Hà Nội

Chuyển đổi số tăng cường tính công khai, minh bạch trong ngành Dược

03-10-2020 08:58 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chuyển đổi số nhằm công khai, minh bạch các hoạt động trong lĩnh vực Dược là một trong những biện pháp Bộ Y tế đang triển khai. Để hiểu rõ hơn về kế hoạch chuyển đổi này, phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với DSCKII. Vũ Tuấn Cường – Cục trưởng Cục quản lý Dược (QLD) Bộ Y tế.

Phóng viên: Thưa ông, ngành Dược đã và đang tích cực triển khai việc thực hiện chuyển đổi số trong ngành. Vậy nội dung của Kế hoạch này cụ thể là gì?

DSCKII. Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục quản lý Dược Bộ Y tế.

DSCKII. Vũ Tuấn Cường – Cục trưởng Cục QLD: Kế hoạch chuyển đổi số ngành Dược được triển khai thực hiện nhằm hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý điều hành ngành Dược. Mới đây, Cục Quản lý Dược đã tổ chức Lễ Công bố số hóa và kế hoạch chuyển đổi số ngành Dược.

Với mục tiêu đặt ra đến năm 2025 và 2030, Cục sẽ phấn đấu về đích trước thời hạn này. Ví dụ, mục tiêu đến năm 2025 là chuyển đổi số góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về thuốc; đồng thời giúp tăng cường việc quản lý, đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả… Cục sẽ phấn đấu hoàn thành vào năm 2023. Để về đích trước hạn 2 năm này, cần đảm bảo duy trì hoạt động 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tích hợp 100% lên Cổng dịch vụ công quốc gia, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính thông qua các dịch vụ công trực tuyến; số hóa 100% thông tin, dữ liệu thuốc được cấp phép lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam, cập nhật lên Ngân hàng dữ liệu ngành Dược; đảm bảo 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật); 100% các hệ thống thông tin ngành Dược có yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ; dữ liệu, thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại Cục QLD thì không phải cung cấp lại…

Với mục tiêu đến năm 2030, Cục QLD phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành, về đích trước 05 năm và như vậy cần đảm bảo duy trì hoạt động 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cơ chế một cửa Quốc gia; hình thành nền tảng dữ liệu ngành Dược cho các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp dược, cơ sở y tế dựa trên kết nối Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên cơ sở đảm bảo an toàn, bảo mật theo qui định pháp luật.

 

Nghi thức bấm nút số hóa ngành DượcNghi thức bấm nút công bố số hóa và kế hoạch chuyển đổi số ngành Dược.

Phóng viên: Để triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành Dược, Cục QLD đã đề ra những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?

DSCKII. Vũ Tuấn Cường: Để triển khai thực hiện Kế hoạch này chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với công chức, viên chức, người lao động của Cục QLD cũng như người dân và doanh nghiệp về vai trò và lợi ích của chuyển đổi số ngành Dược; hoàn thiện thể chế, văn bản qui phạm pháp luật, quy trình tác nghiệp, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực chuyên ngành Dược để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong quá trình chuyển đổi số; tổ chức kết nối, tập hợp, thúc đẩy sở y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp dược, cơ sở y tế trong việc phát triển các ứng dụng, nền tảng số thuộc lĩnh vực dược; phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dược, ứng dụng các công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) trong việc xây dựng, lưu trữ dữ liệu ngành Dược. Ứng dụng các công nghệ phân tích (Analytics) để phân tích nhanh số liệu về hoạt động cung ứng thuốc đảm bảo kịp thời, chính xác, từ đó có các chính sách quản lý ngành Dược phù hợp; nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ trong việc thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc trực tuyến; tham gia, phối hợp với đơn vị trong và ngoài ngành y tế để tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản qui phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực chuyển đổi số y tế nói chung và ngành Dược nói riêng; đẩy mạnh hợp tác đào tạo để có được từ 02 đến 03 chuyên gia chuyển đổi số áp dụng trong lĩnh vực Dược gồm các công nghệ số, công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, làm nòng cốt trong chuyển đổi số ngành Dược; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tham quan, học tập, giao lưu học hỏi kinh nghiêm, công nghệ, mô hình triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực Dược tại các quốc gia trên thế giới…

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 


Mai Hương (thực hiện)
Ý kiến của bạn