai phần mềm ứng dụng bác sĩ xã, tập trung hỗ trợ cho cán bộ trạm y tế, người dân có thể tiếp cận được các bác sĩ tuyến trên, các bác sĩ giỏi.
Từ kết quả của thí điểm, chúng tôi sẽ đánh giá, nhân rộng mô hình để các trạm y tế được triển khai y tế từ xa thông qua ứng dụng kết nối, hỗ trợ hội chẩn trực tuyến, cũng như tư vấn khám bệnh từ xa cho bà con vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
PV: Ông có thể cho biết trong năm 2023, ngành y tế tiếp tục chuyển đổi số như thế nào để giữ vững thành quả đã có và còn tiếp tục phát triển, ứng dụng vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân?
Ông Nguyễn Trường Nam: Tiếp tục những kết quả đạt được của những năm qua, năm 2023 nói riêng và cả giai đoạn 2023 - 2025 nói chung, Bộ Y tế sẽ thúc đẩy triển khai: Hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy; Hệ thống lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh y khoa tiến tới không sử dụng phim nhựa; Đăng ký và tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai thực hiện khám chữa bệnh không giấy, trong đó hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng không sử dụng bệnh án giấy.
Tất cả dữ liệu sức khỏe người dân được hình thành trong các đợt khám, chữa bệnh sẽ được kết nối và chia sẻ với các kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe theo quy định của pháp luật.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông!