Chuyển đổi số - 'Liều thuốc' giúp doanh nghiệp bán lẻ trụ vững trong đại dịch

25-09-2021 15:14 | Thị trường
google news

SKĐS - Những doanh nghiệp đi trước trong quá trình chuyển đổi số, đón bắt các cơ hội của thị trường, đều đang trụ vững, phục hồi nhanh trước khủng hoảng của dịch COVID-19.

Dịch COVID-19 đã thúc đẩy doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam chuyển đổi số

Số liệu Nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng do Công ty công nghệ thanh toán điện tử Visa vừa công bố cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc trong các hình thức bán lẻ và tiêu dùng số ở Việt Nam.

Nghiên cứu của Visa về thái độ thanh toán của người tiêu dùng tại các nước Đông Nam Á cho thấy quá trình chuyển dịch từ cửa hàng vật lý sang các nền tảng thương mại điện tử diễn ra nhanh chóng chỉ trong vòng vài tháng.

Sự chuyển đổi này tạo ra lợi thế cho dịch vụ giao hàng tận nhà khi có đến 87% số người tiêu dùng Việt được khảo sát hiện đang sử dụng dịch vụ này và 82% trải nghiệm dịch vụ lần đầu tiên từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Theo đó, trong số 10 đơn hàng thì có đến gần 6 đơn hàng được giao đến nhà, tăng gấp 20 lần so với thời điểm trước đại dịch.

Chuyển đổi số - "Liều thuốc" giúp doanh nghiệp bán lẻ trụ vững trong đại dịch - Ảnh 1.

Mua hàng online và giao hàng tận nhà đã tăng trưởng chóng mặt trong thời gian qua

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, cho biết người tiêu dùng ngày càng trở nên hứng thú hơn với sự tiện lợi của hình thức mua sắm trực tuyến.

"Việc sử dụng thanh toán trực tuyến thường xuyên hơn khiến họ nhận ra sự an toàn và đơn giản của các hình thức này. Sự thay đổi hành vi người tiêu dùng là động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển năng lực kỹ thuật số và có những bước tiến sâu hơn vào lĩnh vực thương mại điện tử" - bà Tuyết Dung nói.

Đại đa số (77%) người tiêu dùng Việt Nam hiện đã biết đến hoạt động mua sắm trên mạng xã hội. Tính đến thời điểm hiện tại, mức độ nhận biết và đón nhận loại hình thương mại này được ghi nhận đông đảo nhất ở nhóm người tiêu dùng trong độ tuổi 18-23.

Các nhà bán lẻ hiện nay đang quảng bá và bán sản phẩm, dịch vụ của mình đến người tiêu dùng thông qua mạng xã hội; nền tảng truyền thông mạng xã hội là nơi lý tưởng để các thương hiệu và người bán thu hút lượng lớn khán giảthông qua sự cá nhân hóa. Họ không chỉ tìm được khách hàng tiềm năng nhờ quảng cáo nhắm vào đối tượng cụ thể, mà còn có thể tiếp cận khách hàng và mang đến những chương trình ưu đãi riêng phù hợp với nhu cầu từng cá nhân.

Doanh nghiệp bán lẻ chuyển đổi số ngăn đứt gãy chuỗi cung ứng

Ở thời điểm hiện tại, rất ít người còn đặt ra câu hỏi vì sao phải chuyển đổi số (CĐS). Câu hỏi thường gặp hơn là CĐS như thế nào, nên bắt đầu từ đâu. Theo báo cáo "Thực trạng chuyển đổi số kinh doanh số" của Tập đoàn IDG (Mỹ) cũng như khảo sát của Bộ Công Thương, trên 80% DN tại Việt Nam đã và đang nhập cuộc CĐS.

Trong khi các lĩnh vực khác thường tập trung CĐS ở khâu sản xuất, thì ngành bán lẻ lại tập trung CĐS ở khâu quản lý kênh phân phối để kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT).

Chuyển đổi số - "Liều thuốc" giúp doanh nghiệp bán lẻ trụ vững trong đại dịch - Ảnh 2.

Ngành bán lẻ lại tập trung CĐS ở khâu quản lý kênh phân phối để kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT).

Theo ông Nguyễn Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT SmartOSC - đơn vị tư vấn CĐS, ưu tiên số một khi CĐS trong ngành bán lẻ là tối ưu bán hàng và trải nghiệm của khách hàng trên đa kênh (omni channel), bán hàng trực tuyến và truyền thống (O2O - Online to Offline và Offline to Online).

Kế đó là đồng bộ hóa trải nghiệm khách hàng để gia tăng doanh số của cả hai kênh nhằm tăng lượng khách hàng mới và khách hàng quay lại. Với nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ thì việc gia tăng tỷ lệ khách hàng trung thành thậm chí được ưu tiên hơn. Vì vậy, việc mua sắm thuận tiện đa kênh được chú trọng nhất.

Với ưu tiên này, CĐS trong quy trình quản lý quan hệ khách hàng (CRM) sẽ hỗ trợ rất hiệu quả. Lần lượt các quy trình vận hành được CĐS tiếp theo để tối ưu tốc độ bán hàng. Đây là khâu thu thập dữ liệu về sản phẩm, khách hàng, địa điểm và xử lý dữ liệu (xử lý đơn hàng, tối ưu quy trình vận chuyển giao nhận, tối ưu quy trình lưu, xuất kho).

DN cần lưu ý đến việc tích hợp nhiều hình thức thanh toán trực tuyến và cho ra khuyến mãi như việc áp dụng mã QR Code cho cả hai kênh và phương thức mua trước trả sau.

Trong bối cảnh giãn cách xã hội, DN bán lẻ vẫn phải đảm bảo cung ứng hàng kịp thời, an toàn. TMĐT giúp DN bán lẻ duy trì kinh doanh bằng mô hình bán hàng trực tiếp từ nhà sản xuất - bán lẻ tới người tiêu dùng, bỏ qua các khâu trung gian. Qua đó, TMĐT có vai trò giảm nhẹ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, việc triển khai CĐS ở các đơn vị kinh doanh nông sản, hàng hóa thiết yếu vẫn chưa tối ưu được hiệu quả. Nguyên nhân là do việc bán lẻ trải qua rất nhiều khâu logistics. Các mặt hàng nông sản tươi sống cần đảm bảo theo tiêu chuẩn, đúng bao bì, mã vạch và vận chuyển, nhưng các khâu này lại chưa thể áp dụng CĐS triệt để. Nếu cải thiện được, chắc chắn tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ được giảm thiểu rõ rệt.

Hiện nay, rất nhiều DN bán lẻ phát triển nền tảng TMĐT nên phải chú trọng mang lại trải nghiệm số tốt hơn cho khách hàng để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Cụ thể, DN nên đầu tư vào một số công cụ số như CDP - nền tảng quản lý dữ liệu khách hàng, giúp hiểu sâu và phán đoán được hành vi mua hàng. Automated CRM - quản lý quan hệ khách hàng tập trung và cập nhật theo hành trình trên đa kênh. Omni channel POS - thiết bị bán hàng Point-of-Sale giúp quản lý mua bán hàng trên đa kênh.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều DN gặp khó khăn khi tiến hành CĐS. Thách thức lớn nhất vì họ quá quen với mô hình kinh doanh cũ. Theo ghi nhận của ông Hiếu, nhiều DN bán lẻ bối rối trong việc đưa CĐS thành một yếu tố đổi mới quan trọng. Vì CĐS không phải chỉ là áp dụng công nghệ cho cái cũ, mà là thay đổi cả mô hình kinh doanh. Do đó, vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng, bởi họ mới sắp xếp được hoạt động của các bộ phận một cách đồng bộ và chọn được đơn vị triển khai CĐS giúp bảo mật dữ liệu.

CĐS là hành trình dài hạn hướng tới sự phát triển bền vững, do đó ngoài yếu tố "nhanh" cần phải đảm bảo yếu tố "chắc". Vì vậy, DN bán lẻ nên bắt đầu từ bước số hóa dữ liệu và quy trình. Ban lãnh đạo cũng cần lan tỏa hiểu biết sâu về CĐS tới nhân viên.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Kim Ngân
Ý kiến của bạn